Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thực hiện ước mơ' lan tỏa tình yêu thương

Trong cuộc sống, ai cũng có những ước mơ của riêng mình. Ước mơ định hướng cho hành động của cá nhân có mục đích và quyết tâm hơn.

Học sinh trung học phổ thông, đặc biệt là các em cuối cấp là những con chim én nhỏ đang chuẩn bị hành trang bước ra khỏi ngôi trường phổ thông để tìm đến cho mình nhiều chân trời khác nhau. Cuộc thi Thực hiện ước mơ do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (SAC) và Viện đào tạo quốc tế - Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp thực hiện là nơi để bạn thỏa lòng suy ngẫm, chia sẻ những ước mơ và sự nỗ lực không mệt mỏi ở hiện tại để thực hiện hóa những dự định, ấp ủ của mình.

Đằng sau mỗi ước mơ là một câu chuyện

Một bác sĩ nhi khoa trong tương lai? Một giáo viên dạy Anh văn? Hay là một nữ phi công đầu tiên của Việt Nam?... Còn biết bao dự định khác của các em trên mỗi trang giấy. Tuy nhiên, điểm chung của những sự ấp ủ hoài bão ấy là xuất phát từ câu chuyện thực tế của bản thân.

Bạn Huỳnh Thị Hồng Nhung (lớp 12 Sinh trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) chia sẻ: “Hai năm trước, vào một buổi tối, em trai tôi chưa đầy một tuổi sốt rất cao, dùng thuốc hạ nhiệt nhưng vẫn không khỏi. Lúc đó, tôi nhớ lại một câu chuyện trên tivi có một bé kia sốt cao như vậy nhưng không đưa đến bệnh viện kịp nên đã qua đời. Tôi rất sợ và cầu nguyện trong khi ba mẹ đưa em vào bệnh viện giữa đêm khuya”. Và từ đó, ước mơ trở thành bác sĩ khoa nhi giỏi len lỏi trong tâm trí em từ năm lớp 7 đến tận bây giờ.

Hoàn cảnh gia đình có chị gái bị khiếm thính đã nuôi dưỡng, nung nấu ước mơ trở thành giáo viên ngành giáo dục đặc biệt của em Đường Hồng Nguyên (lớp 12A2 trường THPT Lý Thường Kiệt, TP.Hồ Chí Minh). “Hằng ngày, tôi vẫn trò chuyện với chị bằng ngôn ngữ người khuyết tật. Nhìn chị, tôi thương lắm. Chẳng hiểu vì sao tôi luôn có cảm giác giữa tôi và chị như có một sợi dây vô hình gắn kết với nhau. Dường như trong tâm hồn chị luôn có điều gì đó muốn nói, một tâm hồn nhạy cảm và mong manh. Phải chăng chị là người truyền cho tôi đam mê với nghề này. Tôi ấp ủ ước mơ từ khi lên tám, mười năm rồi tôi vẫn đam mê nó”, Hồng Nguyên bộc bạch. Những lần giao tiếp với chị, những khi đón chị đi học về nhìn những đứa trẻ không may mắn khác gặp hoàn cảnh giống như chị, ước mơ của em lại cháy sáng. Và dù biết rằng nghề giáo viên ngành giáo dục đặc biệt gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mỗi lần bắt gặp những đôi mắt hồn nhiên, nụ cười đầy nhiệt huyết của người khuyết tật, em tin rằng sự lựa chọn của mình là chính xác.

Không chỉ những công việc chăm sóc sức khỏe cho người khác hay là giáo viên gắn kết sợi dây kiến thức cho những con người khuyết tật trong cuộc sống, bạn Huỳnh Thị Phương Ngư lại có một đam mê: trở thành chuyên viên tư vấn tâm lý. Xuất phát từ bản thân có những lúc lâm vào những vấn đề nan giản không thể tự mình giải quyết. Không những vậy, có nhiều người em tiếp xúc cũng những hoàn cảnh tương tự, luôn bế tắc và trầm cảm. Em tâm sự: “Khi ấy, ai ai cũng cần có một người lắng nghe, một lời khuyên, một ánh mắt đồng cảm. Hiểu được điều đó em mơ ước sẽ trở thành người có thể lắng nghe mọi người, trải nghiệm cảm xúc của bản thân”. Cũng từ đó, ước mơ của em bắt đầu nhen nhóm.

Sự nỗ lực thầm lặng

Mỗi bài dự thi là một bức tranh khắc họa con người với mục đích sống rõ ràng của các em. Những kế hoạch, từng mục tiêu phấn đấu để trở thành con người mình mong muốn trong tương lai được các em thực hiện hằng ngày. Em Nguyễn Viết Dũng (11 chuyên Anh 1 trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) ước mơ trở thành một nhà ngoại giao. Em viết:  “Để thực hiện ước mơ ấp ủ bao lâu nay, tôi đã nỗ lực học tập, tham gia các phong trào công tác xã hội, từ thiện, giúp đỡ các em nhỏ bất hạnh, những cụ già neo đơn. Để qua đó, tôi rèn giũa kỹ năng giao tiếp và ứng xử. Trong học tập, tôi xác định phải học đều tất cả các môn để hoàn thiện nhân cách và nền tảng kiến thức vững vàng”.

Không những quyết tâm học tập tốt để thi đậu vào trường đại học mình mong muốn, nhiều bạn đã trải nghiệm công việc tương lai ngay từ ghế nhà trường. Bạn Nguyễn Cao Dân (lớp 11 chuyên Anh trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) ước mơ làm kỹ sư nông nghiệp chia sẻ: “Dù không có nhiều thời gian rảnh nhưng tôi vẫn dành cho mình một khoảng thời gian gần gũi với thiên nhiên, thả hồn mình trong không khí của tự nhiên, của muôn loài. Và tôi cũng cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ chính những người nông dân chân lấm tay bùn. Chính sự gắn bó này làm tôi yêu hơn nghề nghiệp mình đã chọn”.

Những lời chia sẻ, tâm sự rất đỗi thân tình về mơ ước nhưng thấm đẫm yêu thương với cộng đồng, xã hội. Rồi mai này, các em sẽ trưởng thành, với niềm tin nung nấu và ý chí sắt thép, các ước mơ bình dị và chan chứa nhiệt huyết này chắc chắn sẽ bay cao, bay xa.

Vòng sơ loại cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần 2, năm học 2013-2014 đã tổ chức tại 50 trường THPT ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với hơn 50.000 bài dự thi. Ban giám khảo đã chọn 56 bài dự thi tốt nhất tham gia vòng thi bán kết.

Tại vòng bán kết, thí sinh sẽ được tập huấn các kỹ năng hoạch định tương lai, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng hùng biện thuyết phục. Sau đó, thí sinh thực hiện bài thi hùng biện về ước mơ nghề nghiệp của mình trước ban giám khảo trong thời lượng tối đa là 5 phút. Theo đó, 25 thí sinh có phần trình bày tốt nhất sẽ được ghi hình quá trình dự thi và được tổ chức bình chọn thông qua website và fanpage Facebook của cuộc thi. 5 thí sinh có kết quả cao nhất sẽ được vào vòng chung kết. Bạn đọc truy cập website www.thuchienuocmo.vn để biết thêm chi tiết về cuộc thi.

Tư liệu: Thực hiện ước mơ

CLB Truyền thông SAC

Bạn có thể quan tâm