Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng vọt. Nhiều người trở thành F0 phải chăm sóc, điều trị tại nhà.
Sau khi khỏi bệnh, người lao động mắc Covid-19 được hưởng những khoản trợ cấp nào? Họ cần hoàn thiện các loại giấy tờ, thủ tục nào để được hưởng các khoản trợ cấp đó?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Theo quy định hiện hành, người lao động mắc Covid-19 sẽ được hưởng chế độ ốm đau và chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau.
Đối với chế độ ốm đau, để được nhận trợ cấp, người lao động cần có giấy ra viện (đối với người F0 điều trị nội trú) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú (đối với F0 điều trị ngoại trú).
Mức hưởng trợ cấp theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thời gian được xét hưởng bảo hiểm xã hội là tối đa 30 ngày nghỉ.
Để được hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi Covid-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chế độ cho người lao động. Người lao động sau đó có thể nhận tiền hỗ trợ thông qua tài khoản cá nhân hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động.