Thu nhập nghệ sĩ - kẻ khóc người cười
Những dư luận xung quanh việc “ông hoàng catsê” Đàm Vĩnh Hưng nhận đến 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng) để hát tại đám cưới của con một đại gia ở Hà Tĩnh một lần nữa cho thấy nghệ sĩ hiện tại dư dả hơn rất nhiều nhờ những khoản thu có vẻ “vặt vãnh” như thế.
>> Diễn viên nói về… Catsê
>> Hoa hậu và 'Cátsê - "Tiền tươi thóc thật'
Với một đêm diễn, có ca sĩ nhận 100-200 triệu đồng, có người mẫu nhận 40-60 triệu đồng nhưng diễn viên kịch chỉ nhận 500.000-1 triệu đồng. Trong ảnh: những ca sĩ có catsê cao: Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà (từ trái sang) |
Góp vui trong “đám cưới bạc tỉ” tại Hà Tĩnh ngoài Đàm Vĩnh Hưng còn có ba danh ca hải ngoại khác mà catsê được chính người trong cuộc xác nhận là 5.000 USD hoặc “cao gấp 4-5 lần so với hát ở Mỹ”. Dù thực hư các con số thế nào thì đó cũng là khoản tiền hậu hĩnh cho khoảng mười mấy phút “lao động nghệ thuật” của giới ca sĩ. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao dù luôn than vãn làm sô hay băng đĩa đều “thu được vốn là mừng”, nhưng các ca sĩ vẫn mạnh tay chi ào ào cho các dự án băng đĩa lẫn live show tiền tỉ của mình. Bởi họ đã có những “nguồn thu xung quanh” bù đắp.
Ca sĩ - thiên hạ đệ nhất catsê
"Thù lao một vai kịch, diễn tập ròng rã, diễn triền miên không bằng một phân đoạn phim truyền hình, mỗi ngày có thể quay mấy phân đoạn" - NSƯT Việt Anh |
Người mẫu không chỉ có thù lao thấp hơn mà số show diễn trong ngày, trong tuần cũng không bao giờ bằng ca sĩ. Giỏi lắm một siêu mẫu có chừng ba show diễn một tuần đã là “như mơ”. Trong khi với những ca sĩ đương thời thì một đêm chạy sô bốn điểm diễn là bình thường, hỏi sao các chân dài hiện nay không tính đường lấn sân ca hát dù thực lực có hạn. Nếu đem ra so thì catsê của người mẫu và ca sĩ hạng xoàng là ngang nhau, 300.000-500.000 đồng/show. Nhưng ca sĩ thì ít nhất cũng được một, hai show/đêm và một tuần cũng ít nhất có ba đêm lên sân khấu. Tính ra nếu không tiêu xài hoang phí, dù là ca sĩ hạng xoàng cũng sống được với nghề.
Nhưng giới ca sĩ vẫn luôn than vãn về việc làm live show hay băng đĩa đều lỗ, dù vé xem live show có bán đến 4-5 triệu đồng/vé và đĩa có khi bán đến 500.000 đồng/album. Ca sĩ Đức Tuấn cũng từng úp mở rằng đã lỗ đến một nửa với live show Thiên Thai đầu tư gần 5 tỉ đồng cho hai đêm diễn tại TP.HCM và Hà Nội vào năm ngoái. Tuy nhiên anh vẫn không tỏ ra quá lo lắng vì đã làm được một chương trình “để đời” và chỉ cần “cày” khoảng một đến một năm rưỡi là sẽ bù đắp được. Không phải là cái tên đình đám nhất làng nhạc Việt, nhưng catsê của Đức Tuấn cũng ở khoảng 35-40 triệu đồng/show sự kiện. Với những show biểu diễn bình thường, catsê của anh ở mức 25-30 triệu đồng. Và lịch chạy sô của anh cũng thuộc hàng “ná thở” với đủ loại chương trình biểu diễn, ra mắt sản phẩm, hội nghị khách hàng, khai trương, giao lưu văn hóa... khắp các tỉnh thành trong nước và nước ngoài.
Với những ca sĩ đã có hạng, trừ việc phải bỏ tiền ra làm album hay tổ chức live show, bất cứ chương trình biểu diễn nào của họ đều quá “hời”. Một sự thật đáng lưu tâm là khi ca sĩ lao động nhọc nhằn nhất, hát phòng trà với 20-30 ca khúc/đêm (riêng Đàm Vĩnh Hưng có thể hát một lèo đến 40 ca khúc/đêm) thì catsê dành cho “ngôi sao”, như chia sẻ từ phòng trà WE, cũng vào khoảng 50 triệu đồng, chỉ bằng 1/2 hay 1/4 so với việc hát đôi ba ca khúc ở các sự kiện. Vậy nên rất nhiều giọng hát “thường thường bậc trung” vẫn vui với nghề bởi 10 triệu đồng tiền thù lao cho một sô diễn đã là... “mê ly”.
Diễn viên điện ảnh: catsê bí mật
Các diễn viên điện ảnh ở ta đa số là tay ngang, thế nhưng khi đã chạm được cái ngõ hẹp của ngành nghệ thuật thứ bảy này thì ma lực của nó đã giữ chân họ lại. Kinh phí làm phim luôn là một con số ảo, vì thế catsê cho diễn viên cũng luôn là một điều bí mật. Và nếu thử hỏi một ai đó về catsê của họ khi tham gia một dự án phim nhựa rình rang, bạn sẽ khó mà nhận được câu trả lời, hoặc nếu có cũng không chính xác vì còn phải cộng trừ nhân chia cho các khoản môi giới, thuế... Với đôi ba phim chiếu Tết đình đám, diễn viên chính có thể nhận trên dưới 100 triệu đồng.
Còn như một số nhà sản xuất thạo tin đã tiết lộ, “kỷ lục gia” catsê phim điện ảnh tại VN đã thuộc về Dustin Nguyễn với vai diễn trị giá 500 triệu đồng trong Giữa hai thế giới. Được biết, Johnny Trí Nguyễn mới đây đã tham gia một dự án phim ở Ấn Độ với catsê không dưới 100.000 USD. Nhưng đó là thù lao mà anh nhận được từ một dự án nước ngoài, còn dự án trong nước thì catsê cho bộ phim sắp ra mắt Cưới ngay kẻo lỡ của Johnny cũng trên dưới 10.000 USD (200 triệu đồng). Vai diễn của Thái Hòa trong Long ruồi cũng tương tự, nhưng sau khi phim đạt doanh thu khủng, nhà sản xuất đã thưởng thêm cho anh số tiền “kha khá gọi là...”. Thực tế không có nhiều diễn viên điện ảnh được thù lao ưu ái như thế. Thậm chí có diễn viên còn không nhận đồng thù lao nào, miễn là được có mặt trong một bộ phim hoành tráng, hầu hết đều chỉ nhận được một khoản catsê “cho vui” từ 20-50 triệu đồng cho một vai chính mà thôi.
Nói về catsê, nghệ sĩ kịch nói Ái Như (trái) tặc lưỡi: “Nhắc đến thấy tủi thân thôi!” |
Nghệ sĩ kịch, cải lương: tủi thân với catsê “hẻo”
Cũng mang nghiệp diễn nhưng các nghệ sĩ kịch nói, cải lương “hẻo” hơn nhiều so với các diễn viên điện ảnh - truyền hình. Nghệ sĩ kịch nói Ái Như tặc lưỡi: “Nhắc đến thấy tủi thân thôi!”. Một nghệ sĩ sân khấu kịch hay cải lương cũng chỉ có thể kiếm được trung bình 500.000 đồng cho một suất diễn dành cho vai diễn chính, có thoại, có số phận. Còn những vai phụ hoặc làm dàn bao thì chỉ có giá từ 100.000-200.000 đồng cho một đêm diễn. Những ngôi sao như Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy mỗi suất diễn có thể nhận thù lao cao hơn nhưng chẳng đáng là bao so với ba tiếng đồng hồ khản tiếng trên sân khấu với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố trên đời. NSƯT Anh Tú (trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ) thì “bật mí” con số 300.000 đồng cho mỗi suất diễn của mình.
Thu nhập của các diễn viên hài có thể khá hơn nếu họ chịu chạy sô các tụ điểm ở thành phố vào dịp cuối tuần hoặc chạy sô tỉnh hay sô hải ngoại. Catsê cho các nhóm hài ba người từ 500.000-1,5 triệu đồng nếu diễn ở tụ điểm, 2 triệu nếu diễn ở quán bar, 2-5 triệu nếu đi tỉnh.
Riêng đối với nghệ sĩ cải lương muốn sống được với nghề họ phải làm siêng đi hát cúng đình, chùa, miếu vào mùa lễ hội với mức thù lao vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Nếu đi diễn tỉnh hát hội chợ hay đại nhạc hội thì được vài triệu đồng cho một lần hát hai bản vọng cổ. Cũng có vài nghệ sĩ cải lương được mời đến các phòng VIP của quán nhậu, hát vài bản vọng cổ không micro ngay bên bàn tiệc cùng với một nhạc sĩ guitar phím lõm, sau đó có thể nhận được số tiền boa khá hậu hĩnh từ các đại gia. Với những trường hợp cá biệt, nghệ sĩ còn được tặng những món quà giá trị lớn ngay trên bàn nhậu, tuy nhiên cái giá phải đánh đổi cũng không ít.
Các nghệ sĩ hài, nghệ sĩ cải lương cũng có thể tăng thu nhập nếu được các bầu sô hải ngoại mời lưu diễn. Tuy nhiên thường thì họ phải tự lo chi phí visa, giấy tờ và sẽ “gỡ” lại khi sang nước ngoài bằng cách chạy sô cuối tuần, bán đĩa, đi hát đám tiệc mừng thọ, mừng sinh nhật cho những bà con Việt kiều nào có nhu cầu...
Diễn viên truyền hình “sống tốt” Ở lĩnh vực phim truyền hình, theo đạo diễn Xuân Phước - giám đốc Hãng phim Xuân Phước: “Các diễn viên đóng vai chính catsê 5-6 triệu đồng/tập. Những diễn viên dù không đóng vai chính nhưng xếp vào hạng A được ký hợp đồng theo phân đoạn. Giá cũng dao động từ 400.000-500.000 đồng/phân đoạn. Trong khi đó diễn viên phụ chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/phân đoạn”. Tuy nhiên trên thực tế, mức catsê đối với những ngôi sao cho phim truyền hình cao hơn mặt bằng chung nhiều (trên 10 triệu đồng/tập tùy từng hãng phim). Trào lưu độc quyền diễn viên có vẻ không còn thích hợp mà thay vào đó là diễn viên ký hợp đồng đóng khoảng 2-3 bộ phim cho một hãng phim. Catsê sẽ giảm một chút nhưng bù lại thu nhập ổn định hơn. Đạo diễn Xuân Phước cho hay: “Với thu nhập như vậy, diễn viên truyền hình không những sống được mà còn sống tốt nữa. Những diễn viên chỉ đóng vai phụ cũng kiếm được kha khá nếu chăm chỉ làm việc. Việc diễn viên truyền hình sau vài năm đóng phim mà mua được xe hơi (loại bình thường) là chuyện thường”. |
Theo Tuổi Trẻ