Các tín đồ Hồi giáo tại nhà ga ở Mecca, Saudi Arabia, trong hành trình tham dự lễ hành hương Hajj ngày 15/6. Ảnh: THX. |
Kết luận này do nhóm nhà khoa học châu Âu của ClimaMeter đưa ra ngày 28/6.
ClimaMeter chuyên tiến hành đánh giá nhanh về vai trò của biến đổi khí hậu đối với một số hiện tượng thời tiết. Từ ngày 16-18/6 vừa qua, nhiệt độ dọc theo tuyến đường hành hương có thời điểm tăng lên 47 độ C và chạm mức 51,8 độ C tại Đại thánh đường ở Mecca. Theo phân tích của ClimaMeter, nền nhiệt sẽ thấp hơn khoảng 2,5 độ C nếu không chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã sử dụng kết quả quan sát bằng vệ tinh trong 4 thập kỷ qua để so sánh các hình thái thời tiết giai đoạn từ năm 1979-2001 với giai đoạn 2001-2023.
Sa mạc từ lâu đã ghi nhận nhiệt độ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học của ClimaMeter cho rằng sự thay đổi tự nhiên không phải là yếu tố làm gia tăng cường độ nắng nóng trong tháng này, mà là do biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng cho thấy những hiện tượng tương tự xảy ra tại Saudi Arabia vào tháng 5 và tháng 7 của những năm trước, nhưng tháng 6 năm nay chứng kiến những đợt nắng nóng gay gắt hơn.
Nhà khoa học Davide Faranda của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho rằng nắng nóng khiến nhiều người tử vong trong mùa lễ Hajj năm nay có liên quan trực tiếp đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch và ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong số những tín đồ hành hương.
Giới chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng gia tăng về cường độ và tần suất. Kết quả nghiên cứu trước đây của nhóm World Weather Attribution cho thấy trung bình trên toàn cầu, nhiệt độ của một đợt nắng nóng kéo dài tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.