Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Thưa mẹ con đi’- khi một 'cháu nội đích tôn' yêu đồng tính ở quê

Khi một trưởng nam, một cháu nội đích tôn yêu đồng tính và dẫn bạn trai về quê, sẽ phải đối diện với muôn chuyện bi hài.

Trailer bộ phim 'Thưa mẹ con đi' Bộ phim đồng tính do đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh thực hiện.

Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Trịnh Đình Lê Minh
Diễn viên chính: Lãnh Thanh, Võ Điền Gia Huy, Hồng Đào, NSƯT Lê Thiện, Hồng Ánh, Kiều Trinh, Lê Công Hoàng
Zing.vn đánh giá: 8/10

review phim Thua me con di anh 1
Thưa mẹ con đi là bộ phim lấy đề tài đồng tính và là tác phẩm điện ảnh dài đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.

Trong Thưa mẹ con đi, hai nhân vật chính là đôi đồng giới Văn (Lãnh Thanh) - Ian (Võ Điền Gia Huy). Cả hai đều đang sinh sống và làm việc tại nước Mỹ xa xôi.

Nhân dịp về nước để giải quyết việc nhà, Văn quyết định đưa Ian về giới thiệu với gia đình họ hàng. Tuy nhiên, cả hai gặp không ít khó khăn trong việc công khai mối quan hệ tình cảm bởi áp lực đến từ sự kỳ vọng của gia đình Văn là rất lớn.

Và khi còn chưa kịp công khai, cả hai nhận ra rằng căn nhà tại Việt Nam của Văn đang chứa đựng không ít điều éo le phía đằng sau bầu không khí tưởng chừng bình yên.

Câu chuyện đơn giản, kịch bản chỉn chu

Thưa mẹ con đi sở hữu câu chuyện kỳ thực rất đơn giản. Bộ phim nhanh chóng giới thiệu cho khán giả bộ đôi Văn - Ian, rồi hành trình về quê nhẹ nhàng, êm ả với sự chào đón từ gia đình. Sau đó, từng người trong gia đình Văn cũng như những câu chuyện bên lề dần được giới thiệu, bóc tách.

Trong suốt nửa đầu phim, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đem đến cho khán giả một câu chuyện gia đình nhẹ nhàng, đời thường và gần gũi. Bộ phim tập trung miêu tả nếp sinh hoạt của Văn và Ian khi ở nhà: cùng ôn lại kỷ niệm cũ với người thân, cùng thăm lại những nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ, rồi cùng ăn, cùng ngủ, cùng khám phá câu chuyện của nhau…

Loạt chi tiết miêu tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình Văn được xây dựng rất cẩn thận và chỉn chu. Từng sự kiện diễn ra đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng rất tự nhiên và hợp lý, giúp tạo ra cảm giác chân thực.

review phim Thua me con di anh 2
Thưa mẹ con đi diễn ra rất nhẹ nhàng, khúc chiết.

Yếu tố đồng tính trong phim được miêu tả nhẹ nhàng, hợp lý qua các chi tiết thể hiện tình cảm vừa phải, không bị lố lăng hay phản cảm. Khán giả vẫn cảm nhận rõ tình cảm và sự cuồng nhiệt trong mối quan hệ của hai nam chính mà không cần đến những chi tiết nhạy cảm thái quá mang nặng tính câu khách.

Nhiều chi tiết nhỏ thể hiện sự tinh tế của biên kịch và đạo diễn, như việc Văn nằm bên Ian mỗi tối nhưng phải đặt chuông báo thức dậy sớm hơn để tránh cả nhà biết mối quan hệ giữa hai người.

Hay như lúc mẹ Văn (Hồng Đào) nhận nhầm Ian với Văn trong lần đầu gặp mặt, rồi đến lượt bà nội Văn (NSƯT Lê Thiện) cũng… nhận nhầm cháu tưởng như tình cờ nhưng lại là dấu hiệu hé lộ diễn biến sau này của tác phẩm.

Mỗi lời thoại của nhân vật được chăm chút kỹ lưỡng, đơn giản, nhưng đủ ý tứ, tự nhiên và không thừa thãi. Điều này giúp từng nhân vật hiện lên rất thật, gần gũi, và rất đời thường. Mỗi khán giả đều có thể cảm nhận được phần nào đó hình ảnh cuộc sống thường nhật của bản thân trong phim.

review phim Thua me con di anh 3
Câu chuyện đồng tính trong phim diễn ra tự nhiên, không cần những tình tiết giật gân, câu khách.

Tất cả không hề khiến bộ phim trở nên nhạt nhòa hay kém hấp dẫn. Trái lại, Thưa mẹ con đi biết duy trì sự hấp dẫn với khán giả bằng các điểm nhấn thú vị cài cắm liên tục trong phim.

Bộ phim tận dụng rất tốt nét cá tính rất riêng của từng nhân vật, giúp tạo nên nhiều chi tiết tréo ngoe, lạ đời trong sinh hoạt và cách cư xử - đặc biệt từ nhân vật người bà nội bị lẫn và cô Út (Hồng Ánh) đã lớn tuổi nhưng vẫn độc thân.

Những chi tiết ấy vừa tạo nên tiếng cười hài hước duyên dáng, vừa giúp xây dựng tâm lý nhân vật và dẫn dắt câu chuyện đầy tài tình. Kết quả là tác phẩm rất dễ xem, dễ cảm với hầu hết đối tượng khán giả.

Xây dựng tinh tế nỗi niềm riêng của mỗi thành viên trong gia đình

Mâu thuẫn chính trong Thưa mẹ con đi là thử thách của Văn và Ian khi họ mong muốn công khai mối quan hệ đồng giới với người thân trong gia đình.

Bộ phim không bi kịch hóa tình yêu đồng tính trong xã hội đương thời, không cố gắng cường điệu các yếu tố xã hội bên ngoài dù vẫn còn sự kỳ thị, hiểu lầm. Thử thách của hai nhân vật chính vì thế chưa hẳn phát sinh do yếu tố bên ngoài, mà xuất phát ban đầu từ chính tư duy khi phải là chính bản thân của họ.

Văn là con trai độc đinh trong nhà, phải gánh vác nhiều trách nhiệm. Cậu ngần ngại không biết phải nói sao với gia đình về hoàn cảnh cá nhân, dù mọi người dường như không thể hiện sự kỳ thị nào cả. Đây là lối tư duy rất thường tình của những người Việt trẻ vốn được nuôi dạy trong môi trường gia đình truyền thống như Văn.

review phim Thua me con di anh 4
Từng nhân vật trong phim đều có những nỗi niềm riêng rất gần gũi với số đông khán giả.

Bên cạnh câu chuyện của Văn và Ian, bộ phim không quên miêu tả từng nhân vật khác trong gia đình, với những nỗi niềm riêng khó bày tỏ của mỗi người. Với mẹ Văn, bà là người phụ nữ “đời làm vợ thì ngắn, mà làm con dâu thì dài”, tảo tần nuôi con, chăm mẹ chồng biết bao nhiêu năm từ khi chồng mất sớm.

Là người đứng đầu gia đình, bà chỉ có mỗi đứa con trai là niềm tự hào, niềm hy vọng lớn nhất. Bà bao nhiêu năm đã tự quen một mình làm hết mọi việc, luôn nhận trách nhiệm về mình, luôn mang trên vai áp lực làm chủ gia đình, làm người mẹ hiền - con dâu đảm đầy nặng nề, không biết bao giờ mới có thể thanh thản nghỉ ngơi.

Với nhân vật cô Út, đó là nỗi niềm của một bà cô già không chồng không con, bao nhiêu năm chăm mẹ không ngày nào rời xa, cứ đến lúc ngủ là lại nằm hát ru mẹ ngủ. Cảm giác cô đơn, trống trải khi thiếu đi người đồng hành chia sẻ luôn thường trực bên trong nhân vật này.

review phim Thua me con di anh 5
Sự đa dạng về nhân vật giúp Thưa mẹ con đi như trở thành một bức tranh xã hội thu nhỏ.

Gia đình nhà cô Ba lại khá phức tạp, vừa có sự đáng thương, vừa có sự đáng trách. Người chồng an phận thủ thường, người vợ thì hám của, cậu con trai thiếu ý chí, chỉ biết rượu chè quanh năm. Những con người hỗn tạp ấy hiện lên rất chân thực, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong xã hội đương thời.

Mỗi thành viên trong gia đình nhà Văn là một mảnh ghép khác biệt, giúp tạo nên bức tranh nhiều màu sắc về xã hội thu nhỏ trong phim. Đây là điểm đáng khen ngợi của Thưa mẹ con đi khi bộ phim khắc họa tâm lý nhân vật gần gũi và hợp lý với hiện thực xã hội cụ thể, không cố lý tưởng hóa nhân vật một cách thái quá.

Diễn xuất chắc tay, kỹ thuật sản xuất chất lượng

Thưa mẹ con đi sở hữu dàn diễn viên thực lực với kỹ năng diễn xuất chắc tay của điện ảnh Việt Nam. Từ lớp diễn viên kỳ cựu như NSƯT Lê Thiện, đến Hồng Đào, Hồng Ánh, Kiều Trinh, rồi lớp diễn viên trẻ như Thanh Tú đều đã có kinh nghiệm diễn xuất đa dạng. Họ thể hiện trọn vẹn các nhân vật mà mình hóa thân một cách đầy thoải mái.

Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy là hai phát hiện mới đáng giá của bộ phim. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh với vai diễn nặng ký thuộc loại khó, hai nam diễn viên trẻ đã thể hiện tương đối tròn trịa nhân vật của mình, với ngoại hình và nét diễn phù hợp với hình tượng nhân vật.

Dù đôi lúc vẫn còn chưa tự nhiên, nét diễn còn cứng trong những đoạn tự sự, cả hai nhìn chung vẫn thành công trong việc thể hiện tương tác tình cảm giữa các nhân vật.

review phim Thua me con di anh 6
Các yếu tố kỹ thuật trong phim đều tương đối tốt so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt.

Kỹ thuật sản xuất của bộ phim thuộc hàng tốt so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt. Phần hình ảnh tươi sáng, mượt mà, dù bối cảnh phim còn hạn chế, chưa thực sự phong phú. Âm nhạc trong phim do nhạc sĩ Tôn Thất An biên soạn rất đa dạng, hợp lý, giúp nâng cạo hiệu quả cho mỗi trường đoạn cụ thể.

Bên cạnh nhiều điểm sáng, Thưa mẹ con đi vẫn còn tồn tại một vài điểm trừ đáng tiếc. Xung đột chính của bộ phim nổ ra và được giải quyết có phần bất ngờ và vội vàng, chưa được đầu tư đúng mức. Trong khi đó, mâu thuẫn ban đầu - bí mật của hai chàng trai - rốt cuộc lại được giải quyết đơn giản, khiến cho kết phim có phần lửng lơ.

Các nhân vật phản diện trong xung đột chính cuối phim bị ép phải đóng vai ác một cách thái quá. Từ đầu tới cuối, họ chưa được xây dựng đầy đủ cá tính, hoàn cảnh để có thể đi tới hành động khúc cuối.

Hấp dẫn, chỉn chu và tinh tế, Thưa mẹ con đi là bộ phim đáng chú ý của điện ảnh Việt trong năm nay. Tác phẩm đã thoát ra khỏi cách tiếp cận đề tài đồng tính thông thường, với một câu chuyện gia đình nhẹ nhàng, chân thực nhưng không kém phần sâu sắc và đáng suy ngẫm.

Hy vọng rằng đây là bước đệm vững chắc cho đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và các diễn viên trong phim, để họ có thể tiếp tục mang tới những thành phẩm đặc sắc cho điện ảnh nước nhà trong tương lai gần.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Hồng Đào vui vẻ hội ngộ đồng nghiệp sau khi ly hôn Quang Minh

Tối 14/8, nữ diễn viên hài cùng nhiều nghệ sĩ tham dự buổi công chiếu phim "Thưa mẹ con đi".






Hạ Tuyết

Ảnh: CGV

Bạn có thể quan tâm