Trong làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, một trong những vấn đề lớn ngành y tế phải đối mặt là sự thiếu hụt nhân sự trước số lượng bệnh nhân tăng cao.
Theo thống kê của Bộ Y tế, TP.HCM trung bình ghi nhận khoảng 3.000-5.000 ca/ngày. Dù đã nhận được sự chi viện từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, việc số ca nhiễm tăng quá nhanh vẫn gây ra áp lực không nhỏ với hệ thống điều trị.
Tín hiệu vui trong thời gian qua là lượng người mắc Covid-19 khỏi bệnh và có thể xuất viện mỗi ngày của Việt Nam cũng rất lớn. Đến nay, gần 300.000 người mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi.
Hai yếu tố cần đảm bảo
Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ gửi đi những bức thư chúc mừng các F0 đã vượt qua Covid-19, khỏi bệnh và trở về nhà. Theo ông Sơn, đó là hành trình rất khó khăn và đáng nhớ đối với mỗi người.
“Sau quãng thời gian điều trị bệnh, chắc chắn mọi người đều cảm thấy rất mệt mỏi. Do đó, chúng tôi sẽ chỉ kêu gọi sự hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện. Các F0 sau khi khỏi bệnh có thể đăng ký làm thiện nguyện trong những cơ sở y tế, giúp y bác sĩ giảm tải áp lực công việc”, Thứ trưởng Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sẽ sớm gửi thử kêu gọi F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bộ Y tế sẽ xác định lực lượng này dựa trên 2 vấn đề: Thứ nhất, các F0 sau khi khỏi bệnh tự nguyện tham gia. Thứ hai, những người này được xác định là có kháng thể với SARS-CoV-2.
“Chúng tôi đang trong quá trình lên kế hoạch, triển khai xét nghiệm kháng thể với SARS-CoV-2 tại TP.HCM. Những F0 sau khi khỏi bệnh tình nguyện tham gia hỗ trợ sẽ được xét nghiệm để đảm bảo yếu tố này. Sau khi đủ điều kiện, chúng tôi có thể bố trí họ làm việc tại các cơ sở y tế, điều trị bệnh nhân Covid-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Tại đây, các F0 đã khỏi bệnh có thể được phân công một số công việc ít hoặc không liên quan y tế như chăm sóc, liên lạc, hỗ trợ người bệnh...
Ông Sơn chia sẻ: “Tôi nghĩ việc làm này sẽ có một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, người dân có tinh thần từ thiện, tình nguyện rất cao nên chắc chắn sẽ thành công. Bộ Y tế cũng sẽ cố gắng gửi lời kêu gọi tới mọi người trong thời gian sớm nhất”.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch thông qua việc cấp giấy xác nhận hay các phương pháp cụ thể khác. “Đó là việc chắc chắn phải làm và là trách nhiệm của chúng tôi”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
F0 khỏi bệnh là nhóm người an toàn nhất
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng bày tỏ sự ủng hộ với giải pháp cho các F0 khỏi bệnh vào cơ sở y tế hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Có thể nói sau khi hết bệnh, những người từng mắc Covid-19 là nhóm an toàn nhất trong môi trường có tồn tại SARS-CoV-2. Những người này cũng không thể tái nhiễm với virus. Do đó, họ không có nguy cơ lây lan nCoV”, bác sĩ Khanh nói.
F0 đã khỏi bệnh là những người an toàn nhất trong môi trường có SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Với các trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2, ông cho biết chỉ có 2 khả năng xảy ra. Trường hợp đầu tiên, kết quả dương tính đến từ xác virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể người bệnh. Điều này không đồng nghĩa với việc F0 đã khỏi và mắc bệnh trở lại. Trường hợp thứ 2, kết quả của một trong 2 lần xét nghiệm cuối cùng bị sai. Do đó, chúng ta có thể không cần bàn thêm về việc tái mắc Covid-19.
Bác sĩ Khanh nói thêm: “Với tỷ lệ rất thấp, một số người có hệ miễn dịch quá kém có khả năng tái mắc Covid-19 sau 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp này thường có diễn biến bệnh rất nhẹ”.
Ông cho hay thế giới hiện chưa có nhiều nghiên cứu về thời gian tồn tại miễn dịch trong cơ thể người mắc Covid-19 khỏi bệnh. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khả năng miễn dịch có thể tồn tại trọn đời hoặc trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến một năm.
Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, một lợi ích khác của việc cho các F0 đã khỏi bệnh vào cơ sở y tế hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 là chúng ta có thể tiết kiệm lượng lớn trang phục, dụng cụ phòng hộ khi nhóm này đã có hệ miễn dịch bảo vệ và không có nguy cơ nhiễm virus.