Thử thách "One Leg Challenge - Đứng một chân" đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Những người tham gia phải đứng bằng một chân trong vòng 60 giây, ghi hình đăng lên mạng xã hội và thách thức 3 người khác làm việc này trong vòng 24 giờ.
Họ cũng dẫn lại nghiên cứu từ Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản) cho rằng nếu không đứng được quá 20 giây, chúng ta sẽ có nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
Trào lưu "Đứng một chân" đo nguy cơ đột quỵ được nhiều người nổi tiếng chia sẻ. Ảnh: Verywellhealth. |
Chưa có khuyến cáo trên y khoa
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cho biết trong bài nghiên cứu của Nhật Bản, các nhà khoa học chỉ ra rằng việc không thể duy trì thăng bằng với tư thế đứng bằng một chân dưới 20 giây có liên quan quá trình suy giảm chức năng và các tổn thương não không triệu chứng.
"Các biểu hiện này không nên được hiểu là đột quỵ thật sự. Những người bình thường, sau 60 tuổi, đặc biệt trên nền bệnh tăng huyết áp, khi chụp MRI, sẽ được phát hiện tỷ lệ rất cao bị tổn thương mạch máu nhỏ, không gây triệu chứng. Nghiên cứu của Nhật Bản không có ý nghĩa rằng chúng ta có thể kiểm tra nhanh nguy cơ đột quỵ chỉ đơn giản bằng cách đứng một chân", PGS Thắng cho hay.
PGS Thắng phân tích việc không thể đứng lâu bằng một chân chứng tỏ một người bị suy giảm chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể. Điều này có liên quan chức năng của não bộ, hệ thống thị giác và cả hệ xương khớp.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí AHA về suy giảm chức năng não và tổn thương nhỏ. |
"Ngoài ra, đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ trên dân số Nhật Bản và còn nhiều vấn đề trong phương pháp nghiên cứu. Do đó, nó không nên được xem là khuyến cáo cho người dân thực hiện mà chỉ dành cho người làm chuyên ngành tham khảo", Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho hay.
Bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết ông chưa thấy khuyến cáo nào trong y văn áp dụng bài kiểm tra này trong tiên đoán nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ Dũng cho biết nghiên cứu gốc được đăng trên tạp chí AHA của nhóm tác giả Nhật Bản chỉ là mô tả cắt ngang nên giá trị không cao, không thể kết luận chắc chắn.
Đồng quan điểm với PGS Thắng, bác sĩ Dũng cho rằng cần có nghiên cứu đoàn hệ quy mô lớn hơn, nhiều trung tâm thì mới có bằng chứng mạnh để đưa vào khuyến cáo.
"Các bác sĩ khi đọc những nghiên cứu như thế này chỉ để có thêm ý tưởng nghiên cứu chứ không phải dựa vào kết quả để khuyến cáo cho bệnh nhân hoặc cộng đồng. Đây chỉ nghiên cứu cắt ngang, cỡ mẫu không phải là quá lớn, chỉ đại diện cho quần thể nhỏ", bác sĩ Dũng nói thêm.
Quan trọng nhất là phòng ngừa
Bác sĩ Dũng cho biết nam giới trên 55 tuổi có nguy cơ cao bị đột quỵ. Nếu mắc bệnh mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường..., họ càng có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Đột quỵ thường xảy ra ở người trên 55 tuổi, nhiều bệnh lý nền làm nguy cơ cao hơn. Ảnh: Shutterstock. |
Theo Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ (tai biến mạch máu não) gây ra nguy cơ tử vong và tàn phế. Trên thế giới, căn bệnh này chỉ xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong, sau tim mạch và ung thư. Trong khi tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong vì đột quỵ đứng hàng đầu, vượt qua 2 căn bệnh trên.
Đột quỵ xảy ra đột ngột, không thể dự đoán trước ngoài việc chủ động phòng ngừa ở nhóm bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ.
Đặc biệt, rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường - nguyên nhân gây đột quỵ - là những sát thủ giấu mặt. Các bệnh này có triệu chứng rất mơ hồ. Đa số bệnh nhân không có triệu chứng.
Việc phòng ngừa chỉ có hiệu quả khi phát hiện, kiểm soát và khởi trị sớm. Điều này không chỉ phụ thuộc vào ngành y tế mà còn được quyết định bởi ý thức của bệnh nhân.
Hiện nay, người dân rất ít có ý thức khám sức khỏe định kỳ, trong khi việc tầm soát có ý nghĩa quan trọng để phát hiện sớm các bệnh lý. Chúng ta hầu hết chữa cho bệnh nhân ở giai đoạn đã có tổn thương ở cơ quan đích.
Theo thống kê của WHO, tỷ lệ đột quỵ châu Âu, châu Mỹ giảm 50% mỗi năm. Ở những nước đang phát triển như khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ đột quỵ tăng gấp đôi.
"Nguyên nhân là họ tầm soát và kiểm soát các yếu tố nguy cơ rất sớm, trước khi nó gây ra hậu quả. Trong khi chúng ta lại chờ đến khi xảy ra hậu quả rồi mới quay trở lại tìm nguyên nhân. Việc phòng ngừa cho người lành lặn có ý nghĩa hơn rất nhiều đối với một bệnh nhân đã bị di chứng", Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhấn mạnh.