Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực tế phải chấp nhận khi dấn thân vào The Voice Kids

Những chia sẻ của bố thí sinh Lương Thùy Mai dù xót xa, nhưng thực tế là những điều mà anh phải chấp nhận khi gật đầu để con tham gia những sân chơi truyền hình thực tế kiểu này.

Truyền hình thực tế hiện tại có lẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến sự nổi tiếng, nếu không sẽ chẳng có chuyện hằng năm, lại có thêm nhiều sân chơi được mua bản quyền về Việt Nam mà với bất kỳ chương trình nào, lượng người tham gia  đăng ký xếp hàng nườm nượp.

Để có được cơ hội được một lần nếm trải điều này, trước khi tham gia vào bất cứ cuộc thi nào, tất cả thí sinh và phụ huynh (trong trường hợp thí sinh chưa đủ tuổi trưởng thành) đều phải ký vào bản cam kết với ban tổ chức cùng các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của cả hai bên. Với những chương trình lớn, những vấn đề như bản quyền, hỗ trợ kinh phí, quy định trong luyện tập… càng được kiểm soát gắt gao. Một khi đã đặt bút ký, tất nhiên các thí sinh phải nhất mực tuân theo hoặc hợp tác với tất cả điều khoản đó.

Khán giả thường chỉ biết những gì diễn ra trên truyền hình, hầu như lúc nào cũng lung linh, chính vì thế, khi câu chuyện của anh Lương Quốc Thái - phụ huynh thí sinh Lương Thùy Mai (đội HLV Thanh Bùi) kể lại quá trình đưa con đi thi The Voice Kids vất vả, mệt mỏi với những chi tiết tỉ mỉ như phải nấu ăn trong toilet, giặt đồ chui... đã nhận được nhiều sự cảm thông và quan tâm của khán giả. Nhiều ý kiến khán giả đã chê trách chương trình chỉ tham ăn tiền quảng cáo mà không chăm chút đến đời sống của các thí sinh.

Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn là nhiều ý kiến phản bác, người đặt ra câu hỏi, tại sao rất nhiều phụ huynh lẫn thí sinh cũng đến từ các tỉnh xa, trong đó có rất nhiều gia đình khó khăn như Võ Thu Hà, Quang Anh... nhưng không thấy ai kể lể, than khổ trên trang cá nhân. Người khác thẳng thắn cho rằng “có chơi, có chịu”. Xét ở nhiều khía cạnh, điều này cũng có lý.

Bữa cơm ngay trong phòng khách sạn của hai ông bố và con gái trong quá trình tham gia The Voice Kids.

Với các thí sinh đang học tập và sinh hoạt ở các thành phố khác, bắt đầu từ vòng Giấu mặt đều phải tập trung tại TP.HCM để tiến hành quay hình. Tất nhiên việc này đồng nghĩa với khó khăn vì các bé không thể tự đi một mình mà phải có sự đồng hành của các bậc phụ huynh.

Theo như bố của Thùy Mai chia sẻ, anh đã phải bỏ nhiều thời gian và công việc để theo con mà chưa chắc con sẽ được làm ca sĩ. Nhưng lẽ ra anh phải xác định điều này từ trước, bởi anh và gia đình hoàn toàn có quyền bỏ cuộc ngay từ thời điểm bấy giờ và không ai có thể bắt bẻ. Còn khi đã quyết định cho con gái tham gia, là anh đã phải chấp nhận những khó khăn, ngoại trừ trường hợp ban tổ chức có hứa sẽ bù lại cho anh những thất thoát này nhưng cố tình "làm lơ". Tuy nhiên, thực tế không có chuyện này xảy ra.

Trong bất kỳ cuộc thi nào, danh hiệu và giải thưởng chỉ có một để dành cho người xuất sắc nhất, nhưng hàng triệu thí sinh ở mọi lứa tuổi vẫn bất chấp khó khăn, vất vả đua nhau đăng ký. Trong số đó, không ít người chẳng dại nhắm cho mình một vị trí cao, mà đôi khi chỉ cần một lần được xuất hiện trên truyền hình cũng đã đủ và quý giá lắm rồi. Vì đơn giản, quyền lực của truyền hình thực tế không đơn giản trao giải, mà chính là tạo cơ hội. Nếu không chẳng có chuyện một thí sinh dừng lại ở top 10 lại nổi hơn cả người chiến thắng như trường hợp của Jennifer Hudson và Fantasia Barrino của American Idol mùa thứ 3.

Tiếp tục nói về chia sẻ của bố Thùy Mai rằng The Voice Kids là cuộc chơi tốn kém vì nếu không đạt được giải nhất thì xem như không có gì cả. Phần thưởng  500 triệu đồng và suất học bổng 200 triệu có lẽ sẽ không lớn bằng những lần xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, được khán giả yêu mến, quan tâm, được huấn luyện bởi những tên tuổi của làng nhạc Việt. Đây chính là cơ hội sẽ mở ra cho người chơi và điều này không tiền bạc nào mua được.

Trong top 3 cuối cùng, đã có hai bé là Ngọc Duy và Quang Anh đến từ tỉnh thành khác. Quang Anh xuất thân trong gia đình khó khăn ở Thanh Hóa, còn Ngọc Duy đến từ Hải Dương.

Tiếp đó, việc “chương trình không có liên kết với bất cứ trường âm nhạc nào để có thể đưa các bé trong top 15-9-3 và cũng không định hướng đào tạo âm nhạc cho các bé đã vào đến top này” có lẽ giờ này anh mới nhận ra và hụt hẫng thì cũng đã muộn. Đơn giản, chính anh đã chấp nhận điều này khi ký tên vào bảng cam kết ngay từ đầu. Còn nếu nói rằng không biết hoặc không rõ thì càng không phải lỗi của ban tổ chức.

Tương tự như việc sinh hoạt, dù nghe có vẻ xót xa khi chứng kiến cảnh các phụ huynh phải nấu ăn trong toilet, lén giặt đồ và phơi trong phòng. Nhưng nếu trách đây là lỗi của ban tổ chức thì cũng không hợp lý mà đây chỉ đơn giản là cách từng người chọn để quản lý chi tiêu của mình. Trong trường hợp, nếu ban tổ chức có hứa hẹn nhưng không thực hiện, đến lúc đó mới có thể nói trắng đen được.

Được biết, ban tổ chức The Voice Kids ngoài phần hỗ trợ thí sinh chi phí đi lại và chỗ ở tại các khách sạn, họ còn chi một khoản tiền ăn cho các thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, như người đại diện của ban tổ chức cho biết, họ cấp cho mỗi nhà một khoản tiền nhất định để phụ huynh của các thí sinh chủ động lo chuyện ăn uống, còn chi tiêu thế nào là tùy thuộc mỗi người.

Phụ huynh nào cũng có những kỳ vọng nhất định khi bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc chỉ để con của mình được thỏa mãn đam mê nghệ thuật. Có thể những chia sẻ của bố Thùy Mai đã khiến nhiều người có cái nhìn thực tế hơn về những chương trình truyền hình thực tế rằng không phải lúc nào cũng màu hồng như nhiều người lầm tưởng. Nhưng đó cũng chính là thực tế của cuộc sống nghệ thuật, một khi đã dám bước vào con đường này, đôi khi những đánh đổi là điều phải chấp nhận. Đó cũng là bài học cho những ai đang có ý định tham gia các sân chơi truyền hình thực tế với một điều khoản luôn có sẵn: “Một khi bạn đã đặt bút ký tên thì không được quyền phản ứng với những thứ đã được quy định rõ ràng”.

Phi Phi

Bạn có thể quan tâm