Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

'Thuốc giải rượu' - bảo vệ gan hay chỉ là chiêu quảng cáo?

Hiện nay, nhiều loại dược phẩm được giới thiệu là "thuốc giải rượu", giúp bảo vệ và phục hồi gan. Liệu chúng có tác dụng như lời quảng cáo?

Sau mỗi cuộc nhậu, tôi thường uống thuốc giải rượu để nhanh chóng tỉnh táo. Gần đây, trên mạng có bán thuốc giải rượu được quảng cáo bảo vệ và giải độc gan. Liệu những loại thuốc này có tác dụng đúng như vậy không?

BSCKI Lê Thị Cẩm Thơ, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115, tư vấn:

Sau khi uống, rượu được hấp thu nhanh tại đường tiêu hoá, 20% ở dạ dày, gần 80% xuống ruột non và đi vào máu. Một lượng nhỏ rượu được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu.

Chuyển hóa rượu xảy ra chủ yếu ở gan. Dưới tác dụng của enzym ADH, ethanol chuyển thành acetaldehyde, đây chính là chất gây độc cho cơ thể. Sau đó, dưới tác dụng của các enzym, quá trình oxy hóa giúp acetaldehyde biến thành axit acetic. Axit acetic phân huỷ thành CO2 và năng lượng.

Tốc độ chuyển hoá của gan khoảng 1 g ethanol/10 kg/1 giờ.

Hiện nay, thị trường có nhiều loại dược phẩm được giới thiệu là "thuốc giải rượu". Thực chất, đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hoá rượu.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng minh những "thuốc" này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu, hoặc làm mất trạng thái say xỉn.

Ngoài ra, sử dụng thuốc giải rượu còn có những tác hại đến sức khỏe như sau:

- Nhiều “thuốc giải rượu” có nguồn gốc, xuất xứ, thành phần không rõ ràng. Vì vậy, một trong những thành phần của chúng có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng cho người sử dụng.

- Vì lầm tưởng vào công dụng của "thuốc giải rượu", người dân vô tư uống nhưng không hề biết rằng chúng không bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu. Cuối cùng, hậu quả đối với sức khỏe vẫn xảy ra.

- Thuốc giải rượu tham gia vào quá trình chuyển hoá rượu. Vì vậy, rượu và thuốc cùng lúc được chuyển hoá qua gan, làm tăng gánh nặng cho cơ quan này. Hậu quả, bạn sẽ tăng nguy cơ suy gan cấp.

Uống nhiều rượu bia ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không có "thần dược" nào giúp bạn uống mà không say.

Mẹo uống rượu lâu say

Một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng rượu tiêu thụ và kiềm chế cơn say.

Độc giả Bình An

Bạn có thể quan tâm