1. "Sáng chủ nhật, vợ chồng tôi lên đường đi Bangkok, Thái Lan. Cùng đi với chúng tôi, ngoài một người bạn am hiểu về lĩnh vực sản khoa mà chồng tôi mời theo thì còn có một phụ nữ, tôi tạm gọi là U. Theo lời tự giới thiệu thì U là "nhân viên tư vấn" của Bệnh viện (BV) chuyên khoa thụ tinh nhân tạo Thái Lan (IVF Hospital - viết tắt là IH), có văn phòng đặt tại TP.HCM", chị Dung, vợ anh Định mở đầu câu chuyện.
Tuy nhiên, tìm đỏ con mắt cũng chẳng thấy cái "văn phòng tư vấn" ấy địa chỉ ở đâu mà trên trang web của IH chỉ có vài số điện thoại di động mạng Mobiphone, Vinaphone. Nêu thắc mắc này ra với U thì cô trả lời: "Bệnh viện đang thúc hối tụi em thuê văn phòng nhưng chưa tìm được chỗ vừa ý".
Cũng chẳng biết U có học nghề y ngày nào không nhưng cô nói chuyện về vấn đề vô sinh, về thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm rất rành rẽ, chưa kể cô hết lời ca ngợi BV IH là cứ 10 phụ nữ đến đó làm thụ tinh trong ống nghiệm thì 7 hoặc 8 người có kết quả, số còn lại phải làm thêm lần thứ 2 nhưng cũng mẹ tròn con vuông.
Chị Dung nói tiếp: "Tôi nghe thì nghe nhưng trong lòng không khỏi băn khoăn bởi lẽ do hiếm muộn nên tôi thường xuyên tìm đọc những bài báo nói về chủ đề này. Qua đó, tôi biết tỉ lệ thành công của việc thụ tinh trong ống nghiệm - kể cả thế giới lẫn Việt Nam chỉ từ 30 đến 40%!".
Tuy nhiên, vì đã mua vé máy bay và đã trả tiền đặt phòng khách sạn tại Bangkok nên vợ chồng anh Định vẫn lên đường với hy vọng may thầy phước chủ. Lấy nhau suốt 4 năm, mặc dù hai bên nội, ngoại đều mong ước sớm có đứa cháu để ẵm bồng vì anh Định là con một nhưng vợ anh vẫn "câm như hến".
Đi xét nghiệm ở BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn, BV Phụ sản Đại học Y Dược TP.HCM…, ở đâu cũng kết luận là chị thiếu một thành phần trong nội tiết tố sinh dục nữ.
Chị Dung nói: "Mặc dù các bác sĩ Việt Nam cho biết là họ hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề khiếm khuyết này nhưng một người bạn của tôi trước đây cũng đã từng bị như tôi, và đã được bác sĩ ở IH điều trị, làm thụ tinh trong ống nghiệm. Kết quả là chị ấy đẻ sinh đôi, mẹ tròn con vuông.
Hơn nữa, theo lời U thì IH còn có phương pháp PGD - là phương pháp chẩn đoán nguồn gốc gien trước khi cấy phôi vào tử cung người mẹ - và họ nói là ở Việt Nam chưa thực hiện được kỹ thuật này nên tôi quyết định sang bên đó".
Bệnh viện Samitivej là nơi các cặp vợ chồng tìm đến thụ tinh nhân tạo. |
Anh Định, chồng chị tiếp lời: "Không phải là tụi tôi không tin bác sĩ trong nước nhưng như anh biết đấy, cơ sở vật chất của mình còn kém, bệnh nhân 2, 3 người nằm chung một giường, thậm chí nằm ngay trên hành lang, lối đi, chưa nói thời gian vừa qua tai biến sản khoa xảy ra dồn dập nên tôi chọn BV nước ngoài cho chắc".
2. Vợ chồng anh Định không phải là những người Việt đầu tiên chọn Thái Lan để làm thụ tinh trong ống nghiệm mà cách đây 4 - 5 năm, một số BV có chuyên khoa Sản ở Thái Lan như IH, Samitivej Srinakarin, PhyaThai2, Piyavate… đã cắm tư vấn viên người Việt ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…, nhằm thu hút những phụ nữ mong muốn làm mẹ nhưng vì một lý do nào đó, thiên chức này chưa thực hiện được.
Một số trang web vốn có khá đông các bà mẹ và những người chuẩn bị làm mẹ vào trao đổi kinh nghiệm như webtretho, cũng xuất hiện những bài viết mà mục đích chỉ nhằm quảng cáo cho kỹ thuật thụ tinh nhân tạo của BV Thái Lan.
Bên cạnh đó, một số BV tư trong nước như BV Đa khoa Hồng Ngọc còn là cầu nối Việt Nam - Thái Lan cho những phụ nữ muốn có con nhưng do cơ quan sinh dục có vấn đề, hoặc do một số bệnh lý. Thậm chí BV Hồng Ngọc còn nhận thực hiện công đoạn khám sức khỏe, tiêm thuốc kích thích trứng với lời quảng cáo "lựa chọn chính xác 100% giới tính thai nhi".
Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại Thái Lan cũng chẳng khác gì nếu làm ở Việt Nam. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những "tư vấn viên" chỉ là một dạng "cò" không hơn không kém. Dưới trướng họ, là một hệ thống chân rết bám trụ tại những BV chuyên khoa Sản trong thành phố rồi tìm cách rỉ tai to nhỏ với những người đến khám vô sinh để mời họ sang Thái Lan với những lời quảng cáo có cánh mà chẳng hạn như cô "tư vấn viên" U.
Theo cô thì: "IH có thể giúp anh chị chọn lựa và cho ra đời những em bé hoàn toàn khỏe mạnh, không dấu vết của các bệnh di truyền nguy hiểm từ mẹ sang con như HIV, ung thư máu, tiểu đường, tim bẩm sinh, viêm gan siêu vi B, sẩy thai liên tiếp, bệnh Down… Hơn nữa, anh chị có thể sinh con trai hay con gái theo ý muốn".
Chao ơi, nghe chị Dung kể lại những lời "tư vấn" của cô U mà tôi ù tai chóng mặt bởi lẽ bệnh tiểu đường type 1 chẳng hạn, y học đã khẳng định sự di truyền của nó. Nếu một người mà cha, mẹ bị tiểu đường type 1 thì họ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 20 lần so với những người bình thường khác, với những bậc cha mẹ tiểu đường type 2, con cái có nguy cơ mắc phải cao gấp 3 lần.
Bên cạnh đó, loại gien gây ra bệnh tiểu đường type 1 là gien HLA-DR. Với người da trắng bị tiểu đường, hầu hết họ mang alen (biến thể gien) 3 hoặc 4 của HLA-DR, còn người da vàng thì mang biến thể HLA-DR9 alen, người da đen mang HLA-DR7 alen.
Cho đến nay, y học vẫn chưa thể tách bỏ hoàn toàn gien này để ngăn ngừa bệnh tiểu đường trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, còn nếu thay đổi cấu trúc của nó thì chẳng ai dám làm vì ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra với thai nhi!
3. "Sau gần 3 tiếng - kể cả thời gian làm thủ tục ở Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok, cô U đưa chúng tôi về một khách sạn nằm trên đường Petchburi…", chị Dung kể tiếp: "Theo lời cô thì chúng tôi cứ nghỉ ngơi thoải mái rồi sáng hôm sau, cô sẽ đưa tôi đến văn phòng tư vấn của BV". Có lẽ đã từng đưa khách đi nhiều lần nên xem ra, U rất thông thạo đường sá.
Trên taxi, U giới thiệu cho vợ chồng anh Định cùng người bạn anh biết chỗ nào ăn ngon, phù hợp với khẩu vị người Việt, cần mua sắm thì nên đến đâu, thích tham quan, ngắm cảnh thì Bangkok có những địa điểm nào. Thấy vợ chồng anh Định có vẻ lo lắng, U trấn an rằng "IH có thể lựa chọn được những phôi khỏe, chẩn đoán bất kỳ rối loạn di truyền nào trong phôi thai trước khi đặt chúng vào tử cung người mẹ nên anh chị cứ yên tâm".
Lúc đã vào khách sạn, vợ chồng anh còn sang phòng người bạn, hỏi đi hỏi lại rằng cô U nói có đúng không? Bạn anh trả lời "có cái đúng và cũng có cái sai. Tuy nhiên, tôi khuyên anh chị hãy bình tĩnh để ngày mai, sau khi được giới chuyên môn tư vấn thì mới có thể kết luận được".
8h 30 phút sáng thứ hai, U mời vợ chồng anh Định sang văn phòng tư vấn, tại một cao ốc trên đường Petchburi. Người tiếp họ là tiến sĩ Chin, giám đốc phụ trách chuyên môn còn U giữ vai trò phiên dịch.
Sau khi xem các kết quả xét nghiệm do một số BV ở Việt Nam thực hiện, tiến sĩ Chin cho biết để đảm bảo việc thụ tinh trong ống nghiệm có kết quả tốt, vợ anh Định sẽ phải làm lại từ đầu - và điều này đồng nghĩa với việc tốn thêm tiền. Tiếp theo, vợ anh Định sẽ được bổ sung thành phần còn thiếu trong nội tiết tố, kích thích sự rụng trứng đồng thời sẽ được chẩn đoán nguồn gốc gien.
Theo lời phiên dịch của cô U, việc thụ tinh trong ống nghiệm nếu thất bại thì sẽ phải làm lại từ đầu. Một phụ nữ khỏe mạnh, ở độ tuổi như chị Dung có thể hút được từ 12 đến 16 trứng, và có thể thụ tinh được 10 phôi.
Trong 10 phôi ấy, chỉ khoảng 6 phôi phát triển tốt. Thường thì mỗi lần thụ tinh, bác sĩ (BS) sẽ đặt 2 phôi vào tử cung. Nếu lần đầu không được thì tiếp tục đặt thêm 2 phôi nữa. Nếu vẫn thất bại, BS sẽ đặt lần 3 và coi như hết 6 phôi.
Lấy tư cách là "anh vợ" của anh Định, người bạn anh hỏi lần thứ 3 thất bại thì sao? Sau khi dịch câu này cho tiến sĩ Chin rồi nghe ông trả lời, U nói lại bằng tiếng Việt: "Lần 3 mà thất bại thì phải quay lại từ đầu".
Ôi trời, chi phí cho việc làm thụ tinh trong ống nghiệm là 12.000 USD, tương đương 242 triệu đồng, chưa kể tiền máy bay, thuê khách sạn, ăn uống, giặt giũ - trong lúc ở Việt Nam chỉ từ 50 đến 80 triệu đồng - mà phải làm lại từ đầu thì ai mà không "của đau con xót"! Do có tiền, nhiều phụ nữ Việt vẫn chọn Bệnh viện Thái Lan làm "bà đỡ".
Việc tư vấn kết thúc, tiến sĩ Chin hẹn chị Dung sau 2 ngày nữa đến BV IH để tiến hành làm các xét nghiệm. Tiếp theo, vợ chồng anh Định trở về Việt Nam khoảng 2 tuần, uống thuốc. Lúc chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện, chị sẽ trở qua BV IH để BS thực hiện việc kích thích trứng cả về chất lượng lẫn số lượng. Khi đạt yêu cầu, trứng sẽ được hút ra, cho thụ tinh với tinh trùng của anh Định. Nếu thành công, phôi thai được nuôi trong ống nghiệm 5 ngày rồi mới đặt lại vào buồng tử cung.
Chị Dung nói: "Tiến sĩ Chin dặn tôi khi về Việt Nam phải thường xuyên uống sữa đậu nành để tăng số lượng trứng, ăn lòng trắng trứng mỗi ngày 2, 3 cái để tăng kích thước trứng". Với anh Định, 10 ngày trước khi quay lại Thái Lan thì không được uống rượu, bia. 5 ngày trước khi lấy tinh trùng thì phải xuất ra cho bằng hết rồi sau đó "kiêng vợ" cho đến khi hai vợ chồng vào BV IH.
Theo chị Dung: "Nếu thế thì cũng chẳng khác gì làm tại Việt Nam, vừa ít tốn kém, lại đỡ mất công bay đi bay lại". Tôi hỏi rồi sao nữa? Chị cười: "Nghe theo lời khuyên của anh bạn chồng tôi, trưa thứ ba tụi tôi quay về Việt Nam và có lẽ tuần sau tôi sẽ vào BV Từ Dũ".
4. Tại Việt Nam, các BV chuyên khoa như Từ Dũ, Hùng Vương, Học viện Quân y, BV Phụ sản Trung ương, BV Phụ sản Hà Nội… hoàn toàn có thể thực hiện được những kỹ thuật về thụ tinh trong ống nghiệm, cũng như các thiết bị, máy móc phục vụ cho việc này chẳng thua kém gì Thái Lan và những quốc gia lân cận có nền y học tiên tiến nhưng nhiều người vẫn chọn Thái Lan vì họ… có tiền!
Những người đã từng đi cho biết Thái Lan gần với Việt Nam về mặt địa lý, chỉ mất 1 tiếng 45 phút bay, qua lại dễ dàng. Thụ tinh nhân tạo ở Thái Lan, mỗi sản phụ sẽ được 1 BS theo dõi từ đầu đến cuối, điều kiện sinh hoạt cũng tốt: Gia đình sản phụ có thể thuê một căn hộ, tự nấu ăn và điều quan trọng hơn cả - theo như quảng cáo - là họ có thể sinh con trai hay con gái theo ý muốn - đến nỗi thế giới đã gọi Thái Lan là "đại công xưởng chế tạo trẻ con" trong lúc các chuyên gia về thụ tinh nhân tạo khẳng định chuyện này chỉ dựa vào kỹ thuật để lôi kéo những người muốn làm mẹ.
Chị Liễu, ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM kể: "Tôi có nguyện vọng muốn sinh con trai. Thụ tinh lần đầu 2 phôi, họ nói hỏng, lần thứ nhì cũng hỏng. Đến lần thứ ba mới thành công. Sau này về Việt Nam, một bác sĩ giải thích là 2 lần trước, qua xét nghiệm nhiễm sắc thể họ biết là con gái nên họ hủy phôi. Đến lần thứ ba, là con trai thì họ giữ lại, cấy cho tôi, chẳng khác gì tôi nhặt thóc trong gạo vứt ra ngoài vậy. Tổng cộng tôi tốn gần 40.000 SD…".
BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM cho biết, chi phí làm thụ tinh nhân tạo tại Thái Lan cao hơn nhiều lần so với trong nước. Chưa kể khi thực hiện tại xứ người, nếu xảy ra những biến chứng rủi ro, người bệnh cũng chẳng biết đâu mà cầu cứu vì những nơi này làm "chui".
Vẫn theo BS Tường, ngay cả Thái Lan cũng không cho phép các cơ sở điều trị hiếm muộn thực hiện sinh con theo giới tính, thế nhưng họ vẫn lách luật bằng cách xem xét phôi thai có mắc các bệnh lý di truyền hay không. Và khi xem xét như vậy, BS sẽ biết được phôi nào mang nhiễm sắc thể giới tính bé trai hay bé gái.
Và thực tế đã có người "ăn quả đắng" khi chọn Thái Lan làm nơi ra đời của con mình. Trên một trang mạng xã hội, một phụ nữ có nickname là phuongnt chia sẻ: "Tư vấn viên quảng cáo về bệnh viện Piy… dữ lắm nhưng khi qua tới nơi, nó bắt mình làm đủ thứ xét nghiệm, tốn gần 1 nghìn USD rồi nó… "sang tay" mình cho bệnh viện khác. Điên máu, mình yêu cầu con bé tư vấn phải giải thích rõ về chuyện này thì nó ú ớ rồi lặn mất tiêu, bỏ mặc vợ chồng mình bơ vơ nơi đất khách quê người…”