Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thử thách trốn thoát là show tốn nhiều chất xám nhất của chúng tôi'

Theo hai biên kịch gameshow “Thử thách trốn thoát”, ê-kíp tốn nhiều chất xám và sức lực để đặt ra thử thách cho người chơi, cũng như lồng ghép thông điệp ý nghĩa qua mỗi tập.

Trải qua 15 tập phát sóng, Thử thách trốn thoát nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả nhờ đưa ra nhiều bài toán đòi hỏi người chơi phải vận dụng chất xám và phối hợp ăn ý. Hai biên kịch của chương trình là anh Lucas Luân Nguyễn và anh Bùi Tứ Quý đã có nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh cách ê-kíp chương trình “căng não” xây dựng ý tưởng, trạm chơi lôi cuốn cả người tham gia và người xem.

Chương trình đòi hỏi nhiều chất xám và sức lực

- Nhiều người ví “Thử thách trốn thoát” là “Squid game bản Việt”. Đây có phải một sự so sánh khập khiễng?

- Lucas Luân Nguyễn: Nếu Thử thách trốn thoát được so sánh với Squid Game thì quá vinh dự, nhưng thật ra hai show khác nhau hoàn toàn về bản chất. Một là phim truyền hình nguyên tác, một là chương trình truyền hình thực tế. Squid Game là phim có yếu tố sinh tồn, đòi hỏi tất cả nhân vật bày mưu tính kế sao cho có lợi nhất cho bản thân. Trong khi Thử thách trốn thoát đề cao tinh thần đồng đội hơn, mục tiêu cuối cùng là thoát ra khỏi căn phòng.

Có lẽ hai show được so sánh với nhau bởi yếu tố “game”. Ở cả hai show, diễn viên hay người chơi phải phán đoán được luật chơi của một căn phòng để đi qua từng chốt chặn an toàn.

Thu thach tron thoat anh 1

Lucas Luân Nguyễn có kinh nghiệm 4 năm làm trong ngành điện ảnh ở Việt Nam và quốc tế trước khi giữ vai trò biên kịch cho Thử thách trốn thoát.

- Từ phác thảo ý tưởng trên giấy đến thi công thành các trạm chơi với chuỗi thử thách có một không hai, ê-kíp vấp phải những thử thách, khó khăn gì?

- Bùi Tứ Quý: Cái khó nhất với tôi là mỗi trạm chơi phải được thiết kế, xây mới hoàn toàn. Và khi kết thúc, trạm cũ được phá bỏ để chuẩn bị xây trạm chơi mới. Nhằm tạo được sự hoành tráng về đại thể mà vẫn có những tiểu tiết đủ tốt, ê-kíp tốn rất nhiều chất xám và sức lực. Có thể nói, đây là show thực tế tốn nhiều chất xám nhất chúng tôi từng làm qua. Thật sự có chút tiếc nuối khi nhìn đứa con tinh thần thành hình rồi lại biến mất để đứa con khác ra đời.

Vấn đề thời gian cũng rất đau đầu. Chỉ có 7-10 ngày cho tất cả công việc trước khi ghi hình. Kịch bản phải xong trước rồi các đội khác mới thực hiện tiếp phần việc của họ, nghĩa là thời gian cho việc lên ý tưởng cũng như kịch bản chi tiết không thể quá 4-5 ngày. Đội ngũ biên kịch giống như bánh răng đầu tiên của một cỗ máy khổng lồ. Máy chạy nhanh, chậm hay thậm chí có bắt đầu chạy hay không đều nằm ở chúng tôi. Áp lực là rất lớn.

Thu thach tron thoat anh 2

Bùi Tứ Quý từng được biết đến là thí sinh nổi bật của Olympia 12 năm trước, hiện thành công với vai trò biên kịch, nhà sáng tạo nội dung cho các chương trình truyền hình thực tế.

- Lên ý tưởng tốn nhiều chất xám và sức lực là thế, nhưng đã bao giờ ý tưởng của các anh bị chết yểu do nhà sản xuất từ chối?

- Bùi Tứ Quý: Đội biên kịch rất biết ơn nhà sản xuất chương trình vì đã luôn lắng nghe ý kiến của khán giả. Đây cũng là điểm khiến Thử thách trốn thoát nhận được nhiều lời khen.

Qua những góp ý chân thành đó, đội biên kịch và sản xuất luôn đưa ra những phản hồi, ý kiến mang tính xây dựng để hoàn thiện ý tưởng. Nhưng chúng tôi thật sự cảm kích khi chưa có ý tưởng nào bị bác bỏ. Bởi ê-kíp gồm toàn những cá nhân chuyên nghiệp, luôn biết lắng nghe và phản biện văn minh.

Sử dụng nghệ thuật kể chuyện cho mỗi tập

- Đằng sau những thử thách của chương trình còn ẩn chứa câu chuyện và thông điệp ý nghĩa. Anh có thể chia sẻ rõ hơn cách mình lồng ghép những vấn đề xã hội vào từng tập?

- Lucas Luân Nguyễn: Trong nghệ thuật kể chuyện có những công thức nhất định để phân câu chuyện hoàn chỉnh thành các phần có chức năng khác nhau. Chúng tôi thường áp dụng lý thuyết này cho chuỗi phòng chơi và tưởng tượng rằng nó là một bộ phim.

Ví dụ ở tập 12 - hành trình tìm kiếm báu vật của người Việt Nam trong ngôi đền cổ, tôi có tham khảo cấu trúc của những câu chuyện phiêu lưu, thám hiểm để thiết kế một trải nghiệm chân thật. Tôi cố gắng xây dựng câu chuyện để người chơi nhìn thấy cả hành trình đã vượt qua, từ đó nhận ra ý nghĩa của từng căn phòng đã đi qua, thêm trân trọng những giá trị tinh thần của người Việt Nam.

Thu thach tron thoat anh 3

Ê-kíp sản xuất Thử thách trốn thoát nỗ lực không ngừng để tạo trải nghiệm mới mẻ cho người chơi và người xem.

- Dàn cast của chương trình hầu hết là gương mặt thân quen bởi khán giả dễ thấy họ ở nhiều chương trình thực tế khác. Anh có sợ “Thử thách trốn thoát” đi vào lối mòn của các chương trình đó và khiến khán giả nhàm chán?

- Bùi Tứ Quý: Đây là một trong những show truyền hình thực tế về “trốn thoát” (escape room) đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi muốn không chỉ mang một làn gió mới đến khán giả, mà còn đem đến trải nghiệm mới với dàn 5 người chơi cố định.

Trước mỗi phòng, người chơi đều không biết điều gì đang chờ đón họ phía trước. Họ tương tác với những thử thách khó nhằn và dần “nhập vai” như nhân vật trong câu chuyện do biên kịch đặt ra. Một số người chơi chia sẻ đôi lúc quên rằng đang tham gia một chương trình truyền hình. Điều này giúp Thử thách trốn thoát tạo dấu ấn riêng.

Thu thach tron thoat anh 4

Bên cạnh trí lực và thể lực, dàn cast Thử thách trốn thoát còn phối hợp ăn ý.

- Trí lực, thể lực và sự đoàn kết, đâu là yếu tố quan trọng nhất mà anh nghĩ đến đầu tiên khi đặt ra các thử thách?

- Bùi Tứ Quý: Những câu đố, mật mã vẫn là phần quan trọng nhất khi thiết kế trải nghiệm phòng chơi. Tuy vậy, nếu chỉ tập trung vào trí lực thì chương trình dễ bị khô khan, khiến người chơi dễ mất động lực. Chúng tôi phân việc cho từng người chơi để mỗi người đều phát huy hết thế mạnh của mình. Đặc biệt, có những thử thách người chơi được chia thành 2 khu vực, phải giao tiếp và cùng phối hợp giải đố.

Ngoài khóa chìa và khóa số được sử dụng trong nửa đầu chương trình, từ tập 9 đến tập 15, chúng tôi sử dụng thêm nhiều loại khóa mới: Khóa chữ, khóa hướng, khóa công tắc, khóa xoay hai chiều… Tất cả nỗ lực này nhằm giúp chương trình giữ được tính mới với cả người chơi lẫn khán giả.

- Trong suốt mùa 1, có điều gì làm anh nuối tiếc không? Nếu tiếp tục giữ vai trò biên kịch mùa tới, anh sẽ khắc phục điều đó như thế nào và dự định mang đến điều gì mới mẻ?

- Bùi Tứ Quý: Mùa đầu tiên lại cho chúng tôi nhiều bài học hơn là sự tiếc nuối. Cũng chưa rõ chúng tôi có được mời làm biên kịch cho mùa tiếp theo hay không. Nếu được mời, chúng tôi rất sẵn lòng nhận lời. Ê-kíp cũng đã bắt đầu nhen nhóm một vài ý tưởng cho mùa mới rồi. Bí mật sẽ dần được bật mí.

Giang Hoàng Lam

Bình luận

Bạn có thể quan tâm