Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Mỹ Dung (33 tuổi, biên kịch, nhà làm phim độc lập đang ở Malaysia). Chị Dung là một trong nhiều bạn gái đã góp mái tóc dài cho thư viện tóc để tặng những bệnh nhân ung thư vú.
Tặng mái tóc dài của mình cho bệnh nhân ung thư vú. |
Làm phụ nữ đều muốn đẹp, dù mang bệnh đi chăng nữa
Ra đời hồi năm ngoái đến nay, thư viện tóc đã có hàng trăm mái tóc được các chị em hiến tặng. “Tôi mong những bệnh nhân ung thư vú nhận ra sự đồng cảm và sức mạnh chúng tôi gửi gắm để có những tháng ngày sống và chống chọi với căn bệnh này” - chị Dung nói.
Mái tóc dài đen nhánh, dịu dàng hay kiểu tóc ngắn năng động, cá tính đều là một phần kiêu hãnh của phụ nữ. Tuy nhiên sau quá trình hóa trị, niềm kiêu hãnh ấy của các bệnh nhân ung thư lại thưa thớt và rơi rụng dần.
Những cú sốc về vẻ ngoài khác biệt, sự thiếu tự tin, đôi khi mặc cảm bởi sự kỳ thị đã làm những phụ nữ này mất đi sức mạnh và sự lạc quan để chống chọi với bệnh tật trên một chặng đường dài. Chặng đường đó đòi hỏi ở chính các chị một nghị lực phi thường gấp trăm ngàn lần.
Chị Nguyễn Thị Phương Loan (33 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), bệnh nhân ung thư vú, chia sẻ: “Tôi vốn là người rất yêu cái đẹp, rất thích cái đẹp và khi bị rụng tóc, tôi đã hoảng sợ khi nhìn mình trong gương. Tôi nghĩ người ngoài nhìn thấy mình chắc cũng sẽ hoảng sợ. Thế rồi tôi quyết định tự tìm lấy niềm vui cho mình bằng nhiều cách, miễn sao mình luôn thấy hạnh phúc và cuộc sống ý nghĩa hơn. Là bệnh nhân, tôi sẽ rất trân trọng những mái tóc được hiến tặng, nó làm tôi có cảm giác được tiếp thêm sức mạnh từ những phụ nữ khác”.
Được nghe câu chuyện về chị Khánh Thương, nữ chiến binh kiên cường chống chọi với ung thư vú và những ước mơ còn dang dở, bạn Bùi Thị Phân Ly (28 tuổi, Nha Trang, thạc sĩ chuyên ngành y tế cộng đồng ở Úc) xúc động: “Tôi thấy rằng nếu bản thân không thể xoa dịu nỗi đau của họ về thể xác thì có thể mang tới họ phần nào đó niềm vui sống. Tặng họ tóc của mình, tôi cảm nhận nỗi đau của họ được lắng nghe và chia sẻ. Tôi cũng thấy phụ nữ chúng ta đều giống nhau, đều tự tin và xinh đẹp dù có mang bệnh đi chăng nữa”.
Từ tóc giả đến tóc thật
Chị Nguyễn Thủy Tiên (em gái chị Thương Sobey, người sáng lập Mạng lưới ung thư vú VN) chính là người sáng lập Thư viện tóc.
Chị Tiên nói ý tưởng ra đời của thư viện từ lòng thấu hiểu mái tóc là niềm kiêu hãnh và vẻ đẹp của phụ nữ. “Để họ vượt qua cơn sốc và lấy lại niềm tin mà tiếp tục chiến đấu thì mái tóc như người bạn đồng hành”.
Chị Tiên cũng đã tự nguyện cắt đi mái tóc của mình để tặng và cạo trọc để không tạo ra sự khác biệt với bệnh nhân ung thư vú trong công tác tuyên truyền của mạng lưới.
Từ ý tưởng, những người làm thư viện tóc có những bước đi. Đầu tiên kêu gọi cộng đồng chung tay hiến tặng tóc, tiếp theo là nhờ những người làm nghề tóc cùng có chung tấm lòng thiện nguyện kết những mái tóc tặng thành mái tóc hoàn thiện. Cuối cùng, những mái tóc này được trao tận tay bệnh nhân ung thư vú.
Trước đây, Mạng lưới ung thư vú VN đã thành lập thư viện tóc giả. Nhưng sau đó nhận thấy nhu cầu sử dụng tóc của bệnh nhân ngày càng nhiều, tóc giả mua về không thể đáp ứng đủ và chất lượng cũng không tốt, lại khó bảo quản, mạng lưới đã chuyển sang kêu gọi ủng hộ tóc thật.
“Tất cả ai đồng cảm với nỗi đau của bệnh nhân đều có thể hiến tặng mái tóc của mình, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Tóc thẳng, tóc xoăn tự nhiên hoặc tóc uốn, tóc cắt đã lâu được lưu giữ dài tối thiểu 15cm đều được chấp nhận. Ưu tiên tóc đen tự nhiên, chưa qua xử lý hóa chất” - chị Tiên cho biết.
“Một người bạn thân biết ý định nuôi dưỡng tóc của tôi đã tặng tôi những chai tinh dầu bưởi matxa tóc hằng ngày. Những người khác tặng dầu dừa để bôi khi tôi đi bơi. Giờ tóc tôi dài tới eo, đen hơn, khỏe mạnh từng sợi nên tôi quyết định tặng” - chị Mỹ Dung chia sẻ.
Muốn tặng tóc, bạn đến đâu?
Các bạn tự cắt tóc và gửi mái tóc của mình tới Thư viện tóc tại địa chỉ 180/47 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Theo thống kê của Mạng lưới ung thư vú VN, cứ 22 giây trôi qua thì có người nhận chẩn đoán mắc ung thư vú; 5 phút trôi qua thì có một phụ nữ đã qua đời. Mỗi năm chúng ta phải đối mặt với 458.000 ca tử vong vì căn bệnh này.