Trong tuần cuối cùng của tháng 7 vừa qua, 3 học sinh cấp 2 tại Fort Worth, bang Texas (Mỹ) nhập viện vì ngộ độc thuốc dị ứng. Không ai có ý định tự tử hay rủ rê nhau làm điều dại dột nhưng tất cả nói rằng đã xem và học theo các video trên TikTok.
"Các video nói rằng con người có thể cảm thấy hưng phấn và tạo ảo giác nếu uống khoảng 12 viên thuốc dị ứng trở lên. Phần lớn học sinh đều uống quá liều dẫn đến ngộ độc", cơ quan y tế ở Fort Worth thông tin.
Một trong 3 người nhập viện là một nữ sinh đã uống 14 viên thuốc dị ứng. Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng nhịp tim rối loạn, không thể nói năng rõ ràng.
"Điều khiến chúng tôi bất ngờ là có đến 3 đứa trẻ vào viện vì cùng một lý do. Tất cả đều nói chỉ tò mò khi xem các video trên TikTok", y tá Jewison nói.
Trào lưu Benadryl Challenge - thử thách uống thuốc dị ứng để có ảo giác - khiến nhiều người trẻ nhập viện. |
3 học sinh tại Fort Worth không phải những nạn nhân đầu tiên của Benadryl Challenge, thử thách uống thuốc dị ứng để có ảo giác.
Tính đến ngày 2/8, hashtag #Benadryl đã có hơn 5,5 triệu lượt xem. Bất chấp những khuyến cáo của các tổ chức y tế, Benadryl Challenge đang trở thành trào lưu nguy hiểm mới nhất trên TikTok.
Nhà phân tích mạng xã hội Jo Phillips ở Lacombe (Canada) cho rằng hàng trăm trào lưu nguy hiểm khác vẫn đang tồn tại trên TikTok. Và điều đáng lưu tâm, lo ngại hơn cả là 60% người dùng của ứng dụng này từ 16-24 tuổi. Hay nói cách khác, nạn nhân của Benadryl Challenge và những trò đùa ngớ ngẩn, dại dột tương tự đa phần đều là người trẻ.
Mất mạng vì quay thử thách TikTok
Vào cuối tháng 3, Ke'Avion, một thiếu niên ở Arkansas (Mỹ) đã phải nhập viện do chấn thương sọ não vì Skull Breaker Challenge (tạm dịch: thử thách kẻ phá huỷ đầu lâu). Xuất hiện đầu tiên trên TikTok, thử thách gồm 3 người tham gia, trong đó người ở giữa nhảy lên không trung rồi 2 thành viên còn lại hất chân của người đó khiến họ ngã ngửa ra phía sau.
Dù được cảnh báo nguy hiểm, Skull Breaker Challenge nhanh chóng trở thành trào lưu, thu hút hàng nghìn video chia sẻ trên TikTok vào đầu năm.
Mẹ của Ke'Avion cho biết cậu bé được các bạn cùng lớp rủ chơi để quay phim đăng lên mạng. Tuy nhiên, cú tiếp đất bằng đầu đã khiến Ke'Avion nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
"Thằng bé không đáng bị như vậy, không một ai đáng cả. Bạn bè làm nhau ngã chấn thương đầu và cười vào mặt nhau? Điều đó thật vô lý và tàn nhẫn", mẹ nam sinh nói.
Tương tự, theo kênh truyền hình Costa Branca (Brazil), một nữ sinh 16 tuổi của nước này đã chết vì chấn thương sọ não do thực hiện thử thách này vào cuối tháng 2.
Skull Breaker Challenge khiến một nữ sinh tại Brazil thiệt mạng. Ảnh: BBC. |
Nhà chức trách tại nhiều quốc gia đã phải lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh về Skull Breaker Challenge và khuyến cáo cha mẹ giám sát con cái khi sử dụng mạng xã hội TikTok để không thực hiện các thử thách nguy hiểm.
Tại Thái Lan, trong trường hợp người tham gia Skull Breaker Challenge chấn thương hoặc tử vong, những ai liên quan sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm và phạt tiền 40.000 baht (1.286 USD).
Còn phía TikTok cho biết họ đang lên kế hoạch xoá tất cả video liên quan đến thử thách này khỏi nền tảng. Người phát ngôn cho hay: "Ưu tiên hàng đầu của TikTok là sự an toàn của người dùng. Chúng tôi không cho phép các nội dung nguy hiểm, dẫn đến thương tích xuất hiện trên TikTok".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó để TikTok có thể "dọn sạch" các video độc hại trên nền tảng. Ví dụ như trong trường hợp Skull Breaker Challenge, TikTok chỉ loại bỏ các video có sử dụng hashtag, gắn cờ liên quan đến thử thách này.
Những video không gắn hashtag vẫn tồn tại, thậm chí thu hút hàng triệu lượt xem và được người dùng liên tục chia sẻ.
Mọi thứ ngớ ngẩn đều trở thành trào lưu
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance đang có trụ sở tại Trung Quốc, là mạng xã hội chia sẻ những clip chỉ dài 15 giây, trong số đó có vô vàn các video kỳ quái, thậm chí điên rồ, "nơi mọi người có thể xuất hiện theo cách bất thường và làm những điều khó hiểu".
"Mọi thứ ngớ ngẩn đều có thể trở thành trào lưu và bất kỳ ai cũng có thể nổi tiếng sau một đêm", TikToker Kimberly Taylor cho biết.
Từ một đoạn video quay cảnh thanh niên đổ nguyên lọ muối gia vị vào miệng, thử thách #SaltChallenge ra đời và hiện thu hút hơn 1 triệu lượt xem trên TikTok. Bắt nguồn từ trend "Tôi đã ăn gì trong một ngày" (What I ate in a day), thử thách "ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân" được cảnh báo sẽ gây nên chứng rối loạn ăn uống, vẫn khiến nhiều người học theo.
Nguy hại hơn, trong khi dịch Covid-19 khiến hơn 700.000 người tử vong trên toàn thế giới, thử thách #coronachallenge cho thấy nhiều người sẵn sàng liếm bồn cầu, ghế ngồi, tay cầm trên xe buýt, hàng hóa ở siêu thị chỉ để tạo clip câu view.
Nội dung xấu như khiêu dâm, độc hại, nguy hiểm "núp bóng" các clip ngắn 15 giây trên TikTok. Ảnh: noypigeeks. |
Theo Rick Floyd, chuyên viên bảo mật thông tin, TikTok đáng ra phải có đủ bài học kinh nghiệm từ Facebook hay YouTube để tập trung vào việc kiểm soát nội dung độc hại trên nền tảng của mình.
Tuy nhiên, hành động đến nay của chủ sở hữu nền tảng này vẫn chưa thể bảo vệ người dùng. Trong bối cảnh đó, ông Floyd cho rằng mọi người cần phải biết cách bảo vệ mình trước.
"Đối với những video có nội dung xấu như khiêu dâm, độc hại, nguy hiểm, cần được báo cáo để xử lý kịp thời. Đặc biệt, với các bậc phụ huynh có con nhỏ sử dụng TikTok, bạn không thể không biết rõ về ứng dụng này. Các vấn đề về bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân cũng nên được xem xét, cân nhắc trước khi sử dụng", chuyên viên bảo mật nói.