Ngày 18/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ thành lập tổ thường trực đặc biệt tại Bắc Giang và Bắc Ninh, giao Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm tổ trưởng để kiểm soát tình hình dịch tại 2 địa phương này.
Qua kiểm tra thực tế, ông Sơn đánh giá cao công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang. Để làm tốt việc kiểm soát dịch trong thời gian tới, Thứ trưởng đã có 5 đề xuất với tỉnh gồm:
Thứ nhất, Bộ Y tế đánh giá chưa thể an tâm với tốc độ lây lan dịch ở Bắc Giang và dự kiến còn phức tạp hơn trong thời gian tới. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng Bắc Giang cần áp dụng Chỉ thị 16 tại huyện Việt Yên, khi tình hình dịch tại 4 khu công nghiệp khá phức tạp.
Bộ Y tế đề xuất Bắc Giang nâng cao mức độ cách ly phong tỏa từ Chỉ thị 15 lên Chỉ thị 16. Khi đó, tất cả biện pháp phòng, chống dịch đều phải được giám sát chặt chẽ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất 5 vấn đề cho Bắc Giang. Ảnh: Đức Anh. |
Thứ hai, về xét nghiệm, Thứ trưởng Sơn đề nghị với các trường hợp cần kết quả sớm, tỉnh phải phối hợp test nhanh kháng nguyên với rRT-PCR.
Thời gian vừa qua, Bắc Giang đã lấy mẫu, xét nghiệm rất tích cực với nhiều đơn vị phối hợp. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm còn chậm, vẫn để lọt các trường hợp chưa được xét nghiệm. Do đó, ông Sơn đề xuất Bộ trưởng Y tế chỉ đạo thêm các đơn vị gồm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương để nhận mẫu bệnh phẩm, trả kết quả cho Bắc Giang sớm nhất.
Thứ ba, Bắc Giang cần tận dụng toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban Tuyên giáo, chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ an toàn Covid-19 trong nhà máy, bệnh viện để rà soát hàng ngày. Vấn đề này sẽ được Bộ Y tế tập huấn để Bắc Giang giám sát, kiểm tra thực hiện tốt các biện pháp chống dịch trong thời gian cách ly, giãn cách.
Thứ tư, về điều trị, Thứ trưởng Sơn nhận định số lượng giường bệnh cho việc tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang còn hạn chế. Do đó, Bộ Y tế đề xuất tỉnh trưng dụng thêm Trung tâm Y tế ở Lạng Giang và Yên Dũng để nhanh chóng giải phóng bệnh nhân. Đây là 2 đơn vị có điều kiện y tế tốt, có thể cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Nội tiết Bắc Giang và Bệnh viện Phổi Bắc Giang điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tỉnh cần nhanh chóng chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến và hoàn thiện công tác tiếp nhận, phân luồng, khử khuẩn, xử lý chất thải tại đây trong thời gian sớm nhất.
Cuối cùng, Bắc Giang cần có trung tâm tiếp nhận bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch. Theo Thứ trưởng, một số bệnh nhân có thể diễn biến bệnh rất nhanh. Do đó, tỉnh cần chuẩn bị sẵn hệ thống thiết bị với những xét nghiệm cơ bản.
"Khi bệnh nhân có diễn biến nặng, chúng ta có thể ngay lập tức điều trị tại chỗ. Đây là kinh nghiệm từ Đà Nẵng và chúng ta hoàn toàn có thể thiết lập hệ thống hồi sức trong khoảng 3-5 ngày", ông Sơn nhận định.
Ngoài ra, Bộ Y tế thời gian tới cũng sẽ hỗ trợ các trang thiết bị quan trọng cho Bắc Giang như 40.000 kit test kháng nguyên, 50,5 tấn hóa chất khử khuẩn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: "Chúng tôi lưu ý tỉnh thực hiện các phương án 4 tại chỗ, chuẩn bị phương án tiếp tục mua sắm, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế đảm bảo phòng, chống dịch".