Nguyễn Minh Vân (sinh năm 1996, Nam Định) là học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Khuyến. Bị xương thủy tinh, Minh Vân không thể tự di chuyển như bao bạn bè đồng trang lứa, Vân đến lớp trên đôi chân của bố.
Dù vậy, Minh Vân có thành tích học tập tốt. 12 năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhiều học bổng về những nỗ lực trong học tập. Lớp 9, Vân là học sinh giỏi Hóa cấp thành phố, đạt giải cuộc thi Nét bút tri ân.
Chia tay tuổi học trò, Minh Vân viết bức thư tri ân thầy cô, khiến nhiều người xúc động:
Nguyễn Minh Vân (sơ mi trắng) bên bạn trong hình ảnh kỷ yếu. |
“Con sinh ra không được may mắn như bao người. Căn bệnh xương thủy tinh khiến con nhiều khi có cảm giác bất lực với chính bản thân. Con không thể tự đi lại được, đến trường nhờ đôi chân của bố. Tuy nhiên, đến một ngày con nhận ra, không có khả năng tự bước đi, con có một ước mơ khác, là được bay.
Đó là khi con nhận ra trong cuộc sống có nhiều người bất hạnh hơn mình. Là khi con được sống trong tình yêu thương bao la của người giáo viên - đã giúp con có được ngày hôm nay.
Cô giáo con yêu quý nhất trên đời là cô Vũ Thị Dần, trường THCS Hàn Thuyên - cũng là người đầu tiên dạy con những bước đi đầu tiên xuống mặt đất. Con đã rất đau, mồ hôi nhễ nhại, nản lòng nhưng cô động viên: “Cố lên con”. Có lần con bị đổ ghế vào chân, cô lại gần xoa và chườm đá, khích lệ.
Cô thường xuyên cõng con trên lưng khi rời phòng học, những lúc cần di chuyển ở trường. Có lần con sợ cô mệt, cô chỉ nói: "Con gái yêu của cô, cô cõng được chứ". Con bật khóc, khi chính bản thân mình xúc động vì được cô coi như con gái.
Thời gian cấp hai yên bình qua đi với những kỷ niệm đẹp về cô. Lên cấp 3, con không thi đỗ trường chuyên Lê Hồng Phong nhưng bù lại, trường Nguyễn Khuyến là ngôi nhà chung đầy lý tưởng. Ngày lễ tri ân của khối 12 năm ngoái, mẹ đã đến giao lưu, chia sẻ về quá trình chăm sóc, dạy con đi, những vất vả để có thể đưa con đến lớp mỗi ngày. Lễ tri ân năm nay, con lại là một học sinh lớp 12 trong tâm trạng bồi hồi, xúc động.
Khi con ngồi đây và đặt bút viết lên những dòng tâm sự này, là những ngày cuối cùng của tháng 5. Giờ chia tay sắp đến, chỉ còn lại trong con những cảm xúc xôn xao, nuối tiếc và nỗi buồn thoáng qua.
Hồi tưởng lại ký ức, con tìm về những kỷ niêm của ba năm trước. Nhớ lần đầu tiên bước đến trường đầy bỡ ngỡ nhưng con thật may mắn khi gặp được những người thầy, người cô nâng đỡ bước chân. Con cảm ơn thầy Nguyễn Anh Tuấn - hiệu trưởng nhà trường cùng ban giám hiệu, đoàn trường đã hỗ trợ khi miễn giảm học phí, các hoạt động ngoài giờ, tới thăm gia đình và lập hồ sơ xin học bổng.
Không thể chạy nhảy, nô đùa như các bạn, mỗi giờ thể dục con luôn ngồi một mình trong lớp. Thầy Anh Tuấn thường trò chuyện cùng con, bấy giờ không còn khoảng cách giữa hiệu trưởng và học trò nữa.
Cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên chủ nhiệm suốt thời cấp 3 là điều may mắn con có được, là người có ý nghĩa nhất với con. Bên ngoài cô nghiêm khắc nhưng bên trong là đời sống tình cảm sâu sắc. Ở lớp còn những học sinh chưa ngoan, cô lặng lẽ kể cho chúng con về những câu chuyện thực tế để tự rút ra bản học cho bản thân. Con học được ở cô sự kiềm chế, nóng giận và quát mắng không phải là giải pháp tốt.
Con thường tâm sự cùng cô. Cô định hướng nghề nghiệp, động viên con làm giáo viên rất phù hợp nhưng lại lo lắng cho sức khỏe không đủ điều kiện. Nhớ buổi trưa hè nắng gay gắt, cô tìm đến buổi giao lưu trực tuyến để hỏi về trường hợp của con có thể xét tuyển ưu tiên vào đại học hay không?
Cô luôn nhắn tin an ủi: “Cô nghĩ con may mắn hơn rất nhiều người. Con có trí tuệ, chỉ có sức khỏe không tốt lắm. Cô muốn con tự tin như mọi người, đó là lý do cô không cưng chiều con như con nít”.
Đọc tin nhắn của cô, con òa khóc nức nở. Cô nói đúng, cô không cưng chiều vì muốn con tự lập và vững vàng, không được ỷ lại tất cả. Con hiểu ra, trong cuộc chiến thắng chống bệnh tật này, không ai là người thay thế bản thân. Tất cả đều do con quyết định. Con nên bỏ lại quá khứ phía sau để nhìn về tương lai ý nghĩa và tích cực.
Biết bao kỷ niệm, con kể sao hết cô ơi.
Một người giáo viên khác để lại ấn tượng sâu sắc trong con là cô Đặng Nguyệt Anh (giáo viên dạy Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) với tấm lòng bao dung và nhân ái. Tuy chưa gặp gỡ nhưng cô nhiệt tình giúp con định hướng tương lai.
Trước ngưỡng cửa vào đời, con vô cùng bối rối, chưa biết bắt đầu từ đâu, theo đuổi ngành gì. Cô Nguyệt Anh giúp con hiểu về sinh trắc vân tay để biết được khả năng của mình và định hướng nghề nghiệp. Cô tặng phí dịch vụ, nhờ người giúp con di chuyển từ Nam Định lên Hà Nội. Cô chăm lo cho con như người thân.
Được sống trong vòng tay của những người thầy, người cô mình yêu mến, con quyết định thi Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Dù trực tiếp đứng trên bục giảng hay không nhưng con tin mình đã được trưởng thành từ môi trường giáo dục tốt, sẽ mong muốn cống hiến nhiều hơn cho ngành.
Lúc này, con muốn thời gian trôi thật chậm để được ở bên bạn bè, thầy cô. Ngày chia xa, con xin phép không nói lời chào tạm biệt. Con sẽ trở về bằng những thành công mình gặt hái được, thầy cô hãy tin ở con nhé.