Gần đây, trên Facebook, website của World Medical Beauty & Healthcare (TP.HCM) quảng cáo về loại vắc xin có khả năng phòng ngừa và điều trị ung thư.
Theo thông tin trên website của đơn vị này, World Medical là trung tâm đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực làm đẹp dựa trên nền tảng y khoa;
Tiêm một loại vắc xin phòng tránh được hơn 30 bệnh ung thư?
Khi phóng viên liên hệ theo số hotline của trung tâm này, một nữ nhân viên tư vấn tự xưng là Vinh cho biết: "World Medical có hai loại vắc xin phục vụ các đối tượng khác nhau là phòng ngừa và điều trị, chống di căn tế bào ung thư".
Nữ nhân viên giới thiệu khách hàng nên sử dụng vắc xin Hasumi phòng bệnh ung thư giúp nâng cao sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, đẩy lùi chỉ số mắc ung thư xuống thấp nhất, bảo vệ mã gen - ngăn ngừa đột biến ADN gây ung thư và tăng cường khả năng phòng vệ các bệnh do virus gây ra. Loại vắc xin này có thể phòng hơn 30 loại ung thư, trừ ung thư máu.
World Medical Beauty & Healthcare quảng cáo về loại vắc xin có khả năng phòng ngừa và điều trị ung thư trên Facebook. |
Đặc biệt, theo lời giới thiệu của nhân viên tư vấn, loại vắc xin này còn có tác dụng ngăn chặn các tế bào ung thư tái hình thành và di căn. Chúng được sử dụng cho các bệnh nhân đã mắc bệnh hoặc sau phẫu thuật.
Loại vắc xin trên được giới thiệu có tác dụng bảo vệ các nhánh gen khỏi đột biến, phòng ngừa tế bào bị các tác nhân trong, ngoài tấn công và bổ sung thể lực, tăng độ minh mẫn cho trí não.
Người này còn khẳng định vắc xin không có tác dụng phụ, đau nhức hay rụng tóc như hóa - xạ trị, ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ tái hình thành khối u.
Khi hỏi về mức chi phí để tiêm loại "thần dược", nữ nhân viên cho hay với vắc xin phòng bệnh ung thư, khách hàng sẽ tiêm theo liệu trình, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nếu bệnh nhân có sức khỏe bình thường, liệu trình sẽ kéo dài 6 mũi tiêm, mỗi lần cách nhau 5 ngày, giá 6-7 triệu đồng/mũi tiêm. Như vậy, mỗi bệnh nhân sẽ phải chi khoảng 36 triệu đồng khi tiêm vắc xin Hasumi.
Theo thông báo của trung tâm, mức giá tiêm vắc xin từ 36-350 triệu đồng tùy loại. Ảnh: World Medical. |
Bệnh nhân điều trị ung thư sẽ có mức giá 350 triệu đồng cho một năm sử dụng vắc xin. Khi thấy khách hàng lăn tăn về giá cả, nữ nhân viên lập tức trấn an: "Nếu không sử dụng vắc xin này, chi phí điều trị bên ngoài của bệnh nhân sẽ lớn hơn nhiều. Theo em, giá này không hề mắc".
Để tăng độ tin tưởng, trung tâm sẽ đưa khách hàng sang Nhật Bản để tiêm vắc xin nếu có nhu cầu. Với khách hàng muốn tiêm tại Việt Nam, họ phải viết giấy ủy quyền cho World Medical.
Tiếp tục hỏi giấy phép của vắc xin Hasumi, nhân viên tư vấn cho biết đây là vắc xin của Nhật đã được Hội đồng y đức nước này công nhận. Ngoài ra, nhân viên này không hề nhắc tới bất cứ loại giấy phép nào được công nhận tại Việt Nam.
"Thông tin vắc xin chữa được ung thư là sai sự thật"
Ngay khi những bài viết quảng cáo được đăng tải trên Facebook, nhiều chuyên gia về ung thư trong và ngoài nước đã lên tiếng, phân tích tác dụng của vắc xin Hasumi.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ), ông và các cộng sự trong tổ chức Ruy Băng Tím đã kiểm tra tất cả thông tin từ website và Facebook của trung tâm trên.
Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.
Các chuyên gia của tổ chức này đều khẳng định đây là thông tin sai sự thật, việc quảng cáo sử dụng vắc xin Hasumi để phòng và điều trị ung thư của World Medical là lừa đảo.
TS Nguyễn Hồng Vũ và cộng sự đã phản biện nhiều thông tin mà World Medical Beauty & Healthcare quảng cáo trên mạng.
Không có báo cáo khoa học về vắc xin Hasumi
Website của World Medical đưa ra thông tin “nghiên cứu và ứng dụng thành công vắc xin Hasumi phòng và điều trị ung thư, đối với ung thư giai đoạn 1, 2, 3 là hoàn thiện 100%, với ung thư giai đoạn 4 tỷ lệ thành công cao 70-80%”.
TS Vũ cho rằng đến nay, chưa có báo cáo khoa học nào về vắc xin Hasumi có thể sử dụng thành công trên người với tỷ lệ như trên. Vắc xin này cũng chưa từng được công nhận bởi các tổ chức y tế của chính phủ (như FDA của Mỹ) để sử dụng như một phương pháp điều trị chính thống cho bệnh ung thư.
Vắc xin không có tác dụng phụ?
Theo các nhà khoa học của Tổ chức Ruy Băng Tím, việc World Medical thông tin "vắc xin Hasumi không có tác dụng phụ vì chúng sử dụng hệ miễn dịch trong cơ thể để tiêu diệt ung thư" là nhận định sai lầm.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã sử dụng chính tế bào miễn dịch của cơ thể người bệnh để “huấn luyện” bên ngoài. Sau đó, chúng được đưa lại cơ thể người bệnh. Các phương pháp này có mục đích chính là kích thích được hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư.
Vắc xin được quảng cáo không có tác dụng phụ. |
Trong quá trình kích thích hệ miễn dịch, dù đặc hiệu hay không, việc xảy ra tác dụng phụ là điều khó tránh khỏi. Việc cam kết hoàn toàn không có tác dụng phụ khi sử dụng phương pháp này để điều trị ung thư là điều không tưởng hoặc thứ được sử dụng ở đây không thực sự là một vắc xin có thể điều trị được bệnh ung thư.
Các tác dụng phụ nguy hiểm luôn là rào cản và lo ngại trong nghiên cứu, phát triển liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư hiện nay. Các tác dụng phụ có thể từ nhẹ đến nặng và luôn được theo dõi cẩn thận trong quá trình điều trị để xử lý kịp thời.
Chưa có vắc xin nào trên thế giới phòng ngừa được các loại ung thư
“Không chỉ bệnh nhân ung thư mà người khỏe mạnh cũng nên sử dụng vắc xin Hasumi, ngay từ khi chưa có các dấu hiệu của tế bào ung thư. Người khỏe mạnh được khuyến khích nên phòng ngừa và nâng cao sức khỏe với loại vắc xin này", thông tin trên website.
Theo các nhà khoa học của Tổ chức Ruy Băng Tím, đây là điều vô lý và chưa có loại vắc xin nào trên thế giới có thể làm được điều này. Bởi nguồn gốc của ung thư chủ yếu do đột biến gen.
Cơ thể chúng ta có hàng chục nghìn gen, việc tế bào sẽ bị đột biến gen nào để trở thành tế bào ung thư là điều không thể biết trước. Vì thế, dù cùng mắc một loại bệnh ung thư, các tế bào của những người khác nhau có đột biến gen khác nhau là chuyện bình thường. Điều đó dẫn đến sự khác nhau trong đáp ứng thuốc hay khả năng di căn.
Do vậy, việc quảng cáo vắc xin trên có khả năng sử dụng để phòng ung thư ở người khỏe mạnh là chuyện vô lý và không thể thực hiện được.
Sử dụng trái phép hình ảnh của các nhà khoa học
World Medical khẳng định: "Không chỉ đạt được các chứng nhận y khoa và công nhận từ chính phủ Nhật, vắc xin Hasimi phòng ngừa và điều trị ung thư còn mang đến các giải Nobel cho thành viên trong ngũ nghiên cứu".
Những cá nhân được nêu ra gồm có: Ralph Steinman, nhận giải Nobel Sinh Y học năm 2011 và được cho là cố vấn y khoa Quỹ nghiên cứu quốc tế Hasumi; Honjo Tasuku, James P Allison, nhận Nobel Sinh học năm 2018.
Phản biện vấn đề này, các nhà khoa của của Tổ chức Ruy Băng Tím cho biết nghiên cứu của những nhà khoa học này không hề liên quan việc sử dụng vắc xin của Hasumi.
Bên cạnh đó, quỹ được thành lập để phát triển nghiên cứu (Quỹ nghiên cứu quốc tế Hasumi) và chúng có được phép ứng dụng trong điều trị hay chưa là hai vấn đề rất khác biệt. Hơn nữa, việc sử hình ảnh của những người đoạt giải Nobel để quảng cáo là việc làm trái phép.