Tại lễ khai mạc chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 sáng 21/10, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Minh khẳng định việc tư vấn tâm lý cần tập trung rèn luyện kỹ năng sống, đồng thời nâng cao ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử cho trẻ.
Nhiều trường học hiện nay xây dựng hộp thư góp ý để học sinh đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm cá nhân. Trên cơ sở này, các trường phải có biện pháp xử lý, phân loại để đưa ra hướng giải quyết, lời khuyên phù hợp cho trẻ.
Ngoài ra, khi thực hiện công tác tư vấn tâm lý, nhà trường cũng cần căn cứ độ tuổi, giới tính, tình trạng gia đình của từng học sinh. Các biện pháp ứng xử văn hóa, xây dựng mối quan hệ xã hội, công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh cũng cần được trường cân nhắc.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Minh phát biểu khai mạc chương trình. |
Hàng năm, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn, chỉ đạo các sở GD&ĐT thực hiện tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh tại trường học. Bộ cũng kết hợp trường đại học, cơ quan trong nước và tổ chức phi chính phủ để thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, do thiếu đội ngũ chuyên trách, công tác tư vấn tâm lý cho trẻ chưa đạt hiệu quả cao, nhiều nơi làm chưa sâu. Ngoài ra, bộ và các nhà trường phải đối mặt những vấn đề đặc thù khi hỗ trợ trẻ em bị tự kỷ, trầm cảm hoặc mắc các vấn đề tâm lý khác.
Đặc biệt, những khủng hoảng tâm lý trẻ phải đối mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tư vấn tâm lý học đường.
Để công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh đạt hiệu quả cao và giúp trẻ chuẩn bị sẵn sàng trở lại trường học sau thời gian học trực tuyến, Thứ trưởng GD&ĐT đề xuất 4 phương án.
Thứ nhất, nhà trường cần đánh giá đúng thực trạng, hậu quả dịch Covid-19 gây ra với học sinh, đặc biệt là vấn đề tâm lý mà các em gặp phải trong thời gian nghỉ dịch, học online. Qua đó, nhà trường tập trung bồi dưỡng cho giáo viên kỹ năng nhận diện sự căng thẳng và những khó khăn của trẻ như vấn đề kinh tế, các mối quan hệ...
Thứ hai, nhà trường cần tập trung hướng dẫn và cho giáo viên thực hành kỹ năng hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về mặt tâm lý. Ngoài ra, giáo viên cũng cần cho trẻ áp dụng các bài tập thư giãn, giảm căng thẳng trong và sau bối cảnh dịch bệnh, đồng thời giúp các em chuẩn bị tinh thần trở lại trường học.
Thứ ba, nhà trường tập trung phân tích, làm rõ những nguy cơ tổn thương, khủng hoảng ở học sinh khi học trực tuyến, sử dụng Internet. Các trường cũng nên đưa ra những chiến lược phù hợp để bảo vệ sự an toàn của học sinh trên không gian mạng.
Khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, trẻ vẫn dành nhiều thời gian học trực tuyến và sử dụng Internet. Vì thế, nhiệm vụ của các trường là giúp trẻ thích nghi với việc sử dụng, cư xử trên không gian mạng và phân tích nguy cơ có thể xảy ra để bảo vệ học sinh theo cách tốt nhất.
Thứ tư, trường học nên trao đổi với chuyên gia về các kỹ năng để giúp giáo viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra khi thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.