BTV Thu Thủy trở nên quen thuộc với nhiều khán giả truyền hình qua chương trình Ở nhà chủ nhật. Sau đó, chị tiếp tục tham gia phụ trách chỉ đạo sản xuất nhiều chương trình nổi tiếng như: Hãy chọn giá đúng, Ô cửa bí mật, Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng...
Tuy nhiên, trong vòng 4 năm trở lại đây, BTV Thu Thủy bất ngờ vắng bóng trên truyền hình. Chị tạm gác lại công việc ở Đài Truyền hình Việt Nam để sang Australia học Tiến sĩ. Dù xa cách nhưng BTV Thu Thủy vẫn luôn thấy mình là một phần gắn bó với VTV. Chia sẻ trong buổi phỏng vấn với VTV News nhân kỷ niệm 45 năm Ngày phát sóng chương trình đầu tiên của VTV, chị cho biết, bản thân vô cùng phấn khích khi nghĩ đến ngày trở về và có thể tiếp tục công việc với những người đồng nghiệp của mình.
BTV Thu Thủy hiện đang học Tiến sĩ tại Australia. |
- Chị có còn nhớ quãng thời gian đầu tiên khi mới là thành viên của “đại gia đình” VTV?
- Năm 1997, tôi là một trong hai mươi người được trúng tuyển kỳ thi vào VTV3 khi kênh vừa tách sóng. Thời kỳ đầu đi làm, tôi phấn khởi, bỡ ngỡ rồi say mê công việc. Hồi đó, tôi từ báo viết chuyển sang nên từ việc tác nghiệp cá nhân, tôi được chuyển sang làm việc nhóm. VTV3 khi ấy cũng rất mới và bọn tôi được làm nhiều công việc khác nhau. Tuy rất vất vả nhưng tôi luôn thấy công việc làm truyền hình vô cùng thú vị.
- Khán giả biết nhiều tới chị và yêu mến chị trong vai trò là MC Ở nhà chủ nhật. Chị nghĩ điều gì ở mình khiến khán giả dành tình cảm cho chị?
- Tôi chỉ nghĩ đơn giản hãy làm tốt nhất công việc của mình. Với mong muốn chia sẻ các thông tin, tôi đã rất cố gắng trong việc tìm kiếm các thông tin phù hợp và hấp dẫn. Ngoài ra, tôi chọn phong cách tự nhiên để đến với khán giả.
- Điều gì làm chị thấy nhớ nhất khi đồng hành với chương trình Ở nhà chủ nhật trong nhiều năm?
- Bên cạnh kỷ niệm gắn bó với ê-kíp sản xuất, những kỷ niệm vui đối với tôi chính là sự yêu mến của khán giả. Những lá thư khán giả gửi đến khi họ áp dụng thành công một thông tin nào đó từ chương trình luôn là những lá thư ấm áp nhất và đọng lại trong tôi những dấu ấn đẹp.
- Sau thời gian dẫn Ở nhà chủ nhật, chị tiếp tục gắn bó với nhiều gameshow khác trong vai trò chỉ đạo sản xuất và đảm nhiệm công tác đào tạo. Công việc sau hậu trường đem đến những sự khác biệt như thế nào đối với chị?
- Việc quản lý khác hơn, đa dạng hơn, đôi khi áp lực hơn. Hồi đó, anh Lại Văn Sâm là Trưởng ban và là lãnh đạo trực tiếp của tôi. Anh đã lập ra một nhóm để tìm ra những hướng phát triển mới của Ban Thể thao, Giải trí và Thông tin kinh tế và của kênh VTV3. Tôi có tham khảo một số chương trình và khung phát sóng của các kênh giải trí một số nước.
Thực tế, chúng tôi đã muốn cải tiến cả về khung chương trình lẫn trong sản xuất để làm ra các thể loại mới như các chương trình tin tức - giải trí hàng ngày (tương tự như Cà phê sáng hiện nay) và truyền hình thực tế. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn nâng cao chất lượng các chương trình trò chuyện, trò chơi truyền hình, các chương trình tạp chí…
Những điều đó khiến chúng tôi phải cố gắng rất nhiều trong điều kiện cho phép về nhân sự, kỹ thuật, công nghệ và tài chính. Thêm vào đó, việc cân bằng giữa tính giải trí, văn hóa và giáo dục cũng được chú trọng để giữ được chất lượng và đảm bảo nhiệm vụ chính trị, lợi ích công cũng như tính phổ biến của kênh truyền hình miễn phí, đồng thời đảm bảo nguồn thu của kênh là một bài toán không dễ.
- Ngoài khó khăn, áp lực, thì chắc hẳn đó là những kỷ niệm gắn bó với VTV?
- Tất nhiên kỷ niệm với VTV có nhiều vì tôi đã gắn bó với VTV trong quãng thời gian dài. Phần lớn tôi dành thời gian làm việc ở nơi này, trừ vài năm đầu cuộc đời làm báo của tôi gắn với báo viết. Khi tôi đi học xa, tôi thấy rất nhớ không khí làm việc ở cơ quan. Tôi vẫn nhớ nhất những lần thót tim khi gặp sự cố gì đó trong lúc làm chương trình và cảm giác vỡ òa vui sướng, hạnh phúc khi chương trình "xuôi chèo mát mái".
- Chị nhận thấy VTV3 cũng như VTV đã thay đổi như thế nào trong những năm qua?
- VTV và VTV3 trong những năm qua thay đổi rất nhiều. Trước hết là việc chuyển sang truyền hình số đã được hiện thực hóa. Đây là kết quả của một sự chuẩn bị dài hơn 20 năm. Năm ngoái, trong dịp nghiên cứu thực tế, khi đến nhà khán giả ở thành phố, tôi thấy mọi người xem VTV3 HD rất nét. Tôi cũng thấy rất vui khi đến những vùng nông thôn, người dân ở đó vẫn coi truyền hình là một kênh truyền thông thân thiết trong khi số lượng sách báo và Internet còn quá ít. Tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của người làm truyền hình trong việc nấu ra món ăn tinh thần cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau là vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, số lượng chương trình của VTV nhiều hơn, thời lượng phát sóng tăng lên, có thêm nhiều chương trình mới. Tôi thấy VTV đang khẳng định vị thế Đài truyền hình quốc gia và mong muốn khẳng định vị thế ở Đông Nam Á, đó là một mục tiêu lớn và cần nhiều sức để thực hiện. Việc có thể xem dễ dàng các kênh VTV qua Internet bằng thành quả của chính VTV làm tôi cũng rất vui mừng vì đây là xu hướng không thể bỏ qua trong thời đại Internet.
Bản thân VTV3 cũng có nhiều thay đổi, trong đó có một số chương trình mới tôi rất thích. Khi về Việt Nam, tôi đều đặn xem các chương trình buổi sáng, tôi thích những tin tức về những người tử tế, những hành động nhân văn trong chương trình Cà phê sáng của VTV3.
Tôi nhận thấy nhân sự của VTV cũng vẫn hừng hực như ngày nào chúng tôi mới vào Đài. Năm nay, tôi có một khoảng thời gian ngắn trở về nước và được tham gia buổi họp mặt của đại gia đình VTV nhân ngày Báo chí Việt Nam. Các bạn trẻ đã hỏi Tổng Giám đốc nhiều câu rất chân thực và được nhận lại những lời chia sẻ cởi mở. Tôi thích tinh thần đó. Ngoài ra, VTV có nhiều trường quay mới hơn để tác nghiệp, trụ sở VTV và chỗ làm việc của Ban chúng tôi trước đó cũng khang trang hơn nhiều.
Sau 4 năm du học, BTV Thu Thủy đã sẵn sang quay trở lại với VTV. |
- Vậy điều gì khiến chị quyết định tạm gác công việc ở VTV để sang Australia du học?
- Lý do thì đơn giản thôi. Tôi rất thích được học hành, được biết và áp dụng kiến thức vào công việc. Năm 2009, Ban của chúng tôi có nhận được thông báo từ Ban Tổ chức cán bộ về việc đào tạo sau Đại học. Rất may tôi lại “vừa vặn” vào yêu cầu đó. Tôi nghĩ Australia là một nước văn minh và nền giáo dục phát triển, chắc chắn tôi sẽ tích lũy được thêm nhiều điều thú vị cho nghề nghiệp của mình.
- Có lúc nào chị cảm thấy nhớ nghề?
- Việc nghiên cứu giúp tôi biết thêm rộng hơn về thế giới truyền hình bên ngoài và hiểu rõ hơn nghề truyền hình của mình. Tôi vẫn thỉnh thoảng cùng các bạn ở Australia thực hiện một số phóng sự vào những dịp đặc biệt. Khi đó, VTV cần sự hỗ trợ của tôi từ Australia cũng như kết nối để một số nhóm sản xuất và sử dụng thiết bị, nhân sự tại đây.
Việc xem được các chương trình qua Internet làm tôi cũng không thấy mình bị hụt hẫng. Thêm vào đó tôi được xem rất nhiều chương trình truyền hình hay từ Australia. Chỉ tiếc là dù là phát trên Internet nhưng nếu bạn không ở trên lãnh thổ Australia thì bạn không xem được nên tôi có thấy bứt rứt khi xem những chương trình hay quá mà không thể nào rủ các bạn mình cùng xem rồi cùng bàn luận về chúng.
- Với những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được, chị có dự định gì sau khi trở về?
- Tôi thật phấn khích khi nghĩ đến việc năm sau được trở lại với công việc ở Đài Truyền hình Việt Nam. Công việc vẫn là đóng góp cho cơ quan thôi. Tôi nghĩ là tổ chức dù ở quy mô nhỏ hay lớn đều cần có tầm nhìn, giống như con tàu chạy phải có đường đi rõ ràng. Mỗi thành viên trong tổ chức đều được biết và tin tưởng vào đó. Các nhân sự thì cần được đóng góp và tiếp tục phát triển.
Càng đi xa, tôi càng thấy quý những đồng nghiệp của mình. Tôi chân thành mong muốn một môi trường làm mọi người được đóng góp và ghi nhận vì tôi luôn hiểu rằng đằng sau gia đình, cơ quan là nơi ta sống một phần đời quan trọng của ta.