Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư việc nữ ca sĩ bị vỡ túi độn ngực trên máy bay

Theo bác sĩ thẩm mỹ, áp suất trong khoang máy bay như ở dưới mặt đất không thể xảy ra hiện tượng “nổ” túi ngực. Nguyên nhân nào khiến ca sĩ Ivy Trần phải phẫu thuật tháo túi ngực?

Mới đây, ca sĩ Quách Tuấn Du đã livestream trên Facebook chia sẻ lại trường hợp nữ ca sĩ Ivy Trần (người em kết nghĩa của mình) gặp sự cố trên máy bay. Trong clip, nam ca sĩ cho hay trước đó anh đi cùng chuyến bay với Ivy Trần từ Đài Loan trở về Việt Nam. Trên đường đi từ sân bay về, Ivy Trần có dấu hiệu đau tức ngực khiến anh lo lắng.

Sau đó, anh cùng ca sĩ Ivy Trần qua một vài bệnh viện khám thì phát hiện đã bị “nổ túi độn ngực”. Nữ ca sĩ đã được các bác sĩ kịp thời xử lý bằng việc tháo bỏ túi ngực vỡ ra khỏi cơ thể, đồng thời vẫn có thể đặt túi ngực khác vào mà không bị nhiễm trùng.

no nguc tren may bay anh 1
Nữ ca sĩ Ivy Trần. Ảnh: FBNV .

Không có chuyện nổ túi ngực

TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), khẳng định trường hợp nữ ca sĩ trên không phải do nổ túi ngực như nhiều người đang chia sẻ.

Áp suất khí quyển bình thường và áp suất trong khoang hành khách khoảng 760 mmHg tương đương với áp suất ở mặt đất. Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng trong máy bay áp suất sẽ giữ nguyên, trừ trường hợp vào vùng không khí loãng, máy bay rơi tự do sẽ gây ra chênh lệch áp suất, dẫn đến chảy máu mũi, khó thở…

“Với áp suất trong khoang máy bay như ở dưới mặt đất không thể xảy ra hiện tượng “nổ” túi ngực. Ngoài ra, độ bền của túi là rất cao có thể đặt túi dưới đất ôtô đi qua không hề vỡ”, TS.BS khẳng định.

Túi ngực thường bị rách trong trường hợp để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng mặt túi, tạo ra các nếp gấp. Sau đó, các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách, gây thoát dịch silicone gel từ trong túi ra ngoài. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rách túi nâng ngực do vật nhọn đâm hoặc do sinh thiết ngực.

Thủ phạm thực sự là gì?

TS.BS Nguyễn Huy Thọ cho hay nguyên nhân gây ra sự việc có thể là hội chứng tiết dịch khoang muộn (Late Seroma).

Tỷ lệ gặp biến chứng này rất hiếm chỉ từ 0,88-1,2%, có nghĩa là 100 trường hợp đặt túi ngực chỉ có hơn một ca gặp biến chứng. Trên thế giới đã ghi nhận 12 trường hợp gặp hội chứng này. Trong đó, có 9 trường hợp do túi Alengen, 2 trường hợp do túi Mentor và 1 do túi Polytech.

no nguc tren may bay anh 2
Túi ngực của bệnh nhân được lấy ra có nếp gấp, dịch hút ra màu vàng. Ảnh: BSCC.

Biến chứng này xuất hiện trong khoảng thời gian từ 18-48 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy từng trường hợp. Biểu hiện ngực của bệnh nhân tự căng phồng một bên ngực (breast auto inflation) kèm theo đau.

TS.BS Thọ cũng từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân đặt túi ngực gặp hội chứng tiết dịch khoang muộn. Bệnh nhân có triệu chứng đau, một bên ngực to hơn bình thường.

Bệnh nhân sau đó đã được lấy túi ngực và nạo vét, rửa khoang túi, đặt dẫn lưu. Ê-kíp đã hút được 200 ml dịch từ khoang ngực của bệnh nhân. Sau khi khoang túi ổn định, bệnh nhân đã tiếp tục được đặt lại túi ngực.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo khi đặt túi nâng ngực sau mổ từ 5-10 năm, phái đẹp nên đi kiểm tra, nhất là giai đoạn trên 10 năm phải định kỳ đi kiểm tra 6 tháng/lần. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra chụp X-quang nhũ ảnh (phim dành riêng chụp vú) để phát hiện túi ngực bị biến dạng, nếp gấp co bao, có dịch hay không. Nếu có bất thường bác sĩ sẽ tư vấn cách xử lý an toàn cho bệnh nhân. Để tránh biến chứng co bao xơ sau nâng ngực, người bệnh phải tập luyện mát xa vòng một, không mặc áo ngực.

Nguyên tắc sống còn khi nâng ngực

Nếu có ý định nâng ngực, chị em nên tuân theo các lời khuyên dưới đây của bác sĩ để không phải trả giá đắt cho việc làm đẹp.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm