Mới đây, Bộ Công an cảnh báo Tập đoàn Skyway chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp, nhưng Skyway vẫn có nhiều hoạt động có dấu hiệu của hành vi kinh doanh đa cấp trái phép thông qua hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử...
Trong một vụ việc khác, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã chuyển hồ sơ đề nghị VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Khắc Đồi (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gold Time) cùng đồng phạm về hành vi kêu gọi các cá nhân tham gia mua phân quyền của Công ty Gold Time theo hình thức đa cấp. Các bị can bị cáo buộc chiếm đoạt khoảng 844 tỷ đồng.
Qua các vụ án chiếm đoạt tài sản xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cho rằng cách thức tổ chức mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh đã bị các nhóm tội phạm lợi dụng để huy động tài chính dưới nhiều danh nghĩa khác nhau.
Dùng tiền của người sau trả cho người trước
Theo ông Hiếu, thực tế tại Việt Nam, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp đã và đang diễn ra chủ yếu dưới 2 hình thức:
Một là, dựa trên hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nghĩa là có sản phẩm cụ thể. Ở hình thức này, sản phẩm cũng chỉ là cái cớ nhằm che đậy cho hành vi lừa dối, chiếm đoạt tiền của người tham gia mạng lưới. Chủ thể thực hiện hành vi thường là các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, nhưng khi hoạt động đã cố ý làm trái các quy định về kinh doanh đa cấp, làm méo mó, biến tướng phương thức kinh doanh này.
Nhiều quốc gia cảnh báo về hoạt động huy động vốn trái pháp luật của Skyway. |
Hai là, hoạt động không dựa trên việc kinh doanh, bán lẻ hàng hóa, không có sản phẩm cụ thể. Khi đó, mọi hoạt động đều xoay quanh việc thu hút tiền từ những người tham gia mới vào mạng lưới.
Theo chuyên gia, người phạm tội thường thành lập ra các công ty, tổ hợp kinh doanh… dưới danh nghĩa góp vốn vào dự án, nhận ủy thác đầu tư, mua bán cổ phần, nhượng quyền kinh doanh, đầu tư kinh doanh tiền ảo, đầu tư bất động sản, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thông tin số. Mục đích để huy động tài chính trong xã hội theo mô hình đa cấp. Chủ thể thực hiện hành vi này thường không có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp.
Để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, người phạm tội lấy lợi ích làm “mồi nhử”, chủ động đưa ra các thông tin gian dối, sai sự thật về mô hình tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; về lãi suất và lợi ích khi tham gia kinh doanh; về khả năng sinh lời mà mô hình đem lại… Từ đó, họ kích thích lòng tham, tính hám lợi của người dân, khiến mọi người tin tưởng rồi nộp tiền cho doanh nghiệp để được quyền tham gia kinh doanh.
Ngoài ra, nhằm phát triển mạng lưới đa cấp, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, người phạm tội cam kết, hứa hẹn áp dụng chế độ trả thù lao, tiền thưởng, hoa hồng với lãi suất rất cao cho người tham gia khi lôi kéo được thêm người khác cùng đầu tư, kinh doanh trong mạng lưới.
Trước sức hấp dẫn của lợi ích kinh tế, nhiều cá nhân (nhà đầu tư) đã tích cực phát triển hệ thống, làm cho mô hình huy động tài chính kiểu này phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân.
"Dùng tiền của người tham gia sau, trả lãi cho người vào mạng lưới trước, thu tiền của tuyến dưới trả cho các tuyến trên, là bản chất của mô hình này", thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích. Ông Hiếu chỉ ra rằng khi không thể tìm được thêm nhà đầu tư mới, tất yếu hệ thống sẽ sụp đổ vì không thể trả lãi cho các tuyến trên.
Khi đó, bằng việc tuyên bố phá sản hay đóng cửa công ty, dừng hoạt động website hoặc bỏ trốn, người phạm tội chiếm đoạt số tiền lớn của đông đảo người tham gia trong mạng lưới đa cấp.
Nhiều người biết sai nhưng vẫn phạm tội
Ông Đào Trung Hiếu nhấn mạnh hậu quả mà tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này rất nặng nề. Không chỉ gây ra những thiệt hại kinh tế đặc biệt lớn, loại tội phạm này còn là tác nhân góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội.
Thượng tá Đào Trung Hiếu. |
Theo ông Hiếu, nhiều người tham gia mạng lưới đa cấp bất chính dù nhận ra bản chất gian dối, song vì lợi ích vật chất nên vẫn tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo người thân, bạn bè của mình tham gia. Kết quả là cả một dây chuyền lừa đảo được tổ chức công khai và ngày càng lan rộng theo cấp số nhân.
Thượng tá Đào Trung Hiếu cũng bày tỏ trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời kỳ cách mạng 4.0, tình hình tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp tiếp tục diễn biến phức tạp.
Lợi dụng khoa học công nghệ, hành vi phạm tội này có nhiều “biến thể” mới rất tinh vi như huy động vốn góp, ủy thác đầu tư, bán cổ phần nội bộ theo phương thức đa cấp, đầu tư tài chính online, kinh doanh ngoại hối, vàng ảo, tiền ảo, bất động sản…
Đặc biệt, với sức mạnh kết nối, lan tỏa không biên giới do Internet đem lại, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này có thể xảy ra ở quy mô xuyên quốc gia, với số lượng nạn nhân, thiệt hại vật chất không có giới hạn.
Do đó, chuyên gia lo ngại nếu không có những giải pháp chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn thì hậu quả của loại tội này đối với đời sống xã hội sẽ nặng nề.
5 cuốn sách giúp hiểu đúng về khiếu nại, tố cáo
Luật Tố cáo quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo… Luật Khiếu nại quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính… Luật Tiếp công dân quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…
Tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh trong pháp luật hành chính Việt Nam đưa ra các tiêu chí phân biệt giữa tố cáo, tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh. Trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, quy trình tiếp công dân và văn bản hướng dẫn thi hành Luật tố cáo - giúp dễ dàng nắm bắt trình tự, thủ tục trong giải quyết khiếu nại.