Từ dư âm đêm nhạc diva…
Đêm nhạc The Master of Symphony mới đây để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả khi lần đầu tiên, cả năm danh ca nhạc nhẹ Việt Nam đương đại cùng bước lên sân khấu hòa ca.
Nhiều khán giả cho rằng, với cột mốc ấy, Thu Phương đã hoàn toàn xứng đáng trở thành diva thứ năm. Có người còn bảo, Thu Phương vốn dĩ đã là diva từ rất lâu rồi, chỉ tại qua Mỹ nên ít được nhắc đến.
Hình ảnh tại chương trình The Master of Symphony. |
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này Thu Phương chưa phải là diva. Tất cả làm bùng lên các tranh cãi sôi nổi, đặc biệt giữa fan Thu Phương và luồng ý kiến đối lập.
Cuộc tranh cãi càng được “đổ thêm dầu vào lửa” khi xuất hiện bài báo mang tựa đề Hà Trần: Thu Phương không phải diva, chỉ là ngôi sao hát vũ trường.
Trên thực tế, Hà Trần không hề đả động tới chuyện Thu Phương có là diva hay không, mà chỉ khẳng định mình không chịu ảnh hưởng từ Thu Phương. Nhưng cho dù thế nào, bài báo cũng đã gây xôn xao dư luận.
…đến chuyện diva của Thu Phương
Thu Phương là một ca sĩ lớn, có tài năng và đóng góp. Nhưng nếu so sánh cô với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, thì quả vẫn có sự chênh lệch.
Câu trả lời của Hà Trần. |
Nếu như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần nhận được vô số lời khen từ giới chuyên môn, đặc biệt là các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Thanh Tùng, Phú Quang, Lê Minh Sơn, Quốc Trung, Ngọc Đại, Đỗ Bảo, Thuận Yến… thì Thu Phương lại hiếm hoi hơn hẳn, dù cô cũng từng hát rất hay các ca khúc đến từ những nhạc sĩ này.
Về tầm ảnh hưởng cũng như cống hiến, có thể thấy, Thu Phương hoàn toàn nhỏ bé hơn bốn người còn lại, đặc biệt là ảnh hưởng về giọng hát, kỹ thuật, cách hát.
Nhắc đến Thanh Lam, người ta nhớ ngay tới việc phổ biến các cách luyến láy Tây phương, lối hát cộng minh, cách hát dằn vặt, bão lửa, dữ dội vào nhạc Việt từ đầu thập niên 1990. Nhắc tới Hà Trần là nhắc tới nền tảng kỹ thuật đồ sộ, cách hát dân gian đương đại mới lạ cùng những cuộc khai phá về âm nhạc thể nghiệm từ sau 2000.
Hồng Nhung tuy kỹ thuật có thấp hơn một chút so với ba người còn lại, nhưng lại có công làm mới, trẻ hóa nhạc Trịnh. "Cô Bống" còn cùng Thanh Lam định hình nhạc nhẹ Việt ngay từ đầu thập niên 1990. Mỹ Linh thì nổi tiếng với chất giọng đẹp hiếm có, kỹ thuật tốt và công sức đưa R&B vào làng pop Việt nửa sau thập niên 1990 trở đi. Ngoài ra, chị còn là người tìm tòi khi thổi hồn Việt vào những tác phẩm cổ điển bất tử của các vị soạn nhạc đại tài như Mozart, Beethoven...
Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần. |
Với những cống hiến riêng, cả bốn người đã có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ ca sĩ đàn em như Tùng Dương, Uyên Linh, Hoàng Quyên, Mỹ Tâm, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Lệ Quyên… Không ít ca sĩ trẻ công khai ngưỡng mộ và coi một trong bốn ca sĩ là thần tượng của mình.
Còn nhắc tới Thu Phương, khán giả gần như không nhớ cô có cống hiến gì về cách hát, lối hát, hay làm nhạc. Người ta cũng không biết cô đã gây ảnh hưởng tới thế hệ đàn em nào.
Về giọng hát, Thu Phương sở hữu chất giọng nữ trung trầm dày, đẹp, tối, sâu. Nhưng điều này chưa đủ vì có rất nhiều ca sĩ có giọng hay tương đương cô, trung trầm hay trầm thì có Mỹ Hạnh, Hoàng Quyên, Uyên Linh, Ngọc Anh, cao thì có Siu Black, Hồ Quỳnh Hương…
Về kỹ thuật, Thu Phương có vừa đủ để hát như mọi ca sĩ khác, chưa có ưu điểm nổi trội. Điểm yếu lớn nhất của cô là vibrato yếu, trong khi đó vibrato lại là điều cơ bản với một diva nhạc pop. Thu Phương hát khỏe và chắc nhưng lại không biết cách cộng hưởng, khiến giọng hát đôi khi bị bí, tù lại. Nếu so với bốn người còn lại, có lẽ kỹ thuật của Thu Phương không có gì nhiều nhặn.
Có thể thấy sự chênh lệch ấy khi cô hát chung với họ trong đêm diễn vừa qua. Cách hát của Thu Phương đơn giản và trơn hơn rất nhiều, còn cách xử lý tiết tấu cũng dễ dàng hơn, không quá khó. Đặc biệt, dù màu giọng tối và trầm nhất, cô xử lý quãng trầm lại chưa tốt bằng nữ trung cao với màu giọng sáng là Hồng Nhung, Mỹ Linh.
Hãy đánh giá Thu Phương một cách công bằng và thực tế hơn. |
Tuy nhiên, Thu Phương cũng có lợi thế là biết cách nhả chữ khéo léo, tinh tế, xử lý bài hát tốt, cảm xúc. Đây có lẽ là điểm mấu chốt khiến cô được xưng tụng làm diva thứ 5.
Thế nhưng, cảm xúc lại phụ thuộc từng người nghe, không thể đong đếm được, không có quy chuẩn để đánh giá chính xác nhất. Ca sĩ nào cũng có thể hát cảm xúc với dòng nhạc mình chọn.
Cách hát nhạc trữ tình của Thu Phương hoàn toàn không hơn những ca sĩ cùng thời với cô như Ngọc Anh, Mỹ Hạnh.
Nếu Thu Phương là diva thứ 5, thì sẽ có rất nhiều ca sĩ là diva thứ 6, thứ 7, thứ 8 như Phương Thanh, Siu Black, Thu Minh… vì họ cũng có những đóng góp, cống hiến, thế mạnh riêng trong giọng hát, kỹ thuật.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, nếu so với một số ca sĩ cùng thời, Siu Black, Thu Minh còn xứng đáng là diva thứ 5 hơn Thu Phương vì họ có chất giọng, kỹ thuật, cống hiến hơn, và phong cách hát, biểu diễn độc đáo hơn.
Chẳng hạn, Siu Black sở hữu loại giọng full lirico soprano ít thấy ở Việt Nam, kỹ thuật mixed voice rất tốt, cách hát vang sảng, hào phóng, man dại núi rừng, lối biểu diễn tự nhiên đến độc đáo gần như là một hiện tượng chưa từng có trong nhạc Việt trước đó và đem đến màu sắc mới cùng thời với Thu Phương.
Hay Thu Minh cũng đem đến xu hướng mới trong nhạc Việt với những lối phô diễn giọng hát, kỹ thuật hiện đại, Tây hóa và cách ứng dụng nhạc dance độc đáo. Đặc biệt, Thu Minh còn có đóng góp trong việc lăng xê “dòng nhạc diva” hơn hẳn những ca sĩ còn lại.
Nhiều người cho rằng, do qua Mỹ sớm nên Thu Phương bị thiệt thòi trong việc xưng danh diva. Nhưng trên thực tế, chính việc qua Mỹ lại tạo điều kiện lớn hơn cho Thu Phương khi cô được làm việc với trung tâm Thúy Nga để có cơ hội định hình lại phong cách âm nhạc, đào sâu hơn chất nhạc và tu bổ kỹ thuật thay vì hát đủ các thể loại nhạc, thậm chí cả nhạc vũ trường như thời gian trước đó tại quê nhà.
Đặc biệt, khán giả trong nước vốn có tâm lí “sính” ca sĩ hải ngoại. Đối với họ, ca sĩ hải ngoại thường chất lượng, cao cấp và hát nhạc sang hơn ca sĩ trong nước, nên việc trở thành giọng ca hải ngoại cũng giúp giá trị của Thu Phương được nâng lên rất nhiều khi cô về nước.
Như vậy, có thể thấy một cách khách quan, việc Thu Phương được xưng tụng làm diva thứ 5 trong thời gian gần đây chỉ là việc tung hô quá mức của truyền thông và công chúng do hiệu ứng từ chương trình Giọng hát Việt.
Rõ ràng, trước lúc về Việt Nam ngồi ghế The Voice, rất ít khán giả còn nhớ tới Thu Phương. Thậm chí, khi có tên Thu Phương trong danh sách bốn huấn luyện viên, nhiều người còn ngơ ngác hỏi cô là ai. Nhưng chỉ sau vài tháng phát sóng, Thu Phương nghiễm nhiên trở thành tên tuổi được chú ý trong làng giải trí.
Chính vì hiệu ứng quá lớn của game show âm nhạc ăn khách như Giọng Hát Việt đã kéo đến cho Thu Phương rất nhiều fan trẻ tuổi, phần đông trong số đó là fan “hùa”. Đây là dạng fan hâm mộ theo phong trào, thấy ai hot thì hâm mộ và cũng chỉ nghe qua một vài ca khúc nổi bật nhất của ca sĩ chứ không để tâm tìm hiểu cả sự nghiệp của họ.
Những người hâm mộ có vẻ hời hợt này này tuy thời gian hâm mộ ngắn nhưng lại rất nhiệt tình, có tinh thần lăn xả vì thần tượng. Họ sẵn sàng đi xưng tụng Thu Phương ở mọi nơi, phản bác các ý kiến đối lập, khiến cô nghiễm nhiên có tiếng là diva thứ 5.
Thêm nữa, việc sính hải ngoại và mù mờ thông tin, kiến thức, thẩm mỹ âm nhạc của khán giả cũng dễ dàng khiến truyền thông dẫn dắt, tạo nên những cơn sốt phong trào.
Giả sử, nếu không phải Thu Phương, mà là một ca sĩ hải ngoại như Ngọc Anh, Mỹ Hạnh, Ngọc Hạ, Như Quỳnh về Việt Nam ngồi ghế The Voice rồi đi hát chung với bốn diva kia, họ cũng sẽ được xưng tụng làm diva thứ 5.
Cho đến cuối cùng, Thu Phương vẫn chưa bao giờ nhận mình là diva thứ 5. Tất cả chỉ do truyền thông dàn dựng và khán giả chạy theo phong trào. Vì vậy, mỗi khi nổ lên tranh cãi về danh hiệu này, cô vẫn là người chịu thiệt thòi, điều tiếng. Những tranh luận này vô hình chung sẽ gây mâu thuẫn giữa ca sĩ, công chúng với nhau.
Và dù thế nào, Thu Phương vẫn là một nghệ sĩ tài năng, có giọng hát hay và danh tiếng trong làng nhạc Việt. Khán giả hãy để cô được là một nghệ sĩ tuyệt vời như vậy, để cô được tiếp tục cống hiến trong âm nhạc, thay vì gán ghép dẫn đến những tranh cãi không đáng có.