Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư loại thuốc giúp đánh bay nồng độ cồn chỉ sau 15 phút

Theo quảng cáo trên Facebook, một số loại men, kẹo có thể giúp người sử dụng tăng tửu lượng và loại bỏ nồng độ cồn chỉ sau 15 phút.

Khi Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt là các tài xế. Vì vậy, nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, men, kẹo xuất hiện rầm rộ trên thị trường và được quảng cáo khử nồng độ cồn về 0, giải rượu, giúp tài xế yên tâm khi tham gia giao thông.

Tại tài khoản Facebook T.V., người này liên tục phát trực tiếp, giao bán sản phẩm men chống say rượu, khử nồng độ cồn. Theo người bán, sử dụng một gói men này có thể chống say cho loại rượu lên tới 45 độ, tửu lượng tăng gấp 4 lần.

"Men này từ enzym tự nhiên, lên men hữu cơ, thành phần gồm bột ngô, khoai, sắn,... Bạn chỉ cần sử dụng trước khi uống rượu 15-20 phút sẽ phát huy tác dụng. Sau cuộc nhậu, bạn nghỉ ngơi 15 phút, khi tham gia giao thông sẽ không còn nồng độ cồn trong cơ thể. Nếu còn nồng độ cồn, chúng tôi sẵn sàng hoàn tiền", người phụ nữ này khẳng định.

Qua quan sát, loại men này chỉ được đóng gói trong những túi nylon màu bạc, không có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Giá bán của chúng là 400.000 đồng/10 gói.

Thuoc khu non do con anh 1

Men khử nồng độ cồn được giao bán công khai trên mạng xã hội.

Một sản phẩm khác cũng được giao bán nhiều trên mạng xã hội là kẹo H.R.Q, có tác dụng giúp người uống lâu say và giải rượu nhanh. Theo miêu tả, viên kẹo này có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Kẹo dạng viên nhai mềm, có thành phần chính là Curcumin 30 mg (tinh chất bột nghệ), giúp "tẩy" nhanh lượng cồn trong máu, từ đó giúp uống lâu say hơn, giải rượu nhanh chóng.

Người bán hướng dẫn chỉ cần ăn một gói (gồm 3 viên kẹo) trước khi uống 15 phút để tăng tửu lượng và một gói sau ăn để giải rượu. Giá bán kẹo này 60.000-100.000 đồng/gói.

Theo thạc sĩ, dược sĩ Trương Minh Đạt, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện này chưa sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng đưa nồng độ cồn về 0. Hơn thế, uống nhiều rượu bia ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không có "thần dược" nào giúp bạn uống mà không say.

BSCKI Lê Thị Cẩm Thơ, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, cho biết thị trường có nhiều loại dược phẩm được giới thiệu là "thuốc giải rượu". Thực chất, đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, axit glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hoá rượu.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng minh những "thuốc" này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu, hoặc làm mất trạng thái say xỉn.

Ngoài ra, không ít “thuốc giải rượu” có nguồn gốc, xuất xứ, thành phần không rõ ràng. Vì vậy, một trong những thành phần của chúng có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng cho người sử dụng. Việc lầm tưởng vào công dụng của "thuốc giải rượu", người dân vô tư uống nhưng không hề biết rằng chúng không bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu. Cuối cùng, hậu quả đối với sức khỏe vẫn xảy ra.

Bác sĩ Thơ khuyến cáo "thuốc giải rượu" tham gia vào quá trình chuyển hoá rượu. Vì vậy, chúng cùng lúc được chuyển hoá qua gan, làm tăng gánh nặng cho cơ quan này, tăng nguy cơ suy gan cấp.

Trong trường hợp muốn nhanh chóng đào thải lượng rượu bia khỏi cơ thể, lấy lại sự tỉnh táo, PGS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, cho hay cách tốt nhất là đào thải qua đường nước tiểu.

Biện pháp đơn giản nhất để giải rượu là uống nước lọc, nếu cảm thấy khó uống, bạn có thể pha nước chè, nước đường, giúp lợi tiểu, đào thải rượu ra ngoài. Ngoài ra, móc họng nôn cũng là một cách giúp đào thải rượu bia nhanh chóng. Tuy nhiên, khi lượng cồn đã hấp thụ vào cơ thể, việc nôn đẩy lượng thức ăn ra ngoài, nếu tiếp tục uống, chúng ta sẽ mệt mỏi và dễ gây tổn thương dạ dày.

Uống bia ít nguy hại hơn rượu khi lái xe?

Cồn là chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, dễ khiến người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn.

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm