Trong thời gian trốn, không ai biết đứa trẻ ấy đã từng giết người. Nhưng ray rứt vì cái chết của một nạn nhân nghèo khó và sự oan ức của những người vô tội, em tìm đến đồn công an tự thú.
Đó là câu chuyện của L.M.D. (ngụ tại tỉnh Kiên Giang), hiện đang học tập tại trường Giáo dưỡng số 5 (Long An).
L.M.D. và các em nữ ở trường giáo dưỡng số 5. |
Nỗi ân hận muộn màng
D. ngồi trước mặt tôi, nước da nâu rắn rỏi, mớ tóc mai xoăn xòa xuống mặt, suốt buổi nói chuyện mặt con bé luôn cúi xuống, thỉnh thoảng mới ngẩng lên nhìn. Đôi mắt nó hiền, bàn tay đan vào nhau khi nói về vụ án ở Sóc Trăng mấy năm trước mà nó là thủ phạm.
Suốt buổi nói chuyện trong trường Giáo dưỡng số 5, D. kể nhiều về gia đình. Con bé sinh ra không biết cha mình là ai, rồi mẹ bỏ đi lấy chồng ở một nơi khác, rất ít khi về thăm nhà và thăm con. D. cũng không thể đi thăm mẹ và gia đình mới của mẹ được vì các em đều còn nhỏ.
“Mẹ con ở một cù lao, cũng không có nhiều thời gian để về thăm ngoại và con, con được dì và ngoại nuôi từ nhỏ nên gắn bó với dì và ngoại” - em nói.
Không được cha mẹ chăm sóc từ nhỏ, bà ngoại và dì luôn trong hoàn cảnh thiếu thốn nên chẳng lúc nào D. có tiền để tiêu xài, trong khi bạn bè cùng lứa tuổi ở địa phương lúc nào cũng được cha mẹ chăm sóc đủ đầy.
“Lần đó buồn quá, con đi chơi với bạn rồi thấy mình cần phải kiếm việc làm để có tiền nên con và bạn rủ nhau lên Sài Gòn. Nhưng lên Sài Gòn cũng cần phải có tiền, vậy là chúng con bàn nhau đi cướp” - cô bé kể về lý do mình vi phạm pháp luật như thế.
Bạn của em là cô gái lớn hơn hai tuổi. Đối tượng hai đứa trẻ nhắm đến chính là những người xe ôm ở địa phương. “Khi đó con chỉ nghĩ làm thế nào để có được tiền đi lên Sài Gòn” - D. nhắc lại.
Vậy là hai đứa con gái, một 13 tuổi, một 15 tuổi, kêu một bác xe ôm chở đi loanh quanh chờ dịp ra tay. “Khi chúng con lừa được bác ấy đến chỗ vắng cũng đã khuya lắm rồi. Với quyết tâm có tiền, con và bạn đã ra tay. Nhưng con nhớ nhất là bác ấy đã kêu khóc xin tha vì bác ấy còn con nhỏ phải chăm sóc” - em vừa kể vừa khóc...
Tước đoạt mạng sống của người xe ôm xong, D. và bạn lục bóp của người đàn ông này. Cả hai kinh ngạc vì trong bóp không có một đồng tiền nào. Cặp đôi bỏ trốn.
Đầu thú
Thật ra D. nói không phải đến khi cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng bắt đến bảy người và khởi tố họ về hành vi giết người và che giấu tội phạm mà em mới có ý định ra tự thú. Ngay khi thực hiện hành vi của mình xong, ám ảnh bởi tiếng kêu khóc của người xe ôm, D. đã muốn đi tự thú rồi.
Nhưng vì người bạn gái đi cùng không muốn nên em phải lên TP HCM cùng bạn. Sau này D. nói rằng nếu em không tự thú thì những thanh niên kia sẽ không được minh oan, và khi biết được người xe ôm còn phải nuôi mấy đứa con nhỏ, em đã cảm thấy rất ân hận.
Nhưng ở TP HCM không khi nào cô bé không nghĩ về tiếng kêu van của người xe ôm. Rồi sau đó khi đọc báo biết có một nhóm người đã bị công an bắt vì cho rằng họ đã giết người, D. quyết tâm đi tự thú.
“Con và bạn con đã tranh cãi rất nhiều về việc đi tự thú bởi bạn con rất sợ phải đền tội. Nhưng khi ấy đọc báo con biết có đến bảy người đã bị bắt và chịu tội thay cho con và bạn thì con thấy mình không thể cứ trốn mãi được dù không ai biết chúng con đã làm việc tày đình ấy. Con đến công an tự thú trước, rồi ba ngày sau bạn con cũng đi đầu thú” - em kể.
Về người bạn gái đi cùng mà D. cứ lần lữa mãi không muốn đi tự thú, là bởi đó là người em thương yêu. Cô Hà - giáo viên chủ nhiệm, người luôn gần gũi chăm sóc, an ủi động viên em - cũng nói em rất thương người bạn gái kia. Việc tình cảm của các em rất phức tạp nên cô giáo càng phải vất vả hơn khi chăm sóc và uốn nắn dạy bảo.
Là người tiếp nhận D. từ ngày đầu tiên vào trường giáo dưỡng, cô Trần Thị Thu Hà đã tìm hiểu hoàn cảnh và được biết em thiếu thốn tình cảm từ nhỏ. Cô Thu Hà nói với chúng tôi rằng D. là một trong năm em học sinh nữ hiện đang được học tập trong trường Giáo dưỡng số 5.
Từ ngày vào trường, D. tu dưỡng và rèn luyện rất tốt, việc gì em cũng thực hiện nghiêm túc và gương mẫu so với các bạn.
Sau khi vụ án kết thúc, em vào trường Giáo dưỡng thì người dì (D. gọi là mẹ) thỉnh thoảng vẫn lên trại giáo dưỡng thăm con.
Theo cảm nhận của cô Hà thì gia đình người này rất nghèo, nhưng vẫn đang cố gắng dành dụm từng đồng để khắc phục hậu quả do D. gây ra. Em cũng rất hiểu về hậu quả mà mình gây ra nên học tập và lao động rất tốt để sớm ra trường, làm lụng kiếm tiền bồi thường cho người bị hại.
Cô Hà nói đã có lần D. viết thư xin lỗi gia đình người xe ôm xấu số ấy bởi cảm giác ân hận đã đeo đẳng em cho đến tận bây giờ.
Vì vậy, dì của em thường gặp trực tiếp và gọi điện thoại cho cô Hà nhờ quan tâm và chăm sóc D. nhiều hơn. “Bây giờ thì mọi thứ với D. cũng ổn rồi. Em chăm chỉ và rất tuân thủ kỷ luật của lớp học. Là người thường xuyên gần gũi tiếp xúc, tôi biết em là người tốt nhưng vì hành vi bột phát mà vi phạm pháp luật chứ không phải là một đứa trẻ ngang bướng và khó bảo” - cô Hà nói.
7 người bị tù oan
Theo hồ sơ vụ án khoảng 20g đêm 5/7/2013, L.M.D. cùng bạn gái tên X. đón xe ôm của ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ thị trấn Trần Đề) kêu chở đi tìm nhà bạn, nhưng thực chất là chờ đến đoạn đường vắng để giết ông Dũng cướp tài sản.
Khi đến địa phận xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) thì đã nửa đêm, thấy đường vắng, X. bảo dừng xe rồi cả hai ra tay tước đoạt sự sống ông Dũng. Sau đó cả hai cùng bỏ trốn lên TP HCM.
Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Công an Sóc Trăng bắt tạm giam các nghi can Trần Hoi, Thạch Mươi, Trần Văn Đỡ, Trần Cua, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc (cùng ngụ huyện Trần Đề) để điều tra hành vi giết người. Bạn gái của Đỡ là Nguyễn Thị Bé Diễm cũng bị bắt về hành vi không tố giác tội phạm.
Khi vụ án sắp kết thúc điều tra thì tháng 12/2013, D. và X. ra đầu thú nên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam, đình chỉ điều tra đối với bảy bị can trên.
Cuối năm 2014, X. đã bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên mức án 12 năm tù. D. còn nhỏ tuổi nên được đưa vào trường giáo dưỡng.
Sau khi xảy ra vụ án oan sai chấn động ở Sóc Trăng, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã bắt tạm giam, khởi tố, kỷ luật nhiều người nguyên là điều tra viên, kiểm sát viên của tỉnh này.
Từ tháng một đến nay, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã hoàn tất việc bồi thường oan sai cho bảy công dân trên với mức bồi thường tổng cộng là gần 500 triệu đồng.