Một tài khoản Instagram ẩn danh đặt tên là fashionassistants, được thành lập từ tháng 12/2017, đã phơi bày thực tế phũ phàng của công việc trợ lý thời trang - từ chuyện bị ném giày cao gót vào người, cho đến chuyện bị cấm ăn, bị trách mắng là béo, ngớ ngẩn.
Theo trang Refinery29, trong số hơn 7 nghìn lượt theo dõi tài khoản Instagram này, nhiều người là stylist, biên tập viên thời trang, giám đốc sáng tạo.
Đa số câu chuyện nhắm đến những người lạm dụng vị trí, lợi dụng nhân lực trẻ. Biên tập viên thời trang Jo Ellison nhận định: "Thủ phạm chủ yếu là phụ nữ. Trong cơn thịnh nộ, các stylist sẵn sàng quăng giày và móc treo quần áo hoặc cấm nhân viên ăn. Phụ nữ khi có quyền lực trong tay cũng đáng sợ không kém nam giới".
Công việc trợ lý thời trang từng được lột tả qua bộ phim The Devil Wears Prada. |
Một trong những câu chuyện được chia sẻ trên trang fashionassistants có nội dung: "Đó là một buổi chụp hình tạp chí kéo dài đến tối và stylist gặp sự cố với thang máy. Khi quay lại hậu trường buổi chụp, cô ấy bắt đầu la hét, ném đồ lung tung. Chẳng may đôi boots gót cao Louboutin rơi trúng về phía tôi".
Một người khác kể về quá trình làm việc không công trong 9 tháng cho một stylist có tiếng trong lĩnh vực thời trang: "Một lần, cô ấy bảo tôi cắm sạc điện thoại trong xe. Khi tôi thông báo sạc bị hỏng, cô ấy ném vỡ điện thoại trước mặt cả ê-kíp, hét vào mặt tôi, đổ lỗi cho tôi. Cô ấy còn thường xuyên chê tôi béo và xấu".
Trả lời phỏng vấn Refinery29, một người giấu tên cho biết cô cũng có những trải nghiệm tương tự khi đảm nhận công việc trợ lý thời trang.
"Trước khi làm việc cho một stylist nổi tiếng, tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm ở vị trí tương tự và một chút tiếng tăm. Nhưng đến với người này, tôi mất hết tự tin. Tôi biến thành người sợ cái bóng của chính mình. Kinh nghiệm dạy tôi phải mạnh mẽ lên và có lẽ tôi cần điều đó. Nhưng tôi không muốn những người khác phải trải qua cảm giác như vậy".
Diễn viên Anne Hathaway vào vai Andrea Sachs - trợ lý của một biên tập viên quyền lực. Ảnh: REX. |
Caryn Franklin, biên tập viên lâu năm, chia sẻ cô chưa từng chứng kiến trường hợp stylist ném giày vào nhân viên, nhưng khẳng định những áp lực, căng thẳng trong quá trình chụp hình là có thật vì thời gian rất hạn chế.
Đây không phải lần đầu tiên người trong cuộc lên tiếng về công việc tưởng chừng hào nhoáng nhưng đầy tủi nhục. Họ ví nó là cơn ác mộng song vẫn cố gắng theo đuổi với tham vọng một ngày có thể trở thành stylist của ngôi sao.
Trong một bài phỏng vấn năm 2015, cô gái tên Alice tiết lộ cô làm việc không lương suốt thời gian dài: "Tuần lễ thời trang thực sự là một cuộc chạy đua. Bạn phải theo stylist đến mọi nơi, cố gắng ghi nhớ các mẫu thiết kế và sau đó chọn ra những mẫu quan trọng. Bạn chẳng có một giây ngừng nghỉ, nên chuyện bỏ đói bản thân là bình thường".
Nói thêm về áp lực trong các buổi chụp hình thời trang, Alice tâm sự: "Bạn phải chịu trách nhiệm 70% khối lượng công việc - tìm kiếm trang phục, phối các set đồ, mặc váy áo cho người mẫu, thậm chí lau dọn studio... mọi thứ!".
Juliette, trợ lý cho một stylist tài năng và nổi tiếng, chia sẻ bà chủ của cô là người nghiêm khắc, thường đưa ra những yêu cầu oái oăm.
"Thời điểm kinh hoàng nhất là một ngày trước buổi chụp hình. Sếp tôi thường không làm gì, nhưng bất thình lình tìm đến tôi và đưa ra loạt câu hỏi khó nhằn chỉ để chứng minh mình là chủ. Nếu không trả lời thấu đáo, tôi có thể bị sa thải ngay lập tức. Nhưng tôi vẫn tôn trọng cô ấy - một người tài năng", Juliette kể.
Thế giới thời trang lộng lẫy, xa hoa nhưng song hành với nó luôn là những câu chuyện thực tế khắc nghiệt. Từ chuyện loạt người mẫu lên tiếng bị nhiếp ảnh gia, ông chủ lớn lạm dụng tình dục cho đến góc khuất cay đắng của công việc trợ lý.
Như tài khoản fashionassistants chia sẻ họ chỉ muốn đóng góp tiếng nói để thay đổi phần nào môi trường làm việc của ngành công nghiệp thời trang - cải thiện tình trạng lạm dụng, đối xử tệ bạc với người khác.