“Trước khi bước vào căn phòng dùng để in sao đề thi, chúng tôi phải để lại điện thoại di động và mọi thiết bị điện tử khác như máy tính xách tay, iPad… ở ngoài.
Suốt 15 ngày (từ lúc bắt đầu in sao đề đến khi kỳ thi kết thúc), chúng tôi sẽ ở trong căn phòng kín đó, có sự giám sát của cán bộ công an. Nói là không được nhìn thấy mặt trời cũng không sai đâu, vì mọi sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ đều thực hiện trong căn phòng đó.
Mọi người đều tập trung làm việc, phải thật tập trung để không xảy ra sai sót” - đây là tâm sự của một cán bộ có nhiều năm làm công tác in sao đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia.
Tất cả phòng in sao đều được đảm bảo không lọt bất cứ âm thanh, ánh sáng nào ra ngoài. |
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các hội đồng thi có trách nhiệm in sao đề thi cho tất cả các điểm thi thuộc phạm vi quản lý. Công việc in sao đề được thực hiện theo quy trình: Đọc soát đề thi gốc, kiểm tra kỹ bản in sao thử, so sánh với bản đề thi gốc trước khi in sao.
Trường hợp phát hiện sai sót hoặc có nội dung còn nghi vấn trong đề thi gốc phải báo cáo ngay với chủ tịch hội đồng thi để đề nghị Ban chỉ đạo thi quốc gia xử lý.
Vì đề thi thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước không được phép tiết lộ nên khu vực được chọn để in sao đề thi đều được cách ly 3 vòng nghiêm ngặt, dưới sự giám sát 24/24 của lực lượng an ninh.
Dù vất vả, phải trải qua 15 ngày bị “giam lỏng” trong căn phòng kín, nhưng mỗi cán bộ làm công tác này đều xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không được phép lơ là.
Ông Hoàng Văn Thi - phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa. |
Chia sẻ về hậu trường chuẩn bị cho công tác in sao đề thi, ông Hoàng Văn Thi - phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa tiết lộ thêm: Việc chọn địa điểm để tổ chức in sao đề cũng là cả vấn đề lớn. Bởi địa điểm này phải đảm bảo yên tĩnh, biệt lập, đủ rộng để bố trí được cả dàn máy in siêu tốc, với gần trăm người làm việc. Có năm, vì không bố trí được khu vực biệt lập, Sở đã phải đi thuê một khách sạn trong 15 ngày để thực hiện công tác này.
“Năm nay chúng tôi chọn một khu vực trong Sở GD&ĐT của tỉnh để tổ chức in sao đề thi. Dù địa điểm ở đâu thì đều được cách ly 3 vòng, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Những người thực hiện công tác này đều được tuyển chọn kỹ lưỡng” - ông Thi chia sẻ.
'Đề còn, người còn'
Qua khâu in sao, đề thi sẽ được niêm phong, đựng trong hòm sắt. Đến gần ngày thi sẽ được vận chuyển đến các điểm trường. Đối với các điểm thi ở đồng bằng, tiện đường tàu xe, việc vận chuyển sẽ dễ dàng hơn nhiều, còn ở khu vực miền núi, để đề thi đến đúng giờ, kịp phục vụ cho kỳ thi là cả một nỗ lực lớn của hàng trăm con người.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Thi - phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, ở những điểm thi xa, có đường sá đi lại khó khăn, Sở đều chỉ đạo cần chuẩn bị xe để đưa đề thi đến các điểm thi trước khi kỳ thi diễn ra. Việc giữ đề thi qua đêm tại các điểm thi rải khắp tỉnh là điều được đặc biệt chú trọng.
“Đây là khâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến việc lộ đề. Vì vậy, lực lượng an ninh phải căng mình, trắng đêm để trông coi. Ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình theo nghĩa “đề còn người còn, nên tuyệt đối không được phép để xảy ra sai sót” - ông Thi tiết lộ.