Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT về việc báo cáo nội dung liên quan các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan việc thời gian qua, báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Lê Hiếu. |
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác có liên quan, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; loại chứng chỉ thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Bộ GD&ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp.
Ngoài ra, bộ này cần đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập trong thời gian qua về vấn đề này.
Trước đó, Zing đưa tin về việc giáo viên gặp khó khăn với tiêu chuẩn thăng hạng. Để xếp hạng III, II hay I, giáo viên cần học và thi chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Nếu không có chứng chỉ, giáo viên khó giữ hạng, thăng hạng và không được tăng lương.
Nhiều giáo viên tại các địa phương bắt đầu đổ xô học chứng chỉ, nhiều người học-thi mang tính chất đối phó, gây vướng mắc, khó khăn cho nhiều người.