Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng GD&ĐT: Đề xuất mức lương giáo viên cao nhất từ 20 năm trước

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết đề xuất lương giáo viên phải xếp cao nhất trong thang bảng lương đã có từ 20 năm trước nhưng chưa thực hiện được.

Sáng này 1/12, Hội nghị Đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục được tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Đề xuất tăng lương mức cao nhất chưa thực hiện được

Hàng loạt vấn đề "nóng" được quan tâm là tăng lương cho giáo viên, nâng chuẩn giáo viên tiểu học và miễn giảm học phí đến bậc THCS. Trong đó, đề xuất sửa đổi luật giáo dục Điều 81 có ghi: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, được nhiều sở GD&ĐT, địa phương, giáo viên ủng hộ.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII năm 1996 khẳng định lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương (bây giờ gọi là thang bậc lương hành chính sự nghiệp).

tang luong cho giao vien anh 1
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quyên Quyên. 

Năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã nhắc lại điều này, lương giáo viên phải cao nhất, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đời sống giáo viên. Như vậy, mong muốn tăng lương cho giáo viên đã được thể hiện từ lâu, chứ không phải bây giờ mới đề cập.

Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng việc tăng lương giáo viên hiện nay được xã hội quan tâm nhiều nhất. Chỉ khi nào đưa vấn đề này vào luật, cụ thể hóa bằng văn bản, chính sách, mới có thể thực hiện được; nếu chỉ tồn tại trên giấy và chính sách rất khó khả thi.

Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến của các vụ, sở, nhà khoa học, giáo viên về vấn đề này. 

Ông Phan Hồng Thủy - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc - cho rằng đề xuất tăng lương cho giáo viên là rất tốt, tuy nhiên, cần có đánh giá cụ thể về việc tác động và tính khả thi trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hiện nay. Ông Thủy đề xuất Bộ GD&ĐT cần có những tính toán cho phù hợp các điều kiện.

Nên mở rộng khái niệm 'nhà giáo'

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định - nêu quan điểm đề xuất tăng lương cho giáo viên cần quan tâm một bộ phận khác là nhà giáo sau khi nghỉ giảng dạy, về công tác tại phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. Họ đều là những nhà giáo ưu tú, nhưng có nhiều trường hợp đã từ chối lời mời làm việc vì khi thay đổi, họ bị mất thâm niên và phụ cấp đứng lớp.

tang luong cho giao vien anh 2
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định. Ảnh: Quyên Quyên. 

Bà Bùi Thị Thu - Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Nam Định - nói bà là giáo viên trường chuyên, kinh nghiệm 20 năm đứng lớp. Về sở GD&ĐT công tác là năm thứ 21 trong ngành, bà mất danh hiệu “nhà giáo”, không còn được hưởng thêm chế độ thâm niên, phụ cấp của ngành.

Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Nam Định đề xuất khái niệm “nhà giáo” cần được Ban soạn thảo luật xem xét ở mức rộng hơn, không chỉ những người trực tiếp đứng lớp, mà cả những người quản lý tại phòng, sở sau khi được điều chuyển.

Tiếp nhận những ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin sắp tới, đề xuất chính sách xây dựng luật nhà giáo có quy định cụ thể về định nghĩa “nhà giáo”.

“Những ý kiến băn khoăn về định nghĩa nhà giáo của đại diện các địa phương rất tâm huyết. Hiện tại, những giáo viên mầm non đứng lớp, đánh học sinh, không bằng cấp hay những giáo viên chuyên nhảy việc khi chờ ký hợp đồng, những bảo mẫu cũng gọi là nhà giáo.

Tương tự, những giáo viên khi về làm việc tại phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT lại mất chức danh. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến này để nghiên cứu, có giải pháp cụ thể”, ông Độ nói.

Lương giáo viên tăng cao cũng không thể bằng ngành công an, quân đội

Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, dự thảo đề xuất tăng lương cao nhất trong bảng lương là đúng đắn, nhưng không thể cao bằng ngành công an, quân đội.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm