Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Thương cho roi vọt’ là bao biện cho hành vi bạo hành trẻ

Giáo viên thực hiện hành vi bạo lực với trẻ em như mắng chửi, đánh đập mà bị phát hiện, sẽ bị xử lý kỷ luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hậu quả nghiêm trọng.

Tư duy “thương cho roi vọt” chỉ đúng trong một vài tình huống cụ thể ở nền giáo dục ngày xưa, khi xã hội còn lạc hậu, kém văn minh. Ngày nay, hành động này không thể chấp nhận được.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội, khẳng định như vậy trong bài viết gửi Zing.vn liên quan câu chuyện cô giáo ở TP.HCM đánh nhiều học sinh lớp 2.

Trẻ em là nạn nhân của bạo lực có thể ảnh hưởng nhân cách

Dưới góc độ pháp lý, hành vi của cô giáo trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) tát, véo tai, chửi mắng học sinh khi các em không hiểu, làm bài tập sai, là bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, xâm hại sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, cụ thể là của trẻ em.

Hành vi này vi phạm quyền con người, quyền trẻ em theo quy định của luật trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan. Bởi vậy, giáo viên chắc chắn sẽ phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng.

co giao tphcm danh hoc sinh anh 1
Cô giáo véo tai hàng loạt học sinh lớp 2. Ảnh: Cắt từ clip.

Giáo dục trẻ em là hoạt động đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, công phu và cần có phương pháp mới đạt được hiệu quả. Bởi vậy, để tham gia hoạt động của ngành giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên phải được đào tạo, huấn luyện đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức cần thiết, chứ không phải ai cũng có thể vào ngành, hoạt động giáo dục.

Khi xã hội càng phát triển, văn minh, quyền con người, quyền trẻ em càng được ghi nhận, đề cao và tôn trọng. Hành vi bạo lực với trẻ em bằng lời nói, hành động tại nhà trường và gia đình đều bị lên án như nhau.

Ở gia đình, do trình độ nhận thức, nhiều ông bố, ba mẹ vẫn đánh, mắng chửi con cái. Tuy nhiên, ở môi trường trường học, hành vi này diễn ra ít hơn bởi giáo viên là những người được đào tạo, có kỹ năng, trình độ nghiệp vụ sư phạm, phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định trong hoạt động giáo dục.

Những giáo viên thực hiện hành vi bạo lực với trẻ em như mắng chửi, đánh đập mà bị phát hiện, sẽ bị xử lý kỷ luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.

Những người có tính nóng nảy không có kỹ năng nghiệp vụ hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, sẽ không có tác dụng giáo dục. Hành động này chỉ làm cho trẻ em bị tổn thương, sợ hãi, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm lý, hình thành nhân cách của trẻ. Nó hình thành mầm mống và nuôi dưỡng tư duy bạo lực, cách sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong xã hội.

Những trẻ sống và chứng kiến bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, lớn lên dễ nóng tính, sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong đời sống, hình thành tâm lý coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.

Những em được giáo dục trong nền giáo dục văn minh, được tôn trọng, đề cao ý thức tôn trọng người khác, các quy tắc trong xã hội, pháp luật sẽ ít vi phạm, ít phạm tội hơn.

Không được phép đánh đập, chửi mắng học sinh

Hoạt động giáo dục có nguyên tắc, định hướng, nội dung và phương pháp. Giáo viên cũng phải đảm bảo những tiêu chuẩn và tuân thủ nguyên tắc trong giáo dục.

Với học sinh, giáo viên ứng xử phải tuân theo kỷ luật, nội quy của nhà trường: Có khen thưởng, kỷ luật. Việc khen thưởng, kỷ luật học sinh phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Trong trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật, không tuân thủ các nguyên tắc, giáo viên chỉ được phép sử dụng quyền năng của mình theo quy định pháp luật để thực hiện các hình thức xử lý kỷ luật như nhắc nhở, phê bình, đưa sang hội đồng kỷ luật nhà trường, chứ không được phép đánh đập, chửi mắng học sinh.

Tùy thuộc hậu quả của hành vi đánh đập, chửi mắng học sinh, giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác (nếu hậu quả được xác định nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của học sinh, ảnh hưởng uy tín của ngành giáo dục).

Học sinh lớp 2 còn rất bé và cũng dễ vâng lời, không hiểu sao giáo viên lại có những hành vi phản giáo dục như vậy?

Việc nhà trường đình chỉ giảng dạy đối với giáo viên, phân công nhiệm vụ khác và báo cáo sự việc với sở GD&ĐT, UBND cấp huyện để tổ chức thanh tra xác minh làm rõ hành vi của cô giáo, xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết.

Căn cứ kết luận thanh tra, tùy thuộc hành vi cụ thể, hậu quả cụ thể và quá trình vi phạm mà giáo viên sẽ phải chịu hình thức kỷ luật, cao nhất có thể là buộc thôi việc, cho ra khỏi ngành.

Cô giáo đánh học sinh lớp 2 nhiều ngày Học sinh làm sai, không hiểu bài, bị cô giáo đánh và mắng chửi. Thanh tra quận Tân Phú, TP.HCM, đang thụ lý vụ việc này.

Tranh cãi 'thương cho roi vọt' vụ cô giáo đánh nhiều học sinh ở TP.HCM

Một số người cho rằng ngày xưa, học sinh bị cô giáo đánh có sao đâu, phụ huynh đừng làm quá lên. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác phản đối vì "thương cho roi vọt" không còn phù hợp.

Cô giáo đánh học sinh tại TP.HCM: 'Tôi xem video cũng thấy sợ mình'

Cô giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết cô sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật của ngành vì đã đánh học sinh.

Luật sư Đặng Văn Cường

Bạn có thể quan tâm