Chủ tài khoản Dee Daber và chồng thuê phải ngôi biệt thự dơ bẩn, ẩm thấp khi du lịch Bali. Ảnh: Dailymail. |
Ngày 12/1, một cặp vợ chồng từ Sydney đã thuê căn biệt thự sang trọng tại khu du lịch Seminyak (Bali) làm nơi nghỉ dưỡng lãng mạn. Hình ảnh trên các website đặt phòng khá lung linh, với tường được sơn mới, nội thất sang trọng và cả khu vườn bên bể bơi riêng tư.
Tuy nhiên, họ sớm nhận ra đây là sai lầm không thể cứu vãn ngay khi đến nơi, theo news.com.au.
Trong bài chia sẻ trên các hội nhóm du lịch Bali, người vợ, với tài khoản tên Dee Daber, cho rằng nơi lưu trú quá dơ bẩn và có thể gây hại đến sức khỏe người thuê.
“Căn nhà xuống cấp trầm trọng. Dấu vết và mùi ẩm mốc xuất hiện ở mọi nơi. Ngay bên ngoài, một công trình đang thi công với nhiều đất, cát bừa bộn. Tệ hơn, tôi muốn nôn khi thấy xác gián ở các góc phòng”, cô viết.
Sự thất vọng nặng nề hơn khi hai người nhận phòng. Theo quan sát của họ, tấm ga trải giường có rất nhiều vết ố bẩn. Dường như chúng chưa được thay kể từ đợt khách lưu trú trước.
Tường nhà bẩn, xác gián ở các góc phòng khiến vợ chồng Dee Daber bức xúc. Ảnh: Dee Daber/Facebook. |
Bên cạnh đó, nhà vệ sinh cũng bẩn thỉu và xộc lên mùi hôi tanh. Vì không tìm được nơi khác ngay lập tức, đôi vợ chồng buộc phải qua đêm tại ngôi nhà này.
Khó chấp nhận sự thật, Dee bày tỏ bức xúc với chủ sở hữu căn biệt thự. Tuy nhiên, sau 3 lần khiếu nại, yêu cầu của cô vẫn bị ngó lơ. Người cho thuê còn khẳng định vợ chồng Dee là nhóm khách đầu tiên chê bai dịch vụ của họ và nhất quyết không bồi thường.
“Chúng tôi bỏ ra gần 300 USD/đêm chỉ để chuốc về cảm xúc tức giận, bị xem thường. Hy vọng sẽ không có khách du lịch nào cả tin như vợ chồng tôi”, người phụ nữ viết trên Facebook, đính kèm tên biệt thự nhằm cảnh báo mọi người.
Bài đăng của cô nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng yêu thích nghỉ dưỡng tại Bali. Đa số đều thể hiện thái độ tức giận, cũng như cảm thông cho sự cố khó chấp nhận của đôi vợ chồng.
“Đây là kiểu kinh doanh lừa đảo. Thật đáng xấu hổ”, một người bình luận.
“Nói như vậy, bạn không phải là nạn nhân duy nhất. Tại sao họ vẫn có thể trơ trẽn đón khách mới như thế?”, tài khoản khác chia sẻ.
Đây không phải lần đầu khách du lịch bị lừa khi thuê nơi lưu trú trên hòn đảo này. Giữa tháng 7/2022, Bree Robertson tìm thấy căn biệt thự cho thuê trên Airbnb.
Cỏ mọc khắp lối đi vào biệt thự do không có người chăm sóc. Ảnh: Insider. |
Sau khi đọc một loạt đánh giá tốt, kèm với quảng cáo về hồ bơi vô cực, nhà hàng trong khuôn viên và tầm nhìn ra khu rừng nhiệt đới Bree quyết định đặt phòng cho một đêm.
Tuy nhiên, khi đến nơi, Bree và bạn trai mới phát hiện căn biệt thự đã bị bỏ hoang.
Thay vì chứa làn nước trong xanh, hồ bơi đầy rêu, cỏ mọc um tùm; nhà hàng đã đóng cửa và không có bất kỳ ai ở đó, theo Insider.
Tệ hơn, sau khi xem xét khu nhà được ít phút, trời đổ mưa. Cặp đôi đành thuê một địa điểm khác ở Ubud và yêu cầu Airbnb hoàn lại tiền.
Bree cho biết đã nhận được tiền vào cùng ngày và căn biệt thự cũng bị gỡ khỏi trang web khoảng một tuần sau đó. Song, cô vẫn xem đây là trải nghiệm thú vị và không sinh ác cảm với nền du lịch tại Bali.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.