Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuế nhập khẩu linh kiện 0% - tương lai sáng cho xe lắp ráp

Nghị định mới mang đến lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam từ 2018, thời điểm xóa bỏ thuế nhập khẩu ôtô nội khối ASEAN.

Chính phủ vừa Ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Điểm đáng chú ý trong văn bản là việc Bổ sung Điều 7a, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ôtô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế.

thue linh kien 0% anh 1

Thuế nhập khẩu linh kiện ôtô về 0% trong 5 năm, giai đoạn 2018-2022.

Xe lắp ráp thêm cơ hội

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ được hưởng ưu đãi nhập khẩu linh kiện bằng 0% nếu đáp ứng được các điều kiện mà Chính phủ đề ra. Ưu đãi được áp dụng với linh kiện ôtô nhập khẩu thuộc nhóm 98.49 và chỉ dành cho xe chở người dưới 9 chỗ dung tích dưới 2.500 cc, minibus, xe tải và xe khách.

Đối với xe chở người dưới 9 chỗ dung tích dưới 2.500 cc, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 2018-2021, và mức 5 từ 2022 trở đi. Mức tiêu hao nhiên liệu phải dưới 7,5 lít/100km. Bên cạnh đó, phải đáp ứng được sản lượng của mẫu xe ôtô cam kết sản xuất, lắp ráp trong nước quy định cho từng giai đoạn cụ thể.

So với đề xuất đầu tháng 8 của Bộ Tài chính, Nghị định 125 được cho là dễ chịu hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, khi mức sản lượng cam kết giảm, không đòi hỏi tăng tỷ lệ nội địa hóa 40% vào 2022. 

thue linh kien 0% anh 2

Doanh nghiệp phải đạt được sản lượng theo yêu cầu mới đủ điều kiện hưởng ưu đãi (Đơn vị: chiếc).

Tuy vậy, những doanh nghiệp tiềm năng nhất có thể hưởng ưu đãi vẫn là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Toyota Việt Nam. 3 doanh nghiệp này đã được Bộ Tài chính dự đoán trước trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo góc nhìn của Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với linh kiện ôtô sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục duy trì và tăng sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước, từ đó góp phần tăng thu về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ hai là tăng dung lượng thị trường ôtô trong nước, giảm chi phí đầu vào sẽ nâng cao sức cạnh tranh của ôtô sản xuất lắp ráp, trong nước, đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động Việt Nam, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời góp phần cân bằng cán cân thương mại trước làn sóng xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Hải - cho rằng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện là rất cần thiết để lấy lại cân bằng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu. Theo ông Dương, đáng lẽ ưu đãi này đã phải có từ lâu, bởi nó cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Thậm chí, ông còn chờ đợi đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt linh kiện ôtô sản xuất trong nước.

Khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nhỏ

Trước khi Nghị định 125 được ban hành, Bộ Tài chính đã nêu rõ những mặt trái của phương án. Đầu tiên là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp không có chủ trương mở rộng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Họ sẽ không đáp ứng đủ điều kiện, vẫn phải chịu thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng như mức hiện hành quy định tại Nghị định 122.

Không được hưởng mức ưu đãi, các doanh nghiệp này sẽ thu hẹp sản lượng và dần chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc để kinh doanh thương mại. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.

thue linh kien 0% anh 3

Sức ép mà các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nhỏ phải đối mặt trong năm 2018 sẽ đến từ 2 phía: xe nhập khẩu ASEAN và xe lắp ráp của các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, cụ thể là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Toyota Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Ngô Trí Long nhìn nhận Nghị định 125 thể hiện tính không bình đẳng. Theo ông, khi đã ưu đãi thì phải công bằng, chia đều cho tất cả các doanh nghiệp, còn Nghị định này chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, từ đó có thể dẫn đến tình trạng "nước chảy chỗ trũng".

Thậm chí, vị chuyên gia còn cảnh báo việc bảo hộ quá nhiều sẽ dẫn đến ngành công nghiệp ôtô trì trệ.

"Một ngành công nghiệp ôtô phát triển cần phải có năng lực, dung lượng thị trường đủ lớn và thị trường có tính cạnh tranh thực sự. Giờ tạo ưu thế cho doanh nghiệp lớn dễ tạo tâm lý ỷ lại. Rất nhiều chiến lược phát triển được đề ra, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tỷ lệ nội địa hóa như mong muốn", PGS. TS Ngô Trí Long phân tích.

Xe lắp ráp trong nước rục rịch áp giá mới, xe nhập khẩu gặp khó

Một số doanh nghiệp kinh doanh ôtô đã công bố mức giảm cho xe lắp ráp nhờ chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% từ 2018.

Thế Anh

Bạn có thể quan tâm