Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư 'bài thuốc tắm trắng da của người Dao Tiền'

Mất tiền triệu khi mua thuốc nam qua bưu điện nhưng nhiều người nhận được một gói thuốc toàn vỏ cây giống như bạch đàn, cây keo, củ sắn…, khi đun nước tắm thì mẩn ngứa toàn thân.

Thời gian vừa qua, nhiều người tố bị bà lang Tả Củ Thao (55 tuổi, trú tại xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn, tỉnh Hòa Bình) lừa tới cả triệu bạc khi gửi tiền mua thuốc nam qua bưu điện. Rốt cuộc họ chỉ nhận được một gói thuốc toàn vỏ cây giống như bạch đàn, cây keo, củ sắn… khi đun nước tắm thì mẩn ngứa toàn thân.

Gói thuốc toàn vỏ cây.

Đột nhập nhà thuốc lang băm

Trên đường từ Bãi Chạo đi dốc Cun có một tấm biển quảng cáo mang tên “Bà Thao bắt mạch, kê đơn bốc thuốc nam” nằm ngay trên trục đường chính. Vào vai người bệnh, chúng tôi được diện kiến “bà mế” người Dao Tiền... Từ trong nhà bước ra là một người phụ nữ bụng to, mặt phì giống như người có triệu chứng bệnh gan, hai chân bị tàn tật nên bước đi khá nặng nhọc, miệng liên tục kêu mệt, ốm… Theo quan sát của chúng tôi, trên cổ bà đeo hai chuỗi hạt ngọc trai, ngón tay nào cũng đeo nhẫn vàng nặng trĩu. Các bao thuốc đủ loại to nhỏ chất đống trên hiên, quanh nhà là những vỏ, thân cây đã được băm nhỏ, cắt mỏng, có những miếng bằng bàn tay.

Đã vào tầm trưa, nhưng trong nhà bà Thao vẫn có tới 4-5 người làm, mà theo lời bà “đều là con cháu trong nhà”. Trong khi đó, bà đã vừa cho về nghỉ ngơi cũng bằng ấy nhân lực được thuê chế biến “thuốc nam”. Đang trò chuyện, bà Thao có điện thoại của một người đã từng mua thuốc của bà về dùng. Vẳng nghe tiếng hỏi: “Cháu uống thuốc mà đi ngoài liên tục thì có sao không bà?”. “Không sao đâu cứ uống tiếp đi, có đi ngoài thì chất độc nó mới đi theo…”, bà nói rồi tắt máy.

Thêm vào câu chuyện, chúng tôi có hỏi về trường hợp một chị người nhà lấy thuốc của bà về dùng liệu có phản ứng phụ gì không? Bà trả lời luôn là thuốc nam lành tính, chẳng ai nói là có phản ứng phụ. Khi chúng tôi nói thêm là chị ấy dùng xong bị mẩn ngứa toàn thân thì bà Thao ớ người ra một chút rồi nói: “Ừ cũng có người bị, nhưng chả sao…”.

Bà lang Tả Củ Thao.

Qua câu chuyện, được biết cơ sở thuốc nam của bà Thao làm ăn rất phát đạt, thứ 7, chủ nhật người từ các nơi đổ về rất đông, đa phần là chị em phụ nữ đến lấy thuốc tắm trắng. Ngày nhiều có thể lên tới 5-7 chục người, chưa kể số người ở các tỉnh đặt mua thuốc qua đường bưu điện. Mỗi người đến lấy thuốc trung bình từ 500.000 - 1.000.000 đồng, vì vậy ngày cao điểm bà Thao có thể thu tới vài chục triệu đồng.

Tiếp xúc với người dân địa phương, mọi người đều tỏ ra bất bình trước cách làm việc của bà Thao. “Toàn người đâu đến lấy thuốc, chứ người dân chúng tôi chẳng ai tin bà ấy. Cũng có người tinh ý khi chứng kiến bà ấy có thể bắt mạch được cả “thần kinh máu” nên họ không tin, bỏ ra về. Còn hầu hết người nào đến cũng lấy thuốc. Xã Tú Sơn chủ yếu là người dân tộc Dao Tiền sinh sống, nhiều người cũng biết cây thuốc nhưng chủ yếu  để giúp bà con, anh em trong nhà những bệnh đơn giản như sài đẹn ở trẻ, cảm cúm… Chính vì thế, nhiều người khẳng định đội quân của bà Thao đi lấy cây gì, ở đâu họ đều biết. Nhiều loại cây không những không có tác dụng chữa bệnh mà có khi còn gây dị ứng. Tất nhiên, không có cây nào gây chết người”, bà Nguyễn Thị L. (50 tuổi, một người dân địa phương) bức xúc nói.

Khi tìm hiểu về bà lang băm này, chúng tôi được biết bà Thao không phải là người gốc ở địa phương. Do bà không có chồng nên về đây ở cùng với em trai khoảng chục năm nay. Chính bản thân bà cũng bị bệnh, chẳng mấy khi ra ngoài, mọi việc lấy thuốc, chế biến bà đều thuê người làm. Trước đó, chẳng ai biết bà Thao là người bốc thuốc nam, chỉ tới khi thông tin về bài viết “Bất ngờ “thần dược” làm trắng da của sơn nữ Dao Tiền” đăng trên mạng thì bà Thao mới ăn nên, làm ra như vậy. Chính nhân vật Lý Thị Lan trong bài cũng tố rằng không hề lấy thuốc từ bà Thao và trước đó mặt cũng chẳng có mụn gì cả. Vì mang danh là khuôn mặt “quỷ ám” nên Lan gặp phải khó khăn trong việc chọn bạn đời.

Biên lai nhận tiền mua thuốc của khách hàng.

Rượu ngâm thuốc tây…

Trong thời gian chúng tôi ở đây, có người chở tới 4-5 can rượu trắng, loại can 20 lít rồi đưa ra phía sau nhà. Qua tìm hiểu và cùng với thông tin từ người dân cung cấp, chúng tôi phát hiện một sự thật kinh hoàng. Thời gian gần đây, bà Thao có bán một loại “rượu ngâm thuốc” chuyên chữa bệnh xương khớp, đau lưng. Từ khi xuất hiện loại rượu này, rất đông người đến lấy bởi hiệu quả tức thì.

Trên thực tế, loại rượu này chẳng hề được ngâm thuốc hay bất kì dược liệu nào mà chúng được pha với một loại lá cây mà người dân tộc vùng cao thường đun lấy nước uống có màu vàng nhạt, sau đó cho thêm thuốc tân dược. Có người sau khi kể lể bệnh tình được bà cho uống một cốc nước, chỉ khoảng 20 phút sau, cơn đau lập tức biến mất, người thấy khoan khoái mà không hề biết rằng mình vừa uống thuốc giảm đau.

Để tố việc làm ăn gian dối này của bà Thao, nhiều người dân địa phương khẳng định đã nhìn thấy người làm của bà Thao ra chợ mua rất nhiều thuốc tân dược. Lúc đầu, họ không hiểu những người đó mua thuốc tây về làm gì, nhưng sau thấy bà Thao có loại rượu thuốc ngâm chữa bệnh xương khớp, đau lưng “thần dược” thì mới đoán ra. Mới đây nhất là trường hợp của ông Vấn, Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã Kim Bình (Kim Bôi) đến lấy thuốc đau lưng cho vợ. Chỉ được thời gian đầu thấy biến chuyển nhưng sau bệnh đâu lại vào đó. Dưới đáy chai thuốc thấy xuất hiện một lớp bột trắng lắng lại, hỏi thì bà Thao bảo mỗi lần uống phải lắc lên, không lắc thì thuốc không có tác dụng… Đến khi được mọi người cho biết đó là nước lá pha thuốc tây, ông Vấn mới té ngửa người.

Chai rượu được pha thuốc Tây.

Trước việc làm ăn gian dối của bà Thao, nhiều người góp ý với bà rằng, làm như vậy không sợ quả báo à, bà ta vô tư trả lời: “Tao có một mình thì tao không sợ gì”. Nếu là một người làm thuốc nam chân chính, chỉ lấy công làm lãi, chủ yếu sống bằng cái tâm giúp đời, giúp người, lấy việc người bệnh khỏi bệnh là niềm hạnh phúc của mình, thì việc bà Thao chỉ sau một thời gian ngắn đã có khối tài sản lên đến hàng tỉ đồng là việc làm cần xem xét.

Chính chị Dương Thị N (45 tuổi, trú tại khu phố Hiệp Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã gửi bằng chứng cho chúng tôi tố việc làm ăn mờ ám của bà Thao. “Lúc đầu, bà ấy nói chỉ hơn trăm nghìn một cân và bắt phải lấy khoảng 1 triệu đồng thì bà ấy mới gửi thuốc. Tôi đồng ý chuyển tiền. Nhận thuốc, tôi chỉ thấy có khoảng trên một cân thuốc. Gọi điện thì bà ấy bảo đấy là tiền cước, tiền xe ôm... nhưng cũng không thể mất đến 1 triệu đồng như vậy được. Thấy có nhiều loại cây lạ, tôi không dám dùng mà cô em gái tiếc rẻ mang về tắm. Đến lần thứ 2, người cô ấy mẩn ngứa toàn thân nên tôi bắt dừng lại và gọi điện cho bà ấy, song bà ấy không nghe máy”, chị Nhung cho biết.

Chúng tôi đã có cuộc làm việc với chính quyền địa phương. Ông Bạch Công Diển, Phó chủ tịch phụ trách văn xã Tú Sơn cho biết: “Chúng tôi cũng nghe nhiều người nói về việc bà Thao dùng thuốc tây cho vào rượu để bán. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được đơn thư nào nên rất khó xử lý. Và chính quyền địa phương cũng không đủ thẩm quyền giải quyết vấn đề này. Chúng tôi chỉ có thể khẳng định, bà Thao không được cấp phép hoạt động bốc thuốc chữa bệnh và cũng không phải là hội viên của hội đông y địa phương. Việc bà Thao cắm bảng là hoàn toàn sai khi chưa được phép của chính quyền địa phương”.

Trao đổi vấn đề này với Lương y Đỗ Chí Quyết, Hội Đông y tỉnh Hòa Bình, ông Quyết cho biết: “Việc dùng thuốc tân dược ngâm với rượu là một việc làm hết sức nguy hiểm. Về mặt dược lý, rượu như một chất có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương. Do đó, rượu có thể sẽ tương tác với một số loại thuốc, làm tăng hoặc giảm tác dụng, hiệu lực của thuốc hoặc chuyển hóa thuốc thành chất độc hại, lâu ngày sẽ phá hỏng nội tạng người bệnh”.

http://laodong.com.vn/suc-khoe/thuc-hu-bai-thuoc-tam-trang-da-cua-nguoi-dao-tien-tung-gay-xon-xao-du-luan-274850.bld

Theo Hà Nam/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm