Tenancingo là một thị trấn nhỏ ở bang Tlaxcala (Mexico) - nơi người dân chủ yếu sống nhờ hoạt động buôn bán tình dục. Mạng lưới này phát triển rộng khắp Tenancingo và những vùng lân cận.
20% trẻ nhỏ mong ước làm ma cô
Các bé trai ở Tenancingo được đào tạo để trở thành ma cô từ khi còn rất nhỏ. Phụ nữ và trẻ em gái buộc phải bán dâm ngay ven đường, trong các nhà chứa, nhà kho khắp nước Mỹ và Mexico. Họ và gia đình bị đe dọa bằng bạo lực và những lời hăm dọa.
"Trong nửa thế kỷ qua, nhiều đứa trẻ ở đây khao khát trở thành ma cô", Emilio Munoz Berruecos, người điều hành một tổ chức về quyền con người tại địa phương, chia sẻ.
Buôn người được coi là ngành thương mại ở Tenancingo. Ảnh: Getty. |
Theo khảo sát của Đại học Tlaxcala, cứ 5 người trẻ ở đây thì 1 người muốn trở thành ma cô khi lớn lên. 2/3 số thanh niên được hỏi cho biết ít nhất một người thân hoặc bạn bè của họ làm công việc liên quan đến buôn người.
Trước cửa quảng trường chính của Tenancingo, một nhóm đàn ông đang ngồi trò chuyện. “Bọn họ chính là ma cô. Ở đây, mọi người đều biết ma cô là ai. Gia đình họ vẫn tài trợ cho lễ hội tôn giáo và các sự kiện cộng đồng. Hoạt động phạm tội của họ gần như không bị trừng phạt. Buôn bán người đã trở nên quá bình thường và nhiều người trẻ đến tìm họ”, Emilio Munoz, nhân viên của tổ chức nhân đạo Fray Julian Garces, tiết lộ.
Còn Rosario Adriana Mendieta Herrera, lãnh đạo tổ chức về quyền phụ nữ thì chia sẻ: "Các chàng trai nhận thức rằng trở thành ma cô buôn người sẽ dễ kiếm tiền. Đó không phải là hành vi ngược đãi".
"Mạng lưới buôn người hùng mạnh"
Giới chức cho biết mỗi gái bán dâm tới New York phải “vui vẻ” với 25 khách mỗi ngày, kiếm về cho bọn buôn người 100.000 USD/năm. Nhiều người dân thành thị tin rằng: "Họ đến từ những vùng quê nghèo đói, bán thân giúp họ có cuộc sống dư dả hơn. Họ trông rất vui vẻ. Các cô gái không đổ lỗi cho bọn buôn người hay khách hàng bởi ‘đàn ông luôn biết điểm dừng".
Chìm đắm trong tình yêu, Rosa đồng ý cùng bạn trai tới Tenancingo, nơi chàng trai sẽ giới thiệu cô với gia đình. Năm Rosa 18 tuổi, cô được bạn trai đưa tới New York. Đằng sau những lời hứa hẹn về mái ấm gia đình, cô gái đã bị bán vào nhà chứa và buộc phải hành nghề bán dâm.
Theo cây bút Bradley Myles của CNN, tổ chức chống nạn buôn người mà ông điều hành từ năm 2007 ghi nhận 21.000 vụ buôn bán lao động và tình dục bất hợp pháp. Đặc biệt, những nạn nhân may mắn sống sót từ những đường dây buôn bán ở Tenancingo là những trường hợp thương tâm và đau lòng nhất.
Những kẻ buôn người có cơ ngơi khang trang tại thị trấn nhỏ bé Tenancingo. Ảnh: NY Daily News. |
Những thân phận xấu số này bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ thời hiện đại. Điều này khiến nạn buôn người trở nên tràn lan và trở nên ngày càng tinh vi trong nhiều thập kỷ qua.
Chế độ nô lệ thời hiện đại được xây dựng một cách khéo léo, tinh vi, có thể khiến chúng ta cảm thấy choáng váng. Tổ chức Lao động quốc tế ước tính có 4,5 triệu người là nạn nhân của nạn buôn bán tình dục trên khắp thế giới. Họ buộc phải làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, nơi tạo ra hàng chục tỷ đô la lợi nhuận mỗi năm.
Miranda, cô gái đến từ Mexico, cho biết buộc phải hành nghề mại dâm từ năm 14 tuổi, sau khi bị 1 người đàn ông bắt cóc ở công viên.
Người đàn ông đưa Miranda về nhà mình ở Tenancingo để đánh đập và cưỡng hiếp. "Ông ta nói rằng kể cả tôi hét lên cũng sẽ không có ai nghe thấy và đến giúp", Miranda bùi ngùi kể lại.
“Chúng tôi không được liên lạc với gia đình. Tôi không biết chút tin tức gì về người thân. Liệu họ có sống yên ổn hay đi tìm mình hay không”, một nạn nhân khác về quá khứ đau buồn bị rơi vào đường dây mại dâm.
Luật sư của cô, Lori Cohen, từng làm việc với hàng chục nạn nhân buôn người từ khắp Mexico, chia sẻ: “Bọn ma cô phần lớn xuất thân từ Tenancingo và hoạt động theo kiểu "cha truyền con nối". Họ đều thành thạo các thủ đoạn, mánh khóe".
Những cô gái nhẹ dạ cả tin "vô tình" bị rơi vào đường dây mại dâm, buôn bán người. Ảnh: Top News. |
Triệt phá đường dây buôn người
Cây bút Bradley Myles của CNN chia sẻ, ngày càng nhiều nạn nhân gọi tới đường dây nóng chống buôn bán người để kêu cứu. Sự quan tâm của dư luận, cộng đồng thực sự có tác động lớn trong việc đẩy lùi, triệt phá mạng lưới buôn người nguy hiểm.
Trong xu hướng đó, nhiều tổ chức của 2 nước Mỹ và Mexico đã chung tay để cùng nhau giải quyết tận gốc vấn nạn này. Lần đầu tiên, phạm vi hoạt động của những kẻ buôn người trải rộng 2/3 diện tích Bắc Mỹ.
CNN cho rằng cộng đồng cần được trang bị kiến thức để đối phó với những tên ma cô. Đấu tranh cho quyền bình đẳng giới, di cư an toàn và tạo điều kiện phát triển kinh tế là những yếu tố tiên quyết nhằm ngăn ngừa nạn buôn người ở Mexico.
Không chỉ vậy, chính phủ cần tăng cường thành lập các trung tâm, xây dựng nhiều hoạt động giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Điều quan trọng, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, nam giới cần nâng cao nhận thức, từ chối mua dâm từ nạn nhân của đường dây buôn người.
Trường hợp của Rosa là nguồn cảm hứng, cổ vũ những cô gái khác thoát khỏi “cái bẫy” của bọn ma cô. Gặp phải các vấn đề tâm lý, Rosa đã tìm tới các trung tâm dịch vụ hỗ trợ, để học yoga và kiếm được một công việc bán thời gian. Chứng tỏ được khả năng của bản thân, cô gái hiện đã có một công việc ổn đinh, và được cấp thị thực, visa dành cho nạn nhân của việc buôn người và cưỡng bức lao động.
Rosa đang tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng.