Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi khi quyết định tiêu thụ một loại thực phẩm nào, bạn cần cân nhắc xem liệu chúng có thật sự tốt cho cơ thể hay không và nên lưu ý đối với những loại sau:
Ngũ cốc ăn sáng
Phần lớn các loại ngũ cốc ăn sáng được bày bán phổ biến tại các siêu thị đều được làm từ cùng một thành phần như nhau đó là bột mì tinh chế và đường. Đây là hai yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự gia tăng nhanh chóng của mức đường huyết.
Khi dùng ngũ cốc, nên chọn loại ít đường và mặc dù được gọi tên là ngũ cốc ăn sáng nhưng trên thực tế, bạn không nên thường xuyên dùng cho bữa sáng. Bạn có thể xen kẽ với những lựa chọn khác lành mạnh hơn như trứng, bánh mì làm từ bột mì thô, sữa chua, cà chua…
Trà
Trà là loại đồ uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là những loại trà do bạn tự hãm tại nhà. Điều cần quan tâm ở đây là những loại trà đóng chai hay lon mà nhiều người ưa chuộng thường chứa nhiều đường, chất tạo hương vị cũng như chất bảo quản.
Do đó, nếu yêu thích những món trà lạnh, bạn nên tự pha nước trà rồi để lạnh và dùng thay vì chọn những sản phẩm đã được chế biến và đóng gói sẵn.
Sữa chua ít béo, bổ sung thêm các loại hương vị
Nhóm thực phẩm này là nguồn cung cấp protein và canxi dồi dào. Tuy nhiên, khi chất béo được tách lọc ra để nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn kiêng của bạn, nhà sản xuất thường cho thêm vào đó rất nhiều đường hoặc chất tạo ngọt để mùi vị chúng dễ chịu hơn. Đường quả thật còn nguy hại hơn cho cơ thể so với chất béo.
Giải pháp cho bạn trong tình huống này đó là hãy chọn loại sữa chua tự nhiên và cho thêm các loại trái cây vào để có được hương vị sữa chua mà bạn yêu thích nhất.
Thực phẩm hữu cơ chế biến sẵn
Những sản phẩm thực phẩm hữu cơ đã được chế biến thường có nhiều đường và chất béo. Tuy vậy, điều này cũng không có nghĩa là mọi loại thực phẩm hữu cơ đều không tốt. Nếu bạn ăn những thực phẩm thô thì tức là bạn đã có những lựa chọn đúng đắn.
Mặc dù vậy, thuật ngữ “hữu cơ” trên nhiều thực phẩm hiện nay còn khá mơ hồ và bị lạm dụng quá mức. Do đó, hãy kiểm tra thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn mác để có được những sản phẩm tốt nhất.
Chất tạo ngọt nhân tạo
Dù không chứa đường nhưng nếu có quá nhiều chất tạo ngọt nhân tạo (như đồ uống có gas không cồn) thì loại thực phẩm đó cũng không an toàn cho sức khỏe. Chúng có xu hướng làm bạn có cảm giác đói nên sẽ ăn nhiều hơn và còn gây hại cho sức khỏe của ruột.
Đồ ăn vặt không chứa gluten
Thực phẩm không chứa gluten hiện đang được ưa chuộng vì giúp giảm cân. Trên thực tế, phần lớn những sản phẩm đã được chế biến tuy không chứa gluten nhưng đều có hàm lượng carbonhydrate tinh chế, chất béo và chất bảo quản rất cao. Vì vậy, bạn nên chọn những loại thực phẩm tự nhiên không chứa gluten có nguồn gốc từ động vật và thực vật.
Mật ong
Mật ong thường được dùng thay đường và sẽ không có gì rắc rối khi bạn dùng ở mức vừa phải (khoảng 15ml cho mỗi lát bánh mì hoặc ly nước cam…).
Nhưng nếu tiêu thụ mật ong quá nhiều, bạn không chỉ nạp vào lượng calo khổng lồ mà còn gây hại cho gan cũng như khả năng trao đổi chất của cơ thể vì loại đường trong mật ong là đường fructose - vốn có thể chuyển thành chất béo dự trữ. Theo thời gian, chúng có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ (không do chất cồn) cùng những rắc rối khác về sức khỏe.
Nước ép trái cây
Rất nhiều người nghĩ nước ép trái cây tốt cho sức khỏe vì chúng được làm từ trái cây. Nhưng đối với những sản phẩm đã được đóng hộp, chất lượng của chúng khác xa so với nước trái cây thô mà bạn tự làm vì hầu hết đã được cho thêm nước, đường và một số hóa chất vào để chúng có mùi vị tự nhiên hơn.
Hơn nữa, nước ép trái cây lại không cung cấp chất xơ mà lượng đường lại tương đương với các loại nước ngọt có gas. Rõ ràng, ăn trái cây vẫn tốt hơn nhiều so với uống nước ép.