Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuốc chữa bệnh từ những con vật đáng sợ nhất thế giới

Những con vật dưới đây có lẽ là nỗi ám ảnh của nhiều người. Nhưng chúng cũng là cánh cửa mở ra một kho thuốc phong phú và hữu ích từ thiên nhiên.

Nhện giúp giảm đau và phục hồi tổn thương thần kinh

Mặc dù tất cả các loài nhện đều có khả năng cắn, chỉ có khoảng hơn một chục loài mang nọc độc có thể gây hại cho người. Nhện Góa phụ đen (Black Widows), Ẩn sĩ nâu (Brown Recluse) và Hobo nằm trong số những loài nhện độc ở Mỹ.

Vết cắn từ những loài nhện này có thể gây các triệu chứng như sốt, ngứa hoặc nổi ban, buồn nôn và nôn, tăng huyết áp và khó thở. Chỉ có một số ít trường hợp vết cắn của nhện có thể gây chết người.

Tuy nhiên, nọc độc của nhện cũng có thể giúp ích cho sức khỏe của con người. Sau khi sàng lọc 205 loài nhện, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland (Australia) đã phát hiện ra rằng, 40% số nọc có chứa ít nhất một chất có khả năng phong bế đường dẫn truyền đau mạn tính ở người, gọi là Nav1.7.

Một chất đặc biệt có triển vọng tên là Hd1a đã được xác định ở loài Haplopelma doriae - một thành viên của họ nhện. Phát hiện này có thể dẫn tới những thuốc điều trị hiệu quả hơn cho hàng triệu người trên khắp thế giới đang bị đau mạn tính.

Không chỉ nọc nhện mà tơ nhện cũng có thể dùng trong y học. Tơ nhện - những sợi protein được con vật dùng để dệt thành mạng nhện có thể sử dụng để điều trị tổn thương thần kinh ở người.

Tơ nhện là loại sợi bền chắc, chắc hơn thép gấp 5 lần. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y Hannover (Đức) tin rằng, độ bền cao khiến tơ nhện trở thành ứng cử viên đầy triển vọng trong phẫu thuật tạo hình thần kinh, mà kỹ thuật đã chứng minh được thành công trên các mô hình động vật.

Ong giúp trị vi khuẩn kháng thuốc và HIV

Năm 2013, một nghiên cứu trên tờ Antiviral Therapy đã tiết lộ về một độc chất có trong nọc ong là melittin có thể tiêu diệt virut HIV.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington giải thích rằng, melittin có thể tạo nên những lỗ thủng trên lớp màng bảo vệ của virut HIV. Sử dụng các tiểu phân nano để đưa một lượng chất độc lớn vào virut qua những lỗ này có thể là cách hiệu quả để tiêu diệt virut. Phát hiện có thể đưa đến một loại gel âm đạo chặn đứng sự lây truyền của HIV.

Tháng 9/2014, một nghiên cứu khác tuyên bố, ong cũng hữu ích trong việc chế tạo ra một nhóm kháng sinh mới. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Lund (Thụy Điển) phát hiện ra rằng, vi khuẩn axit lactic trong mật ong tươi ở dạ dày của ong có đặc tính kháng khuẩn.

Những vi khuẩn này chống lại được nhiều mầm bệnh kháng thuốc gây những bệnh nguy hiểm chết người, bao gồm tụ cầu vàng kháng methicillin và vi khuẩn ruột kháng vancomycin.

Bọ cạp có thể điều trị bệnh tim

Nghiên cứu năm 2011 của các nhà nghiên cứu Đại học Y Wisconsin - Madison đã tìm ra một nhóm chất trong nọc bọ cạp Pandinus imperator, còn gọi là bọ cạp hoàng đế châu Phi, có hiệu quả trong điều trị suy tim. Nhóm chất có tên là các calcin kích hoạt việc giải phóng canxi trong tế bào tim của người, giúp cơ tim co bóp tốt hơn.

Năm 2010, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cũng xác định được một chất là margatoxin có thể ngăn ngừa tình trạng quá sản tân nội mạc sau phẫu thuật bắc cầu ở tim - một biến chứng hay gặp có thể gây tắc mạch máu. Margatoxin phong bế kênh ion kali là Kv1.3 có vai trò trong tăng sản tân nội mạc.

Cóc chống lại ung thư

Trên thế giới có hơn 6.000 loài cóc, trong đó có 90 loài cư trú ở Mỹ. Tuy nhiều loài cóc có độc, song có rất ít loài gây hại cho người. Trên thực tế, một số loài ếch có thể là trợ thủ đắc lực cho con người trong cuộc chiến chống căn bệnh ung thư.

Một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Queen Belfast (Bắc Ireland) đã tiết lộ khám phá về hai protein từ da của hai loài cóc là Waxy Monkey Frog và Giant Firebellied Toad có thể cản trở sự phát triển các mạch máu mới khiến khối u không thể lớn lên, nhờ đó có thể biến ung thư từ một bệnh chết người thành một bệnh mạn tính.

Bò sát kiểm soát và điều trị tiểu đường

Năm 2007, một nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina đã mô tả cách thức mà exenatide dạng tổng hợp của chất exendin-4, có trong nước bọt của thằn lằn Gila có thể giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát bệnh và giảm cân như thế nào.

Chất này khiến cho tuyến tụy sinh ra nhiều insulin hơn khi đường huyết quá cao. Trong nghiên cứu, 46% số bệnh nhân được dùng exenatide kết hợp với thuốc tiểu đường metformin đã kiểm soát tốt đường huyết, so với chỉ 13% số bệnh nhân đối chứng.

Thằn lằn Gila không phải là loài bò sát duy nhất có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2012 trên tờ Nature Communications đã tìm thấy một số độc tố trong nọc rắn có thể giúp điều trị bệnh này, cũng như tăng huyết áp và ung thư.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích trình tự gen của trăn Burmese và rắn Thamnophis sirtalis để đi tới phát hiện này. Họ thấy rằng mặc dù nọc của những loại rắn này có thể gây hại cho người, song có thể chuyển độc tố trong đó thành những phân tử vô hại để sản xuất những thuốc điều trị hiệu quả.

http://suckhoedoisong.vn/quoc-te/thuoc-chua-benh-tu-nhung-con-vat-dang-so-nhat-the-gioi-20150523020731237.htm

Theo BS Cẩm Tú/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm