Trên đời này có bao nhiêu kiểu phim dở? Theo tôi có ít nhất là 3. Đầu tiên là những phim bạn xem và bật cười vì sự ngô nghê, ngớ ngẩn của chúng, rồi lên tiếng dè bỉu sự yếu kém, tầm thường của đạo diễn hay biên kịch. Điện ảnh Việt có rất nhiều phim như vậy, ví dụ như Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ, Găng tay đỏ, Giấc mơ Mỹ, Sói trắng…
Thứ hai là những phim mà bạn biết là tệ nhưng vẫn xem vì kỹ xảo hoặc tò mò cảnh sex, hay vì… trào lưu, ví dụ như các bom tấn Hollywood Transformers, Fifty Shades of Grey và Twilight. Với chúng, khán giả chấp nhận để nhà làm phim cười vào mặt mình vì đã dại dột bỏ tiền ra mua vé.
Phạm tất cả các "tội ác" điện ảnh
Nhưng tồi tệ nhất là loại thứ 3, những phim không ai có thể cười ai. Khi xem, khán giả sẽ cảm thấy bực bội, khó chịu, bị xúc phạm, thậm chí muốn phát khùng. Nguyên nhân thì đủ cả, từ kịch bản ngớ ngẩn và phi lý đến cùng cực cho đến diễn xuất cứng đơ như gỗ của các diễn viên.
Thử yêu rồi biết là một bộ phim thuộc loại dở thứ ba. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay trong vai trò đạo diễn của nhạc sĩ Nguyễn Hà, tác giả ca khúc Nhé anh từng góp phần làm nên tên tuổi của Mỹ Tâm. Phim kể về một mối tình giữa ca sĩ và ông bầu trong showbiz Việt.
Kịch bản của Thử yêu rồi biết lằng nhằng, phi lý. |
Kịch bản (nếu có thể gọi đó là kịch bản) kể về Yu Nhi (Trương Mỹ Nhân), một cô gái trẻ từ nước ngoài về tập tành làm ca sĩ và gặp gỡ thiếu gia Quốc Bảo (Kent Phạm). Cả hai dính vào vô số lùm xùm rắc rối trên con đường theo đuổi ước mơ thành danh trong showbiz.
Nói một cách đơn giản thì Thử yêu rồi biết phạm tất cả các “tội ác điện ảnh” mà nó có thể phạm phải: kịch bản ngớ ngẩn và loằng ngoằng, diễn viên không hề biết diễn, thể hiện rõ sự nghiệp dư đến tội nghiệp (khó có thể phân biệt được khi nào Trương Mỹ Nhân nhăn mặt, khi nào cười), lời thoại dài tràng giang đại hải còn hơn cả phim truyền hình dài tập…
Sự non tay, nghiệp dư khó tin của toàn bộ ê-kíp Thử yêu rồi biết biểu hiện rõ ràng ở từng khung hình, từng pha chuyển cảnh, từng lời thoại, thậm chí ở từng cử chỉ của nhân vật.
Tệ hơn nữa, thỉnh thoảng các nhân vật nói chuyện bình thường mà như hét vào mặt nhau không hiểu vì lý do gì. Những ai xem đủ 93 phút Thử yêu rồi biết chắc hẳn phải rất giỏi chịu đựng tiếng ồn. Cảm giác như bị tra tấn khi chịu đựng bộ phim của nhạc sĩ Nguyễn Hà là rất rõ.
Sẽ nhanh chóng bị lãng quên
Trước những bộ phim Việt dở, khán giả sẽ rất dễ có phản ứng cực đoan kiểu “ra rạp xem phim Việt Nam phí tiền”, “tẩy chay phim Việt Nam”, “cứ phim Việt thì né cho lành”, “chỉ xem phim Hollywood”… Trên thực tế, điện ảnh Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể kể từ Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn hồi năm 2007.
Thử yêu rồi biết xứng tầm thảm họa đầu tiên của điện ảnh Việt năm 2018. |
10 năm qua, điện ảnh Việt đã sản xuất được rất nhiều tác phẩm có chất lượng, xứng đáng được ca ngợi, thu hút khán giả như Để Mai tính, Scandal, Quả tim máu, Em là bà nội của anh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Em chưa 18…
Thời gian gần đây, điểm sáng của phim Việt có thể kể tên: Em chưa 18 phá kỷ lục doanh thu với 171 tỷ đồng, 798Mười cho thấy không cần phải là hài nhảm vẫn có thể thu hút khán giả đến rạp dịp Tết, hay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau hàng loạt bộ phim yếu kém đã vượt qua được chính mình, làm ra Tháng năm rực rỡ khá ấn tượng…
Những thảm họa kiểu Thử yêu rồi biết, Giấc mơ Mỹ hay Sói trắng là điều bình thường đối với bất kỳ nền điện ảnh nào. Chẳng thế mà hàng năm giải Mâm xôi vàng vẫn được tổ chức, trao giải cho những phim tệ hại nhất của Hollywood trong năm.
Bộ phim có thấy sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của ê-kíp thực hiện. |
Vì thế, những ai lỡ thử xem rồi bị tra tấn bởi Thử yêu rồi biết cũng hãy coi đó là một… tai nạn, không nên vì bị tổn thương mà giận lây cả điện ảnh Việt. Những bộ phim thảm họa như thế, coi thường khán giả như thế sẽ nhanh chóng bị lãng quên, bị ném vào thùng rác của trí nhớ khán giả.
Hãy cứ hi vọng rằng trong năm 2018 điện ảnh Việt Nam sẽ có những tác phẩm đủ xuất sắc để giúp khán giả quên đi cơn ác mộng mang tên Thử yêu rồi biết.