Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thừa cân, béo phì gây ung thư ở người trẻ

Bên cạnh yếu tố gia đình hay môi trường sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh ung thư ở người trẻ.

Trao đổi với Zing mới đây, thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, thông tin số lượng người mắc các bệnh lý ung thư ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Điều đáng buồn là tỷ lệ bệnh nhân ung thư trẻ cũng đang có xu hướng trẻ hóa.

Thực trạng này xảy đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có những lý do mới xuất hiện khi đời sống xã hội phát triển.

3 nhóm nguyên nhân gây bệnh ung thư

Theo BS Thịnh, nguyên nhân gây ung thư nói chung ở người trẻ được chia thành 3 nhóm chính.

Nguyên nhân đầu tiên là liên quan yếu tố gia đình. Vị chuyên gia nhấn mạnh yếu tố gia đình khác với di truyền. Trong khi di truyền là nếu bố bị ung thư, chắc chắn người con cũng sẽ mắc bệnh tương tự, yếu tố gia đình là khi các thành viên trong nhà đều mang trong cơ thể những vấn đề có khả năng dẫn tới ung thư và cần tầm soát để phát hiện.

“Những loại ung thư thường liên quan yếu tố gia đình là ung thư võng mạc, giảm polyp đại trực tràng, ung thư buồng trứng, ung thư vú…”, BS Thịnh nêu.

Nhóm nguyên nhân thứ 2 là các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Các tác nhân này thường bao gồm tia cực tím, yếu tố phơi nhiễm, chất phóng xạ, chất độc hại trong các loại thực phẩm, rượu bia, những trường hợp viêm gan B, viêm gan C, virus (điển hình là HPV trong ung thư cổ tử cung)...

“Về cơ bản, đây là những yếu tố ngoại lai tác động đến cơ thể và gây bệnh. Đây cũng là những nguyên nhân gây ung thư phổ biến nhất”, BS Thịnh khẳng định.

Đáng chú ý, nhóm nguyên nhân cuối cùng gây ung thư ở người trẻ trong thời gian gần đây được BS Thịnh đề cập tới là các vấn đề liên quan chuyển hóa như thừa cân, béo phì.

nguyen nhan gay ung thu anh 1

Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân gây ung thư ở người trẻ. Ảnh minh họa: sean_s.

Ông nói thêm: “Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh người béo phì liên quan một số bệnh lý về đại trực tràng khi tỷ lệ mắc ở nhóm này cao hơn”.

Tuy nhiên, nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Dẫu vậy, một số giả thuyết đã được đưa ra khi những người thừa cân, béo phì sẽ xuất hiện tình trạng tăng tiết axit mật, gây rối loạn đường tiêu hóa và dẫn đến ung thư.

Bên cạnh đó, ở những trường hợp này, chỉ số BMI (Body mass index - một chỉ số được xác định dựa theo cân nặng và chiều cao) tăng cao cũng được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư vú. Một số loại ung thư khác cũng xuất phát từ rối loạn chuyển hóa, nội tiết như ung thư dạ dày, ung thư nội mạc tử cung…

Liên quan vấn đề này, nhiều nghiên cứu đoàn hệ (cohort study - loại nghiên cứu trên một nhóm người có cùng đặc điểm trong thời gian dài) đưa ra bằng chứng vững chắc cho thấy lượng mỡ trong cơ thể cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư.

Các loại ung thư bệnh nhân béo phì có thể mắc bao gồm nội mạc tử cung, tuyến thực quản, tâm vị dạ dày, gan, thận, đa u tủy xương, u màng não tủy, tuyến tụy, ruột kết, túi mật, vú, buồng trứng và tuyến giáp.

Thói quen sống là yếu tố quyết định

Đứng trước thực tế đó, BS Thân Văn Thịnh nhấn mạnh những người trẻ hiện nay cần quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn bằng những hành động cụ thể. Tiêu biểu là việc duy trì tầm soát ung thư định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

Mặt khác, liên quan nguyên nhân gây ung thư từ yếu tố gia đình, vị chuyên gia nhấn mạnh người dân nên lưu tâm tới tiền sử bệnh lý của các thành viên trong nhà, từ đó có hành động kịp thời.

“Nếu trong gia đình có thành viên bị ung thư vú, ung thư buồng trứng hay ung thư đại trực tràng… những người còn lại cũng cần nhanh chóng đi khám và tầm soát ung thư, từ đó kiểm soát các yếu tố nguy cơ”, BS Thịnh nhấn mạnh.

nguyen nhan gay ung thu anh 2

Các món ăn nướng, chiên rán hay đồ muối có liên quan tới các bệnh lý ung thư về hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa: thomas_park.

Yếu tố quan trọng khác để phòng tránh ung thư đó là thay đổi thói quen sống. Cụ thể, mọi người, nhất là những trường hợp còn trẻ, nên hạn chế việc hút thuốc, uống rượu, bia… Đây là những nguyên nhân đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư.

Chúng ta cũng nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, giảm thiểu các tác động ngoại lai từ bức xạ, đồng thời lưu ý bảo hộ trong lao động, cố gắng giữ không khí trong lành tại nơi sinh sống.

“Giải pháp phòng ung thư hữu hiệu hiện nay vẫn là tiêm phòng đối với một số bệnh đã có vaccine như viêm gan B, ung thư cổ tử cung…”, BS Thịnh nói.

Liên quan nguy cơ ung thư do thừa cân, béo phì, vị chuyên gia cho rằng mọi người nên thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày, tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm ôi thiu, hạn chế món nướng, chiên rán, đồ muối…

“Những thực phẩm này còn đã được chứng minh có liên quan đến ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng hay ung thư vòm họng”, ông bổ sung.

BS Thịnh cũng khuyến cáo người dân nên chú trọng vào việc tập luyện thể dục, thể thao, đồng thời giảm cường độ kích thích từ các loại đồ uống có ga, nhiều cồn…

Đi khám do nhiệt miệng, người đàn ông được phát hiện ung thư lưỡi

Khi phát hiện ung thư, bệnh nhân đã ở giai đoạn 4 và được tiên lượng khá xấu.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm