Một trong 5 nước khu vực Châu Á sử dụng amiang nhiều nhất
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Amiang là chất gây ung thư nghề nghiệp nguy hiểm nhất, ước tính gây ra 50% số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiang gây ra mỗi năm là hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với bệnh tật. Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người.
Amiang là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Theo đó, trung bình số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Con số này ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều amiang trong quá khứ.
WHO cũng cảnh báo, không có ngưỡng nào thật sự an toàn khi tiếp xúc với amiang. Tất cả các dạng amiang đều có thể gây ung thư (ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư trung biểu mô, ung thư buồng trứng, bụi phổi, xơ hóa phổi amiang) và các bệnh trầm trọng khác cho con người, nhất là amiang xanh và nâu.
Mặc dù WHO đã đưa ra nhiều cảnh báo về tác hại của amiang nhưng theo Ths Phạm Xuân Thành, Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế thì trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước tiêu thụ amiang nhiều nhất thế giới (nhất là dưới dạng các tấm lớp Fibro ximang).
Nếu như năm 2011, lượng tiêu thụ amiang là gần 60.000 tấn (đứng thứ 9) thì năm 2012 đã tăng lên 79.000 tấn (vươn lên đứng thứ 6) và nằm trong top 5 nước châu Á sử dụng nhiều amiang nhất, chiếm tới 63% lượng tiêu thụ amiang toàn cầu.
Amiang ảnh hưởng trực tiếp tới những người tiếp xúc thường xuyên, gây nhiều hậu quả nặng nề. Song GS.TS Lê Vân Trình, chuyên gia cao cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (nguyên viện trưởng Viện BHLĐ) cho biết, theo thống kê trong hồ sơ quốc gia về amiang năm 2010, tổng số người lao động (NLĐ) trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất, tấm lợp AC, má phanh, phân lân nung chảy, đóng tàu… là những người có nguy cơ cao, đặc biệt là những người có tuổi nghề từ 16 năm trở lên, chiếm tới 12%.
Nhiều công nhân phải tiếp xúc trực tiếp với amiang- tác nhân gây ung thư. |
GS Trình cũng cho biết, thêm mặc dù bệnh bụi phổi amiang đã được đưa vào danh sách bệnh nghề nghiệp được nhà nước bồi thường từ năm 1976 nhưng với nhiều lý do cho đến nay mới có 5 trường hợp được công nhận là bệnh bụi phổi amiang.
Thời gian ủ bệnh trên 15 năm
Lý giải tình trạng chỉ có 5 người được xác nhận mắc bệnh bụi phổi amiang, GS.TS Lê Vân Trình lý giải là do việc giám sát sức khỏe cho NLĐ chưa liên tục, NLĐ khi chuyển việc không được theo dõi về tiền sử tiếp xúc với amiang nên không thể theo dõi lịch sử tiếp xúc. NLĐ tại phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có tuổi trẻ, dưới 15 năm trong khi thời gian ủ bệnh của bệnh amiang từ 15 năm trở lên.
“Trong khi NLĐ tại các cơ sở sản xuất chủ yếu là lao động thời vụ ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe thì kinh nghiệm chẩn đoán, phát hiện bệnh amiang còn ít, nguồn lực kém trong khi đó bệnh amiang khá phức tạp, không dễ phát hiện”, GS.TS Lê Vân Trình ái ngại cho biết.
Theo các chuyên gia, bệnh bụi phổi amiang là do xơ hóa mô kẽ, sự gia tăng số lượng thể amiang màu nâu đỏ và những sợi amiang không bị bao bọc. Đối với thể màu nâu đỏ là những sợi amiang được bao bọc chất sắt protein. Bệnh bụi amiang thường bắt đầu dưới màng phổi, ở vùng đáy phổi. Nếu tiến triển, nó có thể xơ hóa lan tỏa cả hai phổi. Ở những giai đoạn cuối, phổi có thể có hình dạng lỗ chỗ như tổ ong, khi chụp X-quang có thể không phân biệt được với những dạng xơ mô kẽ khác.
Triệu chứng sớm của những người mắc bệnh bụi phổi thường là khó thở khi gắng sức kèm theo có ho kéo dài, có thể do co thắt phế quản, khạc đờm, có tiếng rít ở hai bên phổi, nghe rõ nhất ở vùng đáy phổi, phía sau và không mất khi ho. Nặng hơn, bệnh sẽ tiến triển dẫn tới ung thư phổi.
Điều đáng lo ngại là, chúng ta chưa có nghiên cứu về chi phí điều trị ung thư do amiang, tuy nhiên theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư, Phó Viện trưởng BV K cho thấy gánh nặng kinh tế của thuốc điều trị các bệnh ung thư nói chung trong năm 2010 lên tới 1.621 tỷ đồng.
Trước những gánh nặng bệnh tật do amiang đem lại, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên cấm sử dụng tất cả các dạng amiang. Việc làm này cũng phù hợp với xu thế chung của nhiều nước nhằm hạn chế phơi nhiễm, kiểm soát, phòng ngừa và loại bỏ các bệnh có liên quan đến amiang.