Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thử thách uống 3 chai rượu, cô gái bất tỉnh khi đang livestream

Để thu hút người xem, nữ streamer ở Hồ Bắc (Trung Quốc) đã uống hết 3 chai rượu vang và ngất ngay trên sóng trực tiếp.

Ngày 29/1, cảnh sát quận Trúc Sơn (thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc) nhận được tin báo từ một cư dân mạng, cho biết có nữ streamer bị ngất khi đang phát sóng trực tiếp, The Paper đưa tin.

Ít phút sau, cảnh sát và xe cấp cứu đã được điều động và có mặt tại nhà của nữ streamer. Cửa nhà bị khóa trái, cảnh sát cố gắng vẫn không thể mở.

Lực lượng chức năng đã gọi người trong nhà mở cửa nhưng không ai đáp lời. Căn phòng trên tầng hai, nơi được cho là chỗ ở của cô gái, vẫn sáng đèn và có tiếng nhạc phát ra.

Một cảnh sát đăng nhập vào phòng phát sóng trực tiếp của nữ streamer nhưng không nhìn thấy ai trước màn hình. Nhận định cô gái có thể đã xảy ra chuyện, cảnh sát liền mượn thang của hàng xóm để leo lên tầng hai.

bat tinh khi livestream anh 1

Nữ streamer bất tỉnh vì uống một hơi hết 3 chai rượu.

Qua cửa sổ, cảnh sát nhìn thấy nữ streamer nằm bất tỉnh trên sàn nhà, xung quanh là nhiều chai rượu đã bị uống cạn.

Cảnh sát lập tức phá cửa sổ vào nhà, phối hợp với bác sĩ để tiến hành cấp cứu, giúp cô gái thoát khỏi cơn nguy kịch.

Theo lời chia sẻ của nữ streamer sau khi tỉnh lại, để thu hút người xem, cô đã thực hiện thử thách với người khác khác trên livestream (thường gọi là PK).

Cô đã uống một mạch hết 3 chai rượu vang trắng và rượu vang đỏ, cuối cùng say khướt và bất tỉnh ngay trên sóng trực tiếp.

Hiện tại, cô gái đã bình phục và xuất viện. Nữ streamer cũng tới tận đồn cảnh sát để cảm ơn, đồng thời xin lỗi vì hành vi thiếu văn minh của mình khi phát trực tiếp.

Trò "đổi mạng lấy tiền"

Đây không phải lần đầu có một streamer ngất vì uống rượu khi phát trực tiếp. Thực tế, trào lưu "uống rượu đội lốt mukbang" ở Trung Quốc đã rộ lên vào đầu năm 2020.

Các streamer có thể uống đến 9, 10 chai rượu và tổ chức khoảng 5 buổi phát sóng một tuần để giữ chân khán giả.

Nhiều vlogger thường bày ra một bữa ăn nhỏ như cách "ngụy tạo" chủ đề, trong khi một số khác thể hiện nội dung trắng trợn hơn - tập trung vào việc uống rượu suốt video.

Điều khiến người xem ngán ngẩm là có những vlogger rõ ràng tửu lượng kém nhưng vẫn quay video thách thức uống rượu.

Không chỉ nam giới theo trend này, nhiều nữ vlogger cũng thực hiện thử thách uống rượu trên sóng. Nhiều người cho rằng nữ giới thường uống ít, nên khi có một cô gái có thể uống rất nhiều rượu sẽ thu hút sự chú ý lớn, khơi gợi sự tò mò của khán giả hơn.

Các chuyên gia cho rằng uống nhiều rượu có thể gây nghiện và nguy hiểm cho sức khỏe hơn nhiều so với mukbang đồ ăn, và những người muốn câu view theo trend uống rượu không khác nào "đổi mạng lấy tiền".

Trò lố để hút lượt xem

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là ngành công nghiệp phát sóng trực tiếp, nhiều streamer không ngần ngại làm những trò lố, phản cảm để hút lượt xem.

Nhiều người mong muốn nổi tiếng đã cố tình để lộ da thịt, thực hiện thử thách "ăn thùng uống vại", bày trò troll ác ý... Điều này không chỉ ảnh hưởng tới bản thân streamer mà còn gây hại cho sức khỏe tinh thần và nhận thức của người xem.

bat tinh khi livestream anh 3

Uống rượu khi livestream là trào lưu độc hại.

Yang Kebing, giám đốc khoa cai nghiện rượu và ma túy của bệnh viện Huilongguan (Bắc Kinh), cho rằng kiểu phát sóng uống rượu này còn đáng ngại hơn trào lưu "ăn thùng uống vại" trước đây.

"Rượu dễ gây nghiện hơn, tác hại từ rượu thường là mạn tính và lâu dài. Người ta có thể không nhìn thấy ảnh hưởng của nó ngay, đến khi vấn đề được phát hiện, vấn đề đã rất nghiêm trọng", Yang nói.

Từng tiếp xúc với nhiều người nghiện rượu trong bệnh viện, so với những tổn thương thể xác, Yang ái ngại hơn về tác động của rượu đến tinh thần của bệnh nhân.

"Sau khi nghiện rượu, tâm trạng của con người sẽ trở nên rất bất ổn, thậm chí tính cách thay đổi. Một số người bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ do rượu".

Kỳ nghỉ không bài tập Tết đầu tiên của học sinh Trung Quốc

Với chính sách mới, học sinh Trung Quốc không còn áp lực trước hàng đống bài tập về nhà hay phải tham gia các khóa học thêm trong kỳ nghỉ lễ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm