Đối với hầu hết thương hiệu thời trang, việc mời các người mẫu nổi tiếng tham gia chiến dịch quảng cáo của họ là điều cần thiết vì sẽ giúp nhãn hàng được chú ý hơn. Từ đó, doanh thu sản phẩm cũng tăng nhanh.
Tuy nhiên, ông chủ của thương hiệu thời trang Balmain gần đây đã chuyển sang một hướng khác là sử dụng người mẫu ảo (được tạo ra bằng công nghệ máy tính) để quảng bá cho bộ sưu tập thời trang mùa thu mới nhất.
"Đội quân ảo phản ánh sự pha trộn đa dạng, đẹp đẽ, tự tin và mang đến cho mọi người cảm giác háo hức để khám phá những thế giới mới", đại diện của Balmain chia sẻ trên Twitter.
Thương hiệu thời trang Balmain sử dụng những người mẫu ảo để quảng bá cho bộ sưu tập thời trang mùa thu mới nhất của họ. |
Trước đây, khi nói đến Balmain, hầu hết công chúng sẽ nhớ hình ảnh của các ngôi sao nổi tiếng là Kendall Jenner, Kim Kardashain và Gigi Hadid diện thiết kế của thương hiệu này. Hiện tại, những người mẫu ảo xuất hiện trong bộ cánh lộng lẫy, tinh tế của Balmain lại được nhắc tới nhiều hơn.
Giám đốc sáng tạo của Balmain - nhà thiết kế Olivier Rousteng, là người sở hữu ba người mẫu ảo Shudu, Margot và Zhi. Đặc biệt, chân dài da màu Shudu nổi bật nhất với hơn 141.000 người theo dõi trên Instagram. Shudu được tuyên bố là "siêu mẫu kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới".
Khi nhìn thấy hình ảnh của Shudu, một số người bày tỏ thái độ khinh thường khi một phiên bản người mẫu ảo lại thay thế người phụ nữ thực tế. Song, vẫn có ý kiến ca ngợi vẻ đẹp của của nữ người mẫu da màu này.
Shudu Gram là người mẫu ảo nổi tiếng trong làng thời trang hiện nay. |
Trên thực tế, Shudu đã được lựa chọn để chụp hình cho dòng son Fenty Beauty do Rihanna làm giám đốc sáng tạo. "Cha đẻ" của Shudu - nhiếp ảnh gia Cameron James Wilson, cho biết Shudu được anh tạo ra dựa trên hình ảnh của các người mẫu là Grace Jones, Alek Wek và Duckie Thot.
Thời gian gần đây, giới thời trang đổ xô lăng xê những người mẫu ảo trong các chiến dịch quảng cáo của họ như Balenciaga, Proenza Schouler, Prada hay Diesel.
Đối với Wilson, anh cho rằng công nghệ 3D sẽ giúp các người mẫu có thể tạo ra bản sao của chính mình. Nhờ vậy, họ có thể hoạt động trên khắp thế giới khi chỉ cần gửi bản sao đến nơi cần sử dụng.
Tuy nhiên, quan điểm này cũng gây ra không ít tranh cãi. Nhiều người cho rằng việc lăng xê những người mẫu ảo là sự tránh né trả tiền lương cho người mẫu thực, đặc biệt là các chân dài da màu. Hay nói cách khác, điều đó gián tiếp khẳng định quan niệm phân biệt chủng tộc trong làng mốt.
Chưa hết, việc này sẽ gây khó khăn khi cần phân biệt đâu là bản gốc và bản sao. "Thần thái của họ sẽ chẳng giống nhau trong các khung hình", một người nhận định.