Sáng 29/3, Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng chống Thiên tai diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai ở nước ta khiến 400 người chết, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP.
Điển hình là tại tỉnh Yên Bái, thiệt hại do thiên tai trong năm 2017 chiếm 73% thu ngân sách toàn tỉnh (trên 1.800 tỷ đồng).
Bộ trưởng Cường thông tin thiên tai với những yếu tố cực đoan, bất thường, khó dự báo và cảnh báo. Trước diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết xử lý các dự án, hoạt động gây cản lũ, thu hẹp không gian trữ, thoát lũ, lấn ra bờ sông, bờ biển.
"Không để sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi"
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần luôn sẵn sàng đối đầu với thiên tai của người dân Việt Nam: “Sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa”.
Trước bối cảnh Việt Nam là một trong năm nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất, Thủ tướng nhấn mạnh thiên tai xen kẽ biến đổi khí hậu, hoạt động mạnh mẽ ở tất cả vùng miền. Dự báo là khâu quan trọng, nhất là khi xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, bởi dự báo không tốt sẽ gây hậu quả lớn. Tuy nhiên, năng lực cảnh báo, quan trắc của Việt Nam còn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt khi xảy ra lũ ống, lũ quét ở những khu vực nhạy cảm gây hậu quả nghiêm trọng như Sơn La, Quảng Ninh...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trà My. |
Một thực trạng khác mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới là sự chủ quan của người dân và các cấp lãnh đạo địa phương. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, bất cứ nơi nào cũng có nguy cơ thiệt hại về người và tài sản lớn.
“Trong chỉ đạo, điều hành, không để xảy ra tình trạng sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, Thủ tướng khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương là phải đảm bảo cuộc sống người dân trong bão lũ.
Cũng theo Thủ tướng, nạn phá rừng đầu nguồn, khai hoang hóa quá mức gây sạt lở, một số địa phương khai thác trái phép, không có kế hoạch cụ thể, ảnh hưởng tới trữ lượng sản xuất cả nước.
"Cần sát dân hơn là alo chỉ đạo"
Với những thành tựu và khó khăn, Thủ tướng khẳng định cần phòng chống và thích ứng thuận theo tự nhiên. “Tinh thần lớn nhất, quan điểm chỉ đạo bao trùm là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Công tác phòng chống thiên tai vì thế phải là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội. Thực hiện các giải pháp quản lý đồng bộ, tổng hợp theo khu vực liên vùng liên ngành, áp dụng khoa học công nghệ kết hợp kế thừa kinh nghiệm truyền thống. Quy hoạch phát triển xã hội phải gắn liền với phòng chống thiên tai, biến nguy cơ thành cơ hội để phát triển.
Thống kê thiệt hại về người do thiên tai năm 2017, phần lớn nhân mạng thiệt hại do lũ, ngập lụt. Nguồn: BCĐ Phòng chống thiên tai. Ảnh: Trà My. |
Thủ tướng yêu cầu bộ máy phòng chống thiên tai tinh gọn, cán bộ trách nhiệm cao.
“Chống bão lũ phải sát dân thay vì chỉ alo nói miệng, chỉ đạo từ xa. Người dân nhiều khi tiếc con lợn, ôm lợn đi trên thuyền chòng chành lại thiệt hại về người”, Thủ tướng chia sẻ đồng thời yêu cầu các địa phương luôn chủ động phòng chống thiên tai, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
Đưa ra giải pháp riêng cho các vùng miền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý quy trình xả hồ đập, không để gây chết người do xả dồn dập. Di dời dân của khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn hồ đập vùng hạ du.
Trong đó, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phải bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Nhiều tỉnh làm rất công phu như Thái Bình, Nam Định cần học hỏi kinh nghiệm...
“Quy hoạch phòng chống thiên tai phải rõ hơn. Tàu vào ra phải rất kiểm soát, đừng kêu mãi tàu không về”, Thủ tướng nhấn mạnh với khu vực ven biển.
Thủ tướng tham quan gian hàng tại hội nghị. Ảnh: Trà My. |
Thủ tướng cũng đồng thời lưu ý việc đề phòng siêu bão có thể xảy ra trong thời gian tới. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố, các địa phương rà soát lại tiêu thoát nước chống ngập, đặc biệt, không được lấp các hồ để làm đô thị như một số nơi đã làm.