Ngày 24/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông Tuyên đánh giá tỉnh Thanh Hóa cần có những biện pháp phòng, chống dịch căn cơ để thực hiện mục tiêu kép.
Theo ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh ghi nhận tổng cộng 8 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 2 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2.
Giám đốc Sở Y tế cho biết thời gian qua, Thanh Hóa đã chuẩn bị 102 khu cách ly tập trung với sức chứa khoảng 10.757 người. Tỉnh cũng đảm bảo năng lực xét nghiệm 800 mẫu/ngày (khoảng 3.000 - 4.000 mẫu/ngày nếu làm gộp), đồng thời sẵn sàng kích hoạt thêm phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với năng lực khoảng 200 mẫu/ngày.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cũng đã tái thành lập chốt kiểm soát tại các huyện và kiểm soát chặt chẽ khu biên giới đường bộ, đường biển, khu vực cửa khẩu, từ đó ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép.
Về cơ sở điều trị, tỉnh đang sử dụng cơ sở điều trị Covid-19 là Bệnh viện Phổi Thanh Hóa với quy mô 200 giường. Cơ sở này có thể được mở rộng với quy mô 500 giường. Thanh Hóa cũng đã sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng với quy mô 300 giường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo Thanh Hóa tuyệt đối không được chủ quan. Ảnh: Thạch Thảo. |
Qua kiểm tra, Phó giám sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, nhận định doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đủ các biện pháp phòng, chống dịch như thành lập tổ an toàn Covid-19 trong nhà máy, xây dựng kế hoạch phòng dịch hay đánh giá nguy cơ, cập nhật bản đồ Covid-19...
"Tuy nhiên, việc thành lập tổ an toàn Covid-19, xây dựng kế hoạch phòng dịch vẫn mang tính hình thức, chưa phân công cụ thể cũng như nêu được phương án ứng phó khi có ca mắc", bà Hương nói.
Vị chuyên gia này đánh giá cao về cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung cũng như công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Thanh Hóa.
Trong khi đó, tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nhận định: "Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã trải qua 27 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch của tỉnh vẫn rất cao do vị trí địa lý có biê giới, cửa khẩu đường bộ, đường thủy".
Theo ông Tấn, tỉnh cần tập trung vào 3 phương án phòng, chống dịch gồm: Giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng; Bảo vệ khu công nghiệp; Triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Dù đã qua 27 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, Thanh Hóa vẫn không được phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác".
Ông Tuyên nhận định Thanh Hóa là tỉnh đông dân cư, có 5 khu công nghiệp, một khu kinh tế với gần 18.000 doanh nghiệp, 340.000 lao động. Đây là vấn đề tỉnh cần đặc biệt lưu tâm.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần tổ chức tập huấn cho các đơn vị trong khu công nghiệp, đồng thời kiểm tra từng doanh nghiệp, yêu cầu ký cam kết về thực hiện phòng, chống dịch.
Để chuẩn bị cho tình huống có ca mắc trong doanh nghiệp, Thanh Hóa cần yêu cầu các nhà máy xây dựng phương án chống dịch song song với sản xuất theo phương châm 50% đi làm, 50% ở nhà, xét nghiệm nhanh và ăn, ngủ tại nơi làm việc.
"Phải quyết tâm chống dịch bằng được, không để dịch xảy ra trong các thành trì như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bệnh viện", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.