Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: Khi xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu, Bộ GD&ĐT căn cứ 3 yếu tố.
Thứ nhất, chất lượng của thí sinh dự thi. Điều này phải dựa trên điểm sàn những năm gần đây. Để đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ GD&ĐT, cũng như Hội đồng tư vấn, xác định trung bình mỗi môn thi phải 5 điểm. Vì vậy, điểm sàn phải quanh ngưỡng 15 điểm.
Những năm thực hiện "3 chung", điểm sàn chưa bao giờ vượt ngưỡng 15 điểm 3 môn. Phổ điểm các khối thi chủ yếu lệch trái (phần điểm thấp). Từ năm 2015, do mục đích tổ chức kỳ thi thay đổi, phổ điểm lệch nhiều về bên phải (điểm cao). Phổ điểm năm nay thuận lợi cho các trường xét tuyển, ngoại trừ môn ngoại ngữ điểm hơi lệch trái.
Tiêu chí thứ hai là chỉ tiêu của các trường đại học. Các trường cũng tự xác định chỉ tiêu theo Thông tư 57 và Thông tư 32. Đó là năng lực đào tạo tối đa của các trường. Do đó, tuyển đủ chỉ tiêu hay không đủ chỉ tiêu hiện nay không còn quan trọng.
Năm nay, cả nước có trên 100 trường đăng ký tuyển sinh riêng bằng hình thức xét học bạ với 102.000 chỉ tiêu. Các trường đại học còn lại tuyển sinh bằng lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia với 320.000 chỉ tiêu. Hội đồng điểm sàn đã phân tích để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường.
Tiêu chí thứ ba là phương thức xác định tổ hợp xét tuyển của các trường. Tuy nhiên, Hội đồng chủ yếu dựa vào 5 khối thi truyền thống để xác định là A, A1, B, C và D.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Từ 3 tiêu chí này, Hội đồng tư vấn thống nhất điểm sàn 5 khối thi truyền thống năm nay là 15 điểm. Với mức này, hệ số dôi dư là 1.27. Đây chỉ là chỉ số dôi dư của 5 khối truyền thống. Các trường tuyển nhiều tổ hợp khác nên hệ số này còn lớn hơn rất nhiều.
- Điểm môn tiếng Anh của thí sinh không cao sẽ dẫn đến phổ điểm khối D không "đẹp" như các khối còn lại. Các trường xét tuyển khối D có gặp khó khăn về nguồn tuyển không?
Những năm trước, tiếng Anh là môn tự chọn. Từ năm 2015, đây là môn thi bắt buộc. Từ chỉ một số thí sinh phải thi đến tất cả thí sinh phải thi là bước phát triển nhanh và dài trong quyết tâm dạy học môn ngoại ngữ trong nhà trường. Do đó, phổ điểm môn tiếng Anh từ năm 2015 đến nay nhìn chung thấp.
Dù vậy, số lượng thí sinh đạt điểm trung bình từ 5 điểm trở lên cũng đông. Những em điểm cao này dự thi khối D, các trường không lo nguồn tuyển.
- Những trường đại học ở các vùng khó khăn sẽ tuyển sinh ra sao?
- Năm 2015, theo đề nghị của Ban chỉ đạo 3 Tây (Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ), Bộ GD&ĐT cho phép các trường ở vùng khó khăn khi tuyển thí sinh địa phương được hạ thấp hơn điểm sàn của Bộ 1 điểm.
Mục đích là các trường đào tạo nhân lực cho địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Năm nay, nếu Ban chỉ đạo 3 Tây tiếp tục đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét. Còn nếu không, các trường sẽ tuyển sinh như các trường khác.
Sáng 28/7, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học năm 2016 là 15 điểm cho tất cả các khối A, A1, B, C, D.
Đây là ngưỡng xét tuyển đại học hệ chính quy đối với học sinh phổ thông khu vực 3, mức điểm tối thiểu không nhân hệ số.
Năm nay, không có mức sàn cho cao đẳng. Như vậy, mức điểm sàn năm 2016 bằng năm ngoái. Năm 2015, điểm sàn đại học là 15 điểm và cao đẳng 12 điểm.
Điểm sàn nhằm đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu và dôi dư để đủ cho các trường có thể tuyển sinh.