Chỉ thị nêu rõ để kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020 được triển khai nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ của dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tính, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) tập trung thực hiện những công việc trọng tâm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có thay đổi so với các năm trước về công tác coi thi. Ảnh minh họa: Hải An. |
Bộ trưởng GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi
Theo nội dung Chỉ thị, Bộ trưởng và Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi; ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT chủ động cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và công tác tuyển sinh; giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về nội dung liên quan kỳ thi và tuyển sinh; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong kỳ thi. Đề thi phải đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD&ĐT xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở địa phương.
Để bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan trong kỳ thi, bộ nên xâu dựng các phải pháp kỹ thuật, đặc biệt là phần mềm và quy trình chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên, thực hiện công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ và trách nhiệm giải trình.
Trong quá trình tổ chức thi, các cơ sở giáo dục đại học cũng tham gia công tác thanh tra, kiểm tra tất cả khâu của kỳ thi.
Thủ tướng lưu ý đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối với đề thi, bài thi, quá trình chấm thi. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Nhiều bộ, ban, ngành cùng vào cuộc
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trực tiếp là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi ở địa phương.
Các công đoạn bao gồm: Đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi (riêng bài thi trắc nghiệm chấm trên máy tính bằng phần mềm dùng chung của Bộ GD&ĐT), thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi; phân tích dữ liệu về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh của địa phương; xét công nhận tốt nghiệp THPT, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
UBND các tỉnh phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại địa phương; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự.
Với sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi.
Thanh tra Chính phủ cử người tham gia Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, yêu cầu thanh tra địa phương cử người tham gia ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tạo điều kiện để quá trình vận chuyển đề thi, bài thi, nhất là vận chuyển bằng đường hàng không, được thuận tiện, an toàn.
Trong những ngày diễn ra kỳ thi, Bộ Giao thông Vận tải phải bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc, ảnh hưởng việc tổ chức kỳ thi.
Bộ Y tế chỉ đạo cơ sở y tế chuẩn bị các loại vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp, đặc biệt phải có phương án đề phòng, ngăn chặn dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác, hỗ trợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh; tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra; truyền thông đầy đủ, kịp thời về công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức từ ngày 8/8 đến 11/8. Thí sinh dự thi trong 2 ngày là 9/8 và 10/8 với 4 buổi thi chính thức.
Ngày 9/8, thí sinh dự thi 2 môn là Ngữ Văn (120 phút) vào buổi sáng và Toán (90 phút) vào buổi chiều.
Ngày 10/8, thí sinh dự thi bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử - Địa - Giáo dục Công dân). Mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút vào buổi sáng. Bài thi môn Ngoại ngữ (60 phút) vào buổi chiều.