Câu chuyện "chưa đến chợ đã hết tiền", suy giảm sinh lực gây phiền toái cho không ít quý ông. Vì vậy, “cách tăng cường bản lĩnh”, “bổ thận, tráng dương” là những cụm từ được nhiều người tìm kiếm trên mạng.
Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều loại dược liệu, thực phẩm chức năng giúp cải thiện khả năng "yêu" của quý ông đang được giao bán tràn lan. Một trong số các bài thuốc thường được nhiều người lựa chọn đó là cây mật nhân và các chế phẩm từ loại dược liệu này.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Huyền Nga, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội, cho biết việc người dân mua thuốc qua những lời đồn, quảng cáo không theo chỉ dẫn của bác sĩ là rất nguy hiểm.
Vị chuyên gia này thông tin cây mật nhân hay còn gọi là cây bá bệnh (bách bệnh). Loại cây này có vị đắng, tính mát, có tác dụng bổ dưỡng cho người bị khí huyết hư, gân xương đau nhức, tê chân tay, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hay kiết lỵ đều dùng được), phòng ngừa tứ thời cảm mạo.
Ngoài ra, mật nhân còn chữa được chứng thống kinh (phụ nữ bị đau bụng lúc hành kinh), chứng ách nghịch ở ngực (đau tức ngực do khí ứ không thông). Bộ phận thường dùng là rễ hay vỏ thân cây, còn lá thường chỉ được dùng nấu nước tắm trị ghẻ chốc.
Theo bác sĩ Nga, nhiều người lựa chọn một số thực phẩm chức năng đã được chiết xuất thành phẩm từ cây mật nhân cần lưu ý khi sử dụng. Bởi các thực phẩm chức năng không còn là thảo dược nguyên bản mà là một sản phẩm của công nghiệp, tức kèm theo các tá dược khác.
Bộ Y tế từng thu hồi một số sản phẩm được chiết xuất từ cây mật nhân trên toàn quốc do có kèm theo tá dược gây nguy hiểm cho người sử dụng. Điều này được thể hiện rất rõ qua Quyết định 4626/BYT-VBPL.
Rễ cây mật nhân. Ảnh: Sức khỏe đời sống. |
Bác sĩ Nga cũng khẳng định về thông tin cây mật nhân chữa được bệnh ung thư là hoàn toàn bịa đặt. Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa công bố bất kỳ công trình khoa học nào về vấn đề này.
Chuyên gia cũng khuyến cáo thêm do việc khai thác, buôn bán tràn lan như hiện nay, cây mật nhân đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Loại cây này bị khai thác quá nhiều và nguy cơ không kịp tái tạo là điều khó tránh khỏi. Khi đó, việc các nhà sản xuất pha trộn thêm nhiều tạp chất hoàn toàn có thể xảy ra.
Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định việc dùng thuốc phải có chỉ định rõ ràng của bác sĩ.
"Các loại thuốc, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng khi cơ thể thiếu. Nếu cố tình đưa thêm các chất khi cơ thể đã đủ, chúng sẽ phản tác dụng. Thận, gan phải làm việc nhiều hơn để đào thải chúng. Do đó, bất cứ loại thuốc nào, dù là thuốc bổ cũng phải có chỉ định của bác sĩ", tiến sĩ Dũng phân tích.
Các chuyên gia cho rằng cây mật nhân tuy là vị thuốc quý, nhưng người dân nên cẩn trọng khi sử dụng. Mọi vị thuốc chỉ có tác dụng khi dùng đúng, dùng đủ, chỉ tốt với người cần. Nếu dùng quá liều lượng, chắc chắn, thuốc bổ cũng sẽ gây nên những tác dụng phụ không mong muốn.