Cuối tháng 12/2018, Bộ Y tế bắt đầu cho triển khai vắc xin mới là vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) thay thế vắc xin Quinvaxem. Nhiều ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về tình trạng trẻ phản ứng sau tiêm chủng. Đặc biệt nhiều trẻ phải nhập viện sau tiêm chủng do biểu hiện tím tái.
Loại vắc xin này do Ấn Độ sản xuất, phòng 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. ComBE Five đã được Bộ Y tế triển khai tiêm tại một số tỉnh trước khi đưa vào tiêm mở rộng trên cả nước. Khi thông tin trên xuất hiện và ngày càng được chia sẻ rộng rãi đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
GS.Nguyễn Thu Vân - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) - cho hay, tất cả các loại vắc xin đang lưu hành tại Việt Nam đều có những phản ứng phụ chứ không riêng gì ComBE Five. Tùy thể trạng, cơ địa từng trẻ mà có những phản ứng nặng nhẹ khác nhau, cũng có trẻ không có phản ứng gì. Bản chất, thành phần của Quinvaxem hay ComBE Five cũng giống nhau, chỉ khác nhau ở nhà sản xuất.
Về quy trình đưa đưa vắc xin ra thị trường, theo GS.TS Nguyễn Thu Vân, đó là quy trình nghiêm ngặt và được kiểm duyệt, Tổ chức Y tế thế giới giám sát chặt chẽ theo định kỳ 2 năm/lần.
Việc tiêm chủng hiện nay cũng có những quy định về thời gian 30 phút theo dõi sau tiêm, những tư vấn cho phụ huynh nên làm gì với những trẻ có phản ứng ở nhà.
Vắc xin ComBe Five. |
Về việc nhiều phụ huynh không cho con đi tiêm vì lo sợ phản ứng phụ, GS.TS Nguyễn Thu Vân khẳng định đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Sai lầm này sẽ khiến dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là những bệnh dễ lây lan như bạch hầu, ho gà…
“Dịch bệnh bùng phát đồng nghĩa với việc phòng và chữa bệnh cho trẻ sẽ khó khăn và tốn kém. Bởi vậy, cha mẹ cần tỉnh táo trước các thông tin trên mạng về vấn đề vắc xin”, GS.TS Nguyễn Thu Vân nói.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, các địa phương đã thực hiện triển khai ngay sau khi được cung ứng vắc xin ComBE Five, 4 tỉnh triển khai trong tháng 10 là Hà Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang (2 huyện), Bình Định (5 huyện), 03 (ba) tỉnh Yên Bái, Kon Tum, Đồng Tháp và các huyện còn lại của Bắc Giang triển khai trong tháng 11.
Báo cáo của các địa phương cho thấy tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt trên 39 độ C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) là 5,5 %. Ba trường hợp phản ứng phải nhập viện điều trị đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng tuyến tỉnh kết luận: 2 trường hợp phản ứng phản vệ, 1 trường hợp sốt cao/co giật đã được xử trí ban đầu và cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Không có trường hợp tử vong.