Zing trích dịch bài viết của Sixth Tone nói về sự thật tàn khốc đằng sau các công ty đào tạo nghệ sĩ ở Trung Quốc. Thực tập sinh phải vật lộn, giành lấy cơ hội nổi tiếng vốn rất mong manh ở thị trường âm nhạc tỷ dân.
Jiang Yu từng nghĩ rằng mình sinh ra để trở thành ngôi sao nhạc pop.
20 tuổi, Jiang được tuyển chọn từ 100 vũ công đường phố ở Côn Minh, Trung Quốc để làm thực tập sinh. Với gương mặt góc cạnh, dáng người nhỏ nhắn và khả năng vũ đạo tốt, cô được gieo vào đầu suy nghĩ “có đầy đủ các yếu tố để trở thành nghệ sĩ thực lực”.
Jiang ký hợp đồng với Star Master - công ty có hơn 3.000 nghệ sĩ biểu diễn, trong đó có vài ngôi sao đã thành công với dòng nhạc Mandopop - một trong ba nhánh chính của nền văn hóa Cpop.
Hiện tại, cô gái trẻ đã chính thức trở thành thần tượng thực tập sinh. “Tôi thấy phấn khích khi công ty có kế hoạch phát hành album và quay MV, phát triển nhóm nhạc thần tượng mới”, Jiang nói với Sixth Tone.
Nhưng đời không như là mơ, thực tế lúc nào cũng phũ phàng.
Thực tập sinh “thảm hại”
Jiang đến học viện của Star Master và sống trong ký túc xá với nhiều thực tập sinh có cùng đam mê, nguyện vọng. Mỗi ngày, Jiang được đào tạo vài tiếng đồng hồ về vũ đạo và ca hát.
Khi kỹ năng dần cải thiện, cô gái trẻ bắt đầu tham gia casting cho các chương trình thi thố tài năng. Song, mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Khoảnh khắc tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu không bao giờ đến được với Jiang.
Bốn năm sau, Jiang vẫn mắc kẹt trong lồng.
Cô vẫn tham gia vô số buổi thử giọng với thu nhập 0 đồng. Giấc mơ trở thành ngôi sao nhạc pop ngày càng mơ hồ. Đam mê, nhiệt huyết cũng cạn dần. Chỉ có tuổi tác và sự tiếc nuối ngày càng tăng.
Jiang Yu cảm thấy bản thân thật thảm hại vì chưa có cơ hội tỏa sáng ở tuổi 24. |
“Trong bốn năm, tôi đã chờ đợi một cơ hội. Đã vô số lần tôi nghĩ mình nên từ bỏ”, Jiang Yu nói.
Trải nghiệm đã dạy cho cô gái 24 tuổi bài học về thực tế khắc nghiệt của showbiz Trung Quốc. Ngành công nghiệp giải trí ngày càng trở nên khốc liệt. Mỗi năm có đến hàng nghìn tài năng trẻ giành giật vị trí ngôi sao nhạc pop vốn đã khó khăn nay lại càng hiếm hoi.
Theo Sixth Tone, hầu hết thực tập sinh tập luyện chăm chỉ trong nhiều năm nhưng phần lớn sẽ thất bại.
“Tôi không còn trẻ nữa, và tôi vẫn còn là một thực tập sinh. Điều đó thật thảm hại”, Jiang bộc bạch.
“Ngành công nghiệp tàn nhẫn”
Khi ngành công nghiệp nhạc pop của Trung Quốc tiếp nhận văn hóa Kpop, nhu cầu trở thành idol thế hệ mới của giới trẻ giống Jiang ngày càng tăng.
Với giới trẻ, đó là ước mơ. Nhưng với các công ty quản lý, đây là món mồi béo bở.
Mô hình kinh doanh thần tượng đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều năm nhưng mức độ ảnh hưởng của loại hình này phổ biến rộng rãi vào năm 2018. Theo Sixth Tone, đây cũng là giai đoạn nở rộ của “kỷ nguyên thần tượng”.
Produce 101 - thương hiệu truyền hình Hàn Quốc trong đó 101 thí sinh tranh tài để giành một vị trí trong nhóm nhạc sắp debut - trở thành cơn sốt sau khi Tencent mua bản quyền và sản xuất ở Trung Quốc.
Những cuộc thi sống còn là bệ phóng cho nhiều ngôi sao, bao gồm Thái Từ Khôn - người Trung Quốc đầu tiên trở thành gương mặt đại diện cho NBA hay những “nữ thần thế hệ mới” như Dương Siêu Việt, Ngu Thư Hân...
Không phải thực tập sinh nào cũng có cơ hội nổi tiếng như Thái Từ Khôn, Dương Siêu Việt hay Ngu Thư Hân. |
Một thế hệ quản lý thực tập sinh thần tượng mới ra đời. Đây cũng là nguồn cung cấp phần lớn thí sinh cho các chương trình sống còn. Năm nay, Thanh xuân có bạn - cuộc thi tìm kiếm tài năng do iQiyi sản xuất - có sự tham gia của các thực tập sinh đến từ 46 công ty giải trí khác nhau - 1/3 trong số đó mới thành lập năm 2018.
Bu Erfu, cố vấn chính, người chịu trách nhiệm tuyển dụng và đào tạo tài năng tại học viện Star Master, cho biết hàng trăm người đã đến thử giọng tại chi nhánh Thành Đô trong vài tháng qua. Song, không phải ai cũng chuẩn bị tốt cho ngành công nghiệp vốn rất khó khăn.
“Họ sẽ hỏi tôi 'Khi nào tôi có thể ra mắt'. Các chương trình đã đánh lừa họ. Không ai nhận ra các thực tập sinh trên TV trải qua bao nhiêu năm đào tạo, thậm chí mồ hôi và nước mắt”, Bu nói trong hờ hững.
“Trong tương lai, nếu ai có màn trình diễn kém, họ sẽ bị loại. Điều đó thật tàn nhẫn nhưng rất bình thường trong ngành này”, anh nói thêm.
Thực tế khốc liệt
“Tôi hụt hẫng”, Du Muen, một thực tập sinh thở dài nói với Sixth Tone.
Du cho biết anh đã 22 tuổi. Đánh mất việc được chú ý đồng nghĩa với việc anh không bao giờ có cơ hội trở thành thần tượng.
“Nếu tất cả chàng trai mới vào công ty đều 16-18 tuổi, tôi sẽ thua. Một thanh niên 16 tuổi có đủ thời gian để luyện tập nếu anh ta chưa hoàn thiện. Nhưng đối với lứa tuổi 22, mọi chuyện đã quá muộn", Du Muen kể.
Trong lúc học sinh bị từ chối đau buồn dưới sảnh, Hiệu trưởng Peng thong thả lướt smartphone trong văn phòng ở tầng hai. Peng chỉ cười trừ khi được đặt câu hỏi liệu ông có an ủi những cá nhân đang thất vọng.
"Nếu những đứa trẻ không thể đối mặt với thất bại nhỏ, làm sao chúng có thể trở thành thần tượng được?", Peng trả lời hờ hững.
Trở lại với Jiang Yu. Trong 4 năm làm thực tập sinh, hơn ai hết cô hiểu rõ nỗi đau bị từ chối.
Đầu năm nay, An Qi, bạn cùng ký túc xá và bạn thân nhất của Jiang ở Bắc Kinh, được chọn làm trưởng nhóm của The9, nhóm nhạc nữ mới được thành lập từ mùa mới nhất của Thanh xuân có bạn.
Mặc dù rất vui và tự hào về bạn, Jiang luôn bị ám ảnh lý do tại sao cô luôn bị coi thường.
“Chiều cao của chúng tôi tương tự, tính cách khá tương đồng. Thậm chí cách nhảy của chúng tôi cũng giống nhau nhưng tôi vẫn ở đây? Bây giờ, bất cứ khi nào nghe tiếng 'Ồ, An Qi!', tôi cảm thấy mất hứng", Jiang nói.
Thực tế trong các lò đào tạo nghệ sĩ ở Trung Quốc khắc nghiệt hơn tưởng tượng. |
Nhiều học trò bước sang tuổi 24 tuổi cuối cùng chọn từ bỏ ước mơ vì vỡ mộng quá nhiều. Ngay cả khi trở thành thực tập sinh chính thức của công ty, cơ hội này cũng rất mong manh.
“Trong số 100 thực tập sinh, 80 người có thể từ bỏ dù có tiềm năng trở thành ngôi sao. 20 người trong số họ có thể vẫn tồn tại, nhưng chỉ có một người duy nhất được ra mắt và nổi tiếng”, cố vấn công ty phơi bày sự thật.
Một thực tế khắc nghiệt khác là hầu hết công ty giải trí đầu tư hàng triệu NDT vào các cơ sở đào tạo, cung cấp chỗ ở miễn phí cho các nghệ sĩ đã ký hợp đồng. Song, thực tập sinh thường không có lương, phải nhờ vào sự trợ giúp của gia đình hoặc làm việc bán thời gian để kiếm sống.
Sau bao lần hụt hẫng, Jiang cảm thấy sự tự tin và kiêu hãnh của mình đã cạn kiệt. Trong khoảnh khắc tồi tệ nhất đời, cô thậm chí ghen tỵ với những thực tập sinh cũ đã chọn rời khỏi Star Master.
Tuy nhiên, Jiang vẫn chưa dừng lại.
Cô đã chuẩn bị cho vòng thử giọng của chương trình tài năng năm sau. “Nếu còn cơ hội, tôi vẫn sẽ thử. Tôi từ chối thừa nhận mình bị gục ngã”, cô khẳng định.
Thực tập sinh “tỉnh táo”
Zhang Qingyuan, chàng trai 18 tuổi lặn lội từ Hợp Phì đến Bắc Kinh và ôm mộng trở thành thần tượng Trung Quốc. Anh quyết định dành mùa hè ở công ty đào tạo idol thay vì làm bài tập ở trường trung học.
Với Zhang, khóa huấn luyện là cách để anh xác định tương lai.
Zhang từng là người mẫu bán thời gian được vài năm. Anh cũng trình diễn cho một số thương hiệu địa phương. Song, thanh niên 18 tuổi cần nhiều hơn thế.
“Khán giả sẽ chỉ chú ý những gì người mẫu mặc. Dù có catwalk suốt 10 năm, họ chỉ nhớ tên các thương hiệu”, Zhang nói.
Zhang Qingyuan trở lại với học tập vì không thu hoạch được gì. |
Anh chi khoảng 10.000 NDT (khoảng 1.500 USD) để đóng học phí cho Star Master và thuê chỗ ở, chi phí phát sinh. Song, Zhang không thu hoạch được gì sau khóa huấn luyện ở trại hè. Anh trở lại trường trung học ở Hợp Phì.
“Tôi vẫn tin rằng bằng tốt nghiệp đại học là vấn đề quan trọng hơn. Ngay cả khi tôi không trở thành ngôi sao, ít nhất tôi có thể kiếm sống bằng việc học của mình”, anh nhận thức mình đang ở đâu, không mù quáng như cô gái trẻ chôn chân ở đây suốt 4 năm.
Đến cuối cùng, họ nhận ra rằng ngành này khốc liệt, thậm chí khắc nghiệt và tàn nhẫn hơn nhiều. Dù chưa hết tuổi vị thành niên, Zhang và nhiều người khác cảm thấy đã quá muộn để trở thành thần tượng.