Zing trích dịch bài đăng trên AFP, kể về nỗi sợ hãi và thống khổ của nhân viên y tế Pháp trên tuyến đầu chống dịch. Trong bối cảnh thiếu giường bệnh và đồ bảo hộ, họ vừa phải chứng kiến cái chết, sự đau đớn của bệnh nhân, vừa lo sợ chính mình nhiễm virus rồi lây cho gia đình.
20h mỗi tối, hàng triệu người trên khắp nước Pháp lại ra ban công khua nồi niêu, đánh trống, thổi kèn, huýt sáo và vỗ tay lớn nhất có thể. Tất cả nhằm khích lệ tinh thần nhân viên y tế đang căng mình chống dịch ở tuyến đầu.
Tuy nhiên, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày như thử thách sức chịu đựng của những “anh hùng áo trắng”.
“Thức dậy sáng nay, tôi đã khóc. Tôi khóc lúc ăn sáng. Rồi lại khóc khi chuẩn bị sẵn sàng”, y tá Elise Cordier tiết lộ nỗi sợ hãi và thống khổ của những người ở tuyến đầu chống dịch trong một bài đăng trên Facebook.
Nhưng sau đó, cô nói: “Ở phòng thay đồ bệnh viện, tôi đã lau khô nước mắt. Tôi hít thật sâu và thở mạnh ra. Những người nằm trên giường bệnh đang khóc. Và tôi ở đó để lau khô những giọt nước mắt đó”.
Dịch bệnh lên tới đỉnh điểm ở Pháp, các nhân viên y tế đang gồng mình trong cuộc chiến mà họ chưa từng nghĩ sẽ phải đối mặt.
Hàng trăm ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày ở Pháp như thử thách sức chịu đựng của các “anh hùng áo trắng”. |
Sợ khi phải nói: “Xin lỗi, chúng tôi không còn giường”
Giáo sư Elie Azoulay - người đứng đầu bộ phận chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Paris - cho biết: “Các đội của chúng tôi e ngại sự mơ hồ đang chờ đợi mình trong tuần này và cả tháng 4”.
Bệnh viện này vừa tăng gấp 3 công suất với 50 giường mới. Tuy nhiên, tất cả đã đầy.
“Họ lo sợ cho chính mình và những người thân yêu. Sợ không vượt qua nổi”, ông Azoulay nói và cũng biết rằng nhiều đồng nghiệp trên khắp nước Pháp đã mất mạng.
Vị giáo sư nói thêm: “Tuy nhiên, họ rất kiên cường, nghiêm túc và truyền cảm hứng cho sự tôn trọng. Các y tá đã khiến tôi ngạc nhiên”.
Các nhân viên y tế phải đối mặt với cái chết và sự đau đớn của bệnh nhân khi phải thở nặng nhọc vì virus corona khiến lá phổi suy yếu. Đồng thời, họ còn sợ rằng chính mình sẽ nhiễm Covid-19 và lây cho gia đình.
“Họ coi đó là một con sóng, có nghĩa chúng ta có thể bị nhấn chìm”, ông David Davido - giám đốc bộ phận xử lý khủng hoảng tại Bệnh viện Raymond-Poincare, cho biết.
“Sợ hãi là khi phải nói với người bệnh trên cáng: ‘Xin lỗi, chúng tôi không còn giường nữa’”, ông nói thêm.
Một bác sĩ nghỉ ngơi tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Louis Pasteur ở Colmar, miền đông nước Pháp hôm 26/3, ngày thứ 10 phong tỏa nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. |
Davido nói một lo lắng lớn hơn với nhân viên y tế là sự thiếu hụt khẩu trang và đồ bảo hộ trong các bệnh viện Pháp.
Sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm sau cái chết của bác sĩ đầu tiên 10 ngày trước. Người này trở về từ kỳ nghỉ tại quê hương Madagascar để chiến đấu ở tâm dịch trước khi qua đời.
“Nếu bị bệnh, mẹ đừng về nhà”
Các chuyên gia tâm lý ở bệnh viện, vốn trị liệu cho người bệnh, giờ chuyển sang tư vấn và hỗ trợ cho chính đồng nghiệp của mình.
Tại thành phố Clermont-Ferrand ở trung tâm nước Pháp, bác sĩ tâm thần Julie Geneste nói rằng ngoài nỗi sợ hãi về việc không thể đối phó với dịch bệnh, hầu hết cuộc gọi bà nhận được từ nhân viên y tế đều liên quan tới sự lo lắng khi bản thân có thể lây nhiễm cho người thân, bạn bè.
“Ở thế hệ chúng tôi, tình hình chưa từng ở mức độ thế này”, bà nói thêm.
“Chúng tôi chưa chuẩn bị cho tình huống này”, bác sĩ trẻ Etienne - người bị chấn động khi chứng kiến một bệnh nhân không qua khỏi dù được chăm sóc tích cực - bày tỏ.
Cô nói thêm: “Chúng tôi đang ở trong tình trạng đau đớn. Một số đồng nghiệp của tôi bị sốc. Mọi người đều phát ốm vì lo lắng cho gia đình”.
Dòng chữ “merci” (cảm ơn) được thắp sáng trên tháp Eiffel nhằm cổ vũ cho nhân viên y tế Pháp đang tham gia chống dịch. |
Nhà tâm lý học Nicolas Dupuis - công tác ở bộ phận tư vấn và hỗ trợ nhân viên y tế - cho hay ông nhận được hơn 200 cuộc điện thoại mỗi ngày gần đây.
Ông nhận định y bác sĩ thường đứng trước lựa chọn khó khăn giữa việc đảm bảo an toàn cho người thân hay chữa trị cho bệnh nhân.
Theo lời Dupuis, một y tá bị chồng bắt thay quần áo ngay khi từ bệnh viện trở về nhà và cằn nhằn suốt cuối tuần khi cô chạm tay lên mặt, dù lúc đó bàn tay cô hoàn toàn sạch sẽ.
Nhưng thông thường, nỗi sợ hãi, xa lánh của con cái khiến họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một y tá nói với Dupuis: “Con gái 7 tuổi nói với tôi rằng: ‘Mẹ ơi, nếu bị bệnh, mẹ đừng về nhà’”.