Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư đơn xin ở lại lớp gửi Bộ trưởng GD&ĐT

Người được cho là viết đơn xin ở lại lớp gửi Bộ trưởng GD&ĐT để con gái xuống lớp 1 thừa nhận anh không biết chữ nên không thể làm được việc này.

Ngày 29/10, ông Lê Văn Cầu, Hiệu trưởng trường Tiểu học B thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết đang phối hợp chính quyền địa phương xác minh thông tin phụ huynh của trường này có đơn xin cho con gái được xuống học lớp 1 do chưa biết đọc, viết.

Trước đó, ngày 28/10, mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin anh Lê Hoài Hận (34 tuổi, ngụ ấp Hòa Tây A, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) làm đơn xin ở lại lớp gửi Bộ trưởng GD&ĐT cùng Ban giám hiệu trường Tiểu học B thị trấn Phú Hòa, xin cho con gái của mình là L.T.N.Q (học lớp 2B) được xuống lớp 1 học lại.

Don xin o lai lop anh 1
Hiệu trưởng trường tiểu học này khẳng định không có chuyện đã đồng ý cho bé N.Q. xuống học lớp 1 như thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: Người Lao Động.

Lý do được nêu trong đơn là sau một năm học, đến nay, con gái của anh Hận chỉ biết đọc được vài chữ cái và không thể ráp vần, thậm chí không biết đọc, viết.

Cùng đó, người ký đơn cũng dùng lời lẽ hết sức cay cú như: "Do càng học càng ngu mà nhà trường ép buộc phải lên lớp 2 nên cháu muốn xin ở lại lớp 1 đến khi nào biết chữ sẽ tự nguyện lên lớp 2. Rất mong ban giám hiệu cho phép cháu ngồi lại lớp cho đúng năng lực trình độ".

Ngay sau khi xuất hiện thông tin gây sốc này trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bức xúc vì cho rằng đây là căn bệnh thành tích đã tồn tại bấy lâu nay của ngành giáo dục nên học sinh có học lực kém đến đâu cũng đều được đẩy lên lớp trên.

Tối cùng ngày, trang cá nhân này tiếp tục đăng thông tin, cho rằng vừa nhận được tin vui vì hiệu trưởng của trường Tiểu học B thị trấn Phú Hòa đã đồng ý cho bé N.Q. được xuống học lớp 1 theo yêu cầu của phụ huynh. Nhiều người cho rằng có lẽ do chính Bộ trưởng GD&ĐT đã chỉ đạo vào An Giang, nên mới có kết quả nhanh như thế.

Về vấn đề này, ông Cầu cho biết bé N.Q. có học lực trung bình, thua kém một số bạn học cùng lớp nhưng không tệ đến không biết đọc, viết như thông tin trên mạng xã hội. Ngay từ đầu năm học này, anh Hận có ý muốn xin cho con gái của mình được học lớp 2A. Tuy nhiên, do số lượng học sinh của lớp khá đông, nhà trường không thể giải quyết theo yêu cầu của phụ huynh.

Don xin o lai lop anh 2
Anh Hận khẳng định lá đơn này là do ai đó tự bịa ra để đăng lên Facebook nhưng không rõ mục đích để làm gì. Ảnh: Người Lao Động.

Hơn nữa, vị phụ huynh này còn yêu cầu giáo viên dạy lớp phải hết sức dễ dãi cho bé N.Q. trong giờ học nên cũng khó có thể chấp nhận được. Cách nay vài ngày, bé N.Q. được cô giáo chủ nhiệm yêu cầu đứng lên trả bài nhưng em không thuộc, sau đó bỏ trốn vào nhà vệ sinh của trường.

"Đến nay, nhà trường chưa nhận được đơn xin cho con xuống lớp 1 từ anh Hận. Việc ai đó cho rằng tôi đã đồng ý cho bé N.Q. được xuống học lớp 1 ngay trong đêm qua là sai sự thật. Bởi lẽ, với sức học của N.Q., nhà trường hoàn toàn có phương pháp kèm cặp để giúp cho em tiến bộ hơn", ông Cần khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Người Lao Động, anh Hận cho biết anh cũng hết sức bất ngờ về lá đơn xuất hiện trên mạng xã hội. Bản thân anh không biết chữ thì không thể viết được đơn xin cho con xuống học lớp 1.

"Tôi không biết con gái bị áp lực gì mà thường hay trốn vào nhà vệ sinh của trường. Nghĩ là con gái học yếu, tôi có nhờ người quen xem có cách nào giúp cháu xuống học lại lớp 1 chứ không hề viết đơn. Thật ra, tôi chỉ nói qua điện thoại với người quen này ở tận tỉnh Đồng Nai nhưng không hiểu sao lại ra được cái lá đơn như thế. Những lời lẽ cũng như chữ ký trong đơn đó không phải của tôi. Tất cả do người ta tự bịa ra thôi", anh Hận khẳng định.

'Học sinh lớp 4 không biết đọc vẫn lên lớp vì giáo viên sợ hạ thi đua'

Cô giáo Phạm Thị Lan cho biết trình độ của học sinh ảnh hưởng trực tiếp thành tích của giáo viên và nhà trường.



https://nld.com.vn/thoi-su/bat-ngo-la-don-cua-phu-huynh-gui-bo-truong-bo-gd-dt-cho-con-xuong-hoc-lop-1-20191029084724481.htm

Theo T.Nốt / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm