Theo Jing Daily, các món đồ phù phiếm từ những thương hiệu xa xỉ đang được làm ngày một nhiều với mức giá ngất ngưởng. Dư luận Trung Quốc không thích điều đó nhưng có vẻ các thương hiệu đang không lắng nghe.
Thiếu tôn trọng
Hồi tháng 5, có tin đồn Gucci và adidas bắt tay với nhau để cho ra mắt một sản phẩm giá tới 1.649 USD. Đó không phải "siêu phẩm" giày, trang sức hay quần áo mà là một chiếc ô. Sau khi thông tin bị rò rỉ, Gucci nhanh chóng đổi tên sản phẩm này thành "ô che nắng".
Sở dĩ, Gucci phải làm vậy vì trong phần thông tin bị lộ ra, sản phẩm được miêu tả "không thấm nước". Việc hai tên tuổi lớn hợp tác để cho ra mắt "chiếc ô vô dụng" rồi bán với giá gần 1.700 USD đã khiến cư dân mạng Trung Quốc tức giận.
Chiếc ô vô dụng của Gucci không thể làm phần đông cộng đồng mạng Trung Quốc hài lòng. Ảnh: Gucci. |
Chỉ trong thời gian ngắn, thông tin về chiếc ô chỉ để che nắng này đã thu về khoảng 140 triệu lượt xem từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Đa số không hài lòng với cách các thương hiệu cao cấp giở trò để moi tiền bằng những sản phẩm kém chất lượng.
Sau đó, website của Gucci đã phải cập nhật phần miêu tả sản phẩm là "không khuyến khích để sử dụng như ô thông thường nhưng thích hợp làm phụ kiện hàng ngày với giá trị sưu tầm tốt". Tuy nhiên, điều này chỉ càng tăng sự phản đối từ công chúng.
Tương tự chiếc ô Gucci x adidas là đôi giày rách tả tơi của Balenciaga. Sản phẩm này còn nhận được nhiều quan tâm hơn với khoảng 420 triệu lượt xem trên Weibo.
Đôi giày rách của Balenciaga nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Complex. |
Những người làm ra nó muốn thể hiện tác động của thời trang nhanh với môi trường. Tuy nhiên, lý lẽ này không đủ thuyết phục. Chia sẻ với Jing Daily, một người dùng mạng Trung Quốc nói: "Tôi có thể tìm thấy thứ tương tự ở bãi rác".
Các thương hiệu vẫn phớt lờ. Họ không thực sự quan tâm đến sự tức giận từ những người dùng Trung Quốc.
Nên cẩn trọng
Thực tế, không phải ai trong số hơn hàng trăm triệu người chê bai đều là khách hàng mục tiêu của những thương hiệu lớn như Balenciaga, Gucci. Chỉ một số người có đủ tiền để chi trả cho những thứ "vô dụng" đó. Và các khách hàng trung thành của những thương hiệu này thường mua đồ vì giá trị hơn là tính thực tế.
Dù vậy, sự phản đối quá lớn cũng có thể tạo nên bất ổn. Cây viết của Jing Daily đặt câu hỏi: "Liệu những thương hiệu này có thể phát triển mạnh ở thị trường hàng xa xỉ lớn thứ 2 thế giới không khi họ cứ phớt lờ người tiêu dùng hiểu biết?".
Thị trường Trung Quốc có một số đặc thù riêng. Nhiều người nước này cho rằng việc mua hàng xa xỉ không đơn thuần để dùng. Họ mua vì muốn được xã hội công nhận và khẳng định địa vị. Với các sản phẩm bỏ qua tính ứng dụng thực tế và đem đến những câu chuyện phi thường, chúng càng trở nên đáng mơ ước hơn.
Khách hàng ở Trung Quốc quan tâm nhiều đến sĩ diện khi mua đồ hiệu. Ảnh: Jing Daily. |
Nhưng đó chưa phải tất cả. Không thể vì thế mà các thương hiệu lớn ngang nhiên ngó lơ tiếng nói của dư luận. Trong văn hóa Trung Quốc có một thứ gọi là "văn hóa thể diện". Hiểu đơn giản, 30% trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng giàu có ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dư luận xã hội.
Vì thế, các thương hiệu xa xỉ phải hiểu tầm quan trọng của việc duy trì hình ảnh đáng mơ ước và tránh xa những tác động tiêu cực bên ngoài nhóm khách hàng mục tiêu.
Một vấn đề khác là cách xây dựng câu chuyện của sản phẩm. Đa số mặt hàng xa xỉ giờ thường lấy phương Tây làm trung tâm của câu chuyện. Điều này có thể khiến khách hàng Trung Quốc nghĩ họ bị phớt lờ hay đối xử hời hợt.
Ngoài ra, các đơn vị giám sát thị trường cũng không để yên cho những thương hiệu xa xỉ thích gì làm nấy. Hồi tháng 5, Lululemon, nhà bán lẻ thời trang ở Mỹ, đã bị Cục Giám sát thị trường quận Tây Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) phạt vì bán hàng kém chất lượng. Trước đó, Bally, H&M, Chanel và nhiều thương hiệu khác cũng bị gọi tên vì các lỗi như dán nhãn mác sai.
"Những gì Balenciaga hay Gucci trải qua cho thấy thị trường Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ thế hệ trẻ - nhóm khách hàng tìm kiếm nhiều giá trị hơn ở các sản phẩm xa xỉ. Dư luận đóng vai trò quan trọng. Các thương hiệu không chỉ cần lắng nghe từ khách hàng mà kể cả những người không mua sản phẩm của họ", trích Jing Daily.