Sau khi cha mẹ thử que test dương tính với cúm A, N.H.Q. (29 tuổi, Thanh Nhàn, Hà Nội) đến nhiều nhà thuốc gần khu vực anh ở nhưng không có Tamiflu. Sau cùng, anh tìm mua được loại thuốc này tại nhà thuốc ở phố Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) với giá 75.000 đồng/viên. Anh cũng được nhân viên tại đây hướng dẫn cần uống đủ 10 viên cho mỗi đợt điều trị.
Cháy hàng, loạn giá thuốc điều trị cúm A
"Tôi mua hết hơn 2 triệu đồng tiền thuốc Tamifu và một số loại thuốc bổ khác cho cha mẹ. Biết là đắt nhưng gia đình có người ốm nên tôi cũng cố gắng để mua. Thuốc khó mua nên tìm được nơi bán tôi thấy vẫn còn may mắn", anh Q. chia sẻ.
Một hiệu thuốc trên đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: PA. |
Khảo sát của Zing tại nhiều nhà thuốc từ quận Hai Bà Trưng đến Cầu Giấy, Hà Nội, cho thấy tất cả đều thông báo đã hết hàng thuốc Tamiflu.
Chị N.T.H., nhân viên nhà thuốc trên đường Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết từ đầu tháng 7, nhu cầu mua thuốc Tamiflu của người dân tăng cao. Tuy nhiên, cơ sở này không nhập thuốc Tamiflu vì giá tăng quá cao.
Tương tự, chị T. (nhân viên chuỗi nhà thuốc lớn có cơ sở ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay tại đây cũng đã hết hàng thuốc Tamiflu. "Cúm A thường xảy ra mùa đông xuân, nhà thuốc sẽ có chuẩn bị trước để nhập hàng phục vụ người dân. Năm nay, dịch Cúm A diễn biến bất thường nên không có thuốc để bán", chị T. nói.
Ông L.V.L., chủ hiệu thuốc trên đường Chùa Quỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng phần lớn thuốc Tamiflu trên thị trường là hàng "xách tay", không có hóa đơn, nhãn phụ.
"Giá thuốc nhập cũng tăng cao so với trước đây, đặc biệt là hàng công ty, nếu bán, chúng tôi cũng phải bán ra với giá cao hơn. Thị trường có nơi bán gần một triệu đồng/hộp. Vì vậy, tôi không nhập thuốc này", ông L. thông tin.
Trung tâm thuốc Central Pharmacy bán thuốc Tamiflu với giá 850.000 đồng/hộp. |
Hỏi mua loại thuốc này tại fanpage có tên Trung tâm thuốc Central Pharmacy, nhân viên tại đây trả lời Tamiflu có giá 850.000 đồng/hộp với hàng "công ty".
Người này cũng cho biết còn một loại khác là hàng "xách tay", giá rẻ hơn là 650.000 đồng/hộp và hoàn toàn giống nhau. Chúng chỉ khác nhau về nguồn gốc nhập hàng.
Trên các sàn thương mại điện tử, thuốc điều trị cúm A cũng được đăng bán với nhiều mức giá khác nhau, chủ yếu là hàng xách tay từ Nga, Pháp, dao động 569.000-850.000 đồng/hộp.
Trong khi đó, tại trang web Tra cứu giá thuốc của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, Tamiflu viên nang cứng (75 mg), hộp một vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44,877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Thích uống thuốc vì có cảm giác an toàn hơn
Ông Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas, Mỹ, cho biết mỗi ngày ông phải giải thích cho rất nhiều bệnh nhân về việc cúm là siêu vi, không có biện pháp trị liệu hữu hiệu, chủ yếu điều trị hỗ trợ như các loại siêu vi khác.
"Bệnh nhân không chấp nhận và nhất quyết muốn dùng thuốc Tamiflu. Họ coi thuốc này như thần dược để chữa cúm", bác sĩ Hưng nói.
Theo bác sĩ Hưng, Tamiflu là thuốc kháng virus nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi. Sau đó, men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới.
Tamiflu ức chế men này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể chứ không có tác dụng tiêu diệt chúng. Vì vậy, thuốc này chỉ có hiệu quả trong vòng 48 giờ đầu khi virus cúm mới xâm nhập cơ thể. Sau đó, thuốc không còn tác dụng vì virus đã có mặt ở khắp nơi trên cơ thể.
Bác sĩ Hưng khẳng định Tamiflu chỉ giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, hết triệu chứng sớm hơn không uống khoảng 17 giờ.
Nhiều người cho rằng thuốc Tamiflu quan trọng trong việc trị cúm nên mua về tích trữ, vô tình đẩy giá sản phẩm lên cao. Đây không phải lần đầu tiên giá thuốc Tamiflu bị đội lên cao gấp nhiều lần.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khẳng định bệnh nhân mắc cúm A, sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng, việc sử dụng Tamiflu không có tác dụng với virus cúm.
PGS Dũng giải thích khi virus xâm nhập, nó phải chui vào tế bào cơ thể người và nhân lên. Tamiflu chỉ có tác dụng không làm virus nhân lên mà không thể giết chết nó. Nói cách khác, loại thuốc này chỉ ức chế được virus. Trong khi đó, người bình thường vẫn có cơ thể tự ức chế virus mà không cần sự hỗ trợ của Tamiflu.
"Nếu bệnh nhân bị cúm nặng, chúng tôi điều trị bằng loại thuốc khác, ngay cả khi không có Tamiflu vẫn không ảnh hưởng", bác sĩ Dũng nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Tamiflu là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi với chỉ định của bác sĩ. Nếu loại thuốc trên được bày bán tràn lan trên mạng là sai về mặt pháp luật và khoa học. Người dân tự ý mua thuốc trong trường hợp này rất nguy hiểm".
Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần, Bệnh viện Methodist Hospital, giảng dạy tại Đại học Y khoa California Northstate, Mỹ, cho biết các nghiên cứu gần đây đặt câu hỏi vì tính hiệu quả trị cúm của các dòng thuốc này. Đa số cho thấy khi bệnh nhân dùng thuốc trị cúm này trong vòng 2-3 ngày đầu đầu tiên, triệu chứng cúm rút ngắn được gần một ngày (17 giờ) so với không uống thuốc.
Bệnh nhân điều trị cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo. |
Nói cách khác, uống thuốc đúng lúc và đúng bệnh thì hết bệnh nhanh hơn một ngày, không uống sẽ kéo thêm một ngày.
Theo TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, các tác dụng phụ thường gặp khi dùng Tamiflu là buồn nôn, nôn, nhức đầu, đỏ mắt, ho, vấn đề hô hấp, tăng tổn thương thận ở những người có bệnh thận. Ông nhấn mạnh tác dụng phụ đáng sợ nhất là rối loạn tâm thần, thay đổi tâm trạng thất thường.
"Khi mắc cúm A, người dân không bắt buộc phải dùng thuốc này. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống, dùng vitamin C để tăng đề kháng. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn thích uống thuốc vì có cảm giác an toàn hơn", TS Hùng cho hay.
Ai cần lưu ý khi mắc cúm A?
Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4-B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, đưa ra lời khuyên: “Đôi khi các triệu chứng cúm A tự khỏi hoặc nhẹ có thể điều trị tại nhà. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
Đặc biệt, người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi và trường hợp mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi, đái tháo đường… dễ biến chuyển thành ác tính".
Theo bác sĩ Thức, biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao. Phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A cũng có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai.
Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh. Khi mắc cúm A, nếu thấy có các biểu hiện bất thường, bạn cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng đáng tiếc.
Cách phòng ngừa virus cúm A:
- Vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông lớn. Đặc biệt, trong khi dịch cúm bùng phát, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Khi bị sốt, bạn nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe phòng ngừa cúm A.
- Thường xuyên lau sạch, vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
- Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là tiêm vaccine cúm hàng năm. Mỗi một mũi tiêm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó. Đặc biệt, gia đình có trẻ em, tiêm đủ, đúng lịch, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Tháng 12/2019 và 2020, dịch cúm A bùng phát mạnh, nhiều người dân đổ xô tìm mua thuốc Tamiflu. Thời điểm này, giá thuốc Tamiflu bị đẩy lên cao gấp 4-5 lần. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, phát đi thông tin kêu gọi người dân không dùng thuốc này bừa bãi.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh , Bộ Y tế, khuyến cáo: "Tamiflu không phải thuốc đặc trị chữa khỏi cúm. Người dân tuyệt đối không nên đổ xô đi mua về sử dụng". Yếu tố quan trọng nhất là phòng bệnh và giải quyết tốt các nhiễm trùng cơ hội. Tamiflu được xếp vào nhóm hỗ trợ điều trị, không phải thuốc chữa đặc hiệu.
Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số một. Người dân có thể tiêm vaccine để ngừa cúm và phòng hộ cá nhân (uống đủ nước, giữ ấm cơ thể, chân, đầu).